Bàn thêm về việc "nhập" cầu thủ

Thứ Bảy, 04/04/2009, 11:09
Các cầu thủ ngoại có khả năng thi đấu được cho đội tuyển quốc gia Việt Nam thì không đủ trình độ thi đấu cho Đội tuyển Quốc gia nước họ. Huỳnh Kesley Alves, Phan Văn Santos làm mưa làm gió ở Việt Nam chứ về Brazil có thể xem là “không có vị gì”...

Nhập quốc tịch cho các cầu thủ “ngoại” đang thi đấu tại các giải bóng đá của Việt Nam đang là một trào lưu. Trào lưu này đang làm cho giải đấu quốc nội trở nên “quốc tế hóa” hơn, Đội tuyển Quốc gia cũng “mở cửa” hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lật lại vấn đề để nhìn nhiều mặt.

Nhập quốc tịch là vì... đội bóng

Bạn đừng giật mình nếu một buổi chiều Chủ nhật, bạn bật vô tuyến và nghe bình luận viên ríu cả lưỡi khi tường thuật giải bóng đá V-League: Trong đó xuất hiện khá nhiều cái tên nửa ta nửa tây: “Đoàn Văn Nirut chuyền ngược lại cho Đoàn Văn Sakda, cầu thủ này vượt qua Võ Quốc Issawa rồi nhẹ nhàng tỉa bóng vào góc xa hạ gục thủ môn Phan Văn Santos”...

Mở đầu cho trào lưu này chính là việc thủ môn Santos của Đồng Tâm Long An (ĐTLA) nhập quốc tịch Việt Nam. Anh lấy một cái tên khá ngộ nghĩnh là Phan Văn Santos (lấy theo họ của đồng đội là Phan Văn Tài Em). Theo toan tính ban đầu của Câu lạc bộ (CLB) này thì đơn giản chỉ là việc ĐTLA sẽ có thêm một suất cầu thủ ngoại thi đấu (mỗi đội ở Việt Nam chỉ được phép có tối đa 3 cầu thủ ngoại thi đấu trên sân). Dần dà, Phan Văn Santos trở thành thành viên của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Ngay sau sự mở đầu này, nhiều CLB trong nước như HAGL, Bình Dương, Thanh Hóa cũng đã bày tỏ ý định làm thủ tục nhập quốc tịch cho ngoại binh ở đội bóng mình.

Thủ môn "ngoại" Phan Văn Santos vẫn phải chịu thua thủ môn "nội" Dương Hồng Sơn.

Thế rồi một loạt các cái tên “nửa tây nửa ta” ra đời trên sân cỏ, đa số họ đều mượn họ Việt Nam của một người có ảnh hưởng trong đội bóng hoặc của HLV, Chủ tịch CLB... Đoàn Văn Nirut, Đoàn Văn Sakda (HAGL - lấy họ của ông chủ Đoàn Nguyên Đức); Đặng Văn Robert (Hải Phòng - lấy họ đội trưởng Đặng Văn Thành).

Ở Giải hạng nhất, CLB Ninh Bình cũng có hai ngoại binh vừa nhận được quốc tịch Việt Nam là Đinh Hoàng La (thủ môn Mykola, Ukraine) và Đinh Hoàng Max (Maxwell, Nigeria).

Trường hợp của Huỳnh Kesley Alves (Bình Dương) có lẽ là thuyết phục nhất vì anh đã thành rể Việt Nam từ năm 2005. Hiện tại, người vợ Việt của anh đã sinh con đầu lòng. Kesley cũng có ý nguyện muốn khoác áo Đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, hai ngoại binh khác mới xúc tiến thủ tục chuyển đổi quốc tịch là tiền vệ Brazil Rogierio (SHB Đà Nẵng) và tiền đạo Congo Ishamala (ĐTLA).

Lợi thì có lợi, nhưng mà...

Trào lưu nhập quốc tịch của các cầu thủ bóng đá nước ngoài đang tạo ra hai hiệu ứng khá rõ ràng với bóng đá Việt Nam.

Hiệu ứng tích cực thể hiện ở việc các CLB sẽ có nhiều hơn các suất tham dự một trận đấu của các cầu thủ ngoại. Có nhiều cầu thủ ngoại, đương nhiên, các giải bóng đá của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng chuyên môn cao hơn và thu hút được khán giả theo dõi, cổ vũ.

Xét về bài toán kinh tế cho các CLB thì rõ ràng những nhà làm kinh tế như Đoàn Nguyên Đức hay Võ Quốc Thắng (ĐTLA)... đã nhanh chóng nhìn ra món lời lớn từ việc nhập tịch cho cầu thủ của mình.

Còn có nguồn tin cho rằng, để các cầu thủ ngoại nhập quốc tịch Việt Nam, các ông bầu đội bóng sẽ phải tiến hành “lót tay” cho các cầu thủ đó để đội có thêm một suất cầu thủ ngoại (?).

“Ông bầu” Đoàn Nguyên Đức của HAGL đã từng so sánh rất thực tế: nếu đặt yếu tố tiền lên trên thì việc có một cầu thủ ngoại nhập tịch sẽ rẻ hơn rất nhiều so với mua một cầu thủ nội chất lượng kém hơn.

Ví dụ, để mua một tiền đạo giỏi như Lê Công Vinh phải mất ít nhất  dăm tỉ đồng, trong khi để nhập tịch cho một cầu thủ hay thuộc dạng nhất nhì V-League như Huỳnh Kesley Alves lại chẳng cần đến số tiền lớn như vậy.

Hay việc tuyển mộ trung vệ Như Thành tiêu tốn 5 tỉ đồng thì việc “nhập tịch” cho một trung vệ nổi tiếng ở Đông Nam Á như Nirut (Thái Lan) sẽ chẳng phải mất tiền chuyển nhượng hay “lót tay” gì cả.

Với Đội tuyển Quốc gia, việc có nhiều cầu thủ ngoại sẽ nâng cao tính cạnh tranh với các cầu thủ trong đội tuyển hơn. Với một vài ngoại binh có chất lượng trong đội hình thì đương nhiên, đội tuyển của chúng ta sẽ mạnh hơn và giành được nhiều danh hiệu hơn. Nhiều người cũng mong chờ, chất “ngoại” sẽ có thể giúp chúng ta vượt qua cái bóng của người Thái Lan để vượt lên dẫn đầu bóng đá Đông Nam Á.

Với tốc độ gia nhập quốc tịch như thế này thì nhiều khả năng, một ngày nào đó, bạn sẽ nghe giới thiệu trên tivi: “Đội hình ra quân của Đội tuyển Việt Nam bao gồm: thủ môn Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Đặng Văn Robert, Đinh Hoàng Max...”. Những ai hằng ngày không đọc báo chắc chả biết được đấy có phải là Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam hay không.

Về góc độ Đội tuyển Quốc gia thì việc xuất hiện các cầu thủ nhập tịch sẽ đẩy mạnh tính cạnh tranh lên cao nhưng cũng có khả năng thui chột các tài năng “nội”. Rõ ràng so về thể lực, cả về sự phát triển nền bóng đá, chúng ta đang ở “vùng trũng của bóng đá thế giới”.

Bóng đá không chỉ đơn thuần là một môn thể thao mà còn là niềm tự hào của cả một dân tộc. Đó là nơi mà hàng triệu người hâm mộ cả nước gửi niềm tin, cổ vũ cho những người mang màu cờ sắc áo Việt Nam. Hơn nữa, với văn hóa người Việt, tính dân tộc, yếu tố “người Việt” luôn được đề cao.

Đấy là chưa kể đến yếu tố địa phương: dân xứ Nghệ lại có thêm niềm tự hào khi cổ vũ cho những đứa con như: Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Minh Đức...; người Nam Định sẽ dõi theo Ngọc Anh, Quang Huy... người Khánh Hòa thì luôn mong Tấn Tài ghi bàn...

Việc xuất hiện quá nhiều cầu thủ ngoại trong đội tuyển sẽ làm giảm bớt đi phần nào niềm tự hào của người hâm mộ. Đội tuyển Bóng đá Singapore là một “nhỡn tiền”. Trình độ cũng chỉ ngang ngửa với Việt Nam nhưng niềm tự hào dân tộc với đội bóng thì Singapore còn lâu mới theo được chúng ta.

Nirut (trái) và Sakda nhập quốc tịch Việt Nam với mục đích duy nhất là cống hiến cho đội HAGL.

Trước những giải đấu lớn, hoặc các trận thi đấu giao hữu của Đội tuyển Quốc gia với những CLB nổi tiếng, người hâm mộ Singapore đều tỏ ra thờ ơ, và chẳng hề quan tâm đến điều đó. Một lý do rất đơn giản để hiểu: họ không thấy niềm kiêu hãnh và tự hào dân tộc khi đến sân nữa, bởi Đội tuyển Quốc gia của họ đã không còn mang màu sắc của dân tộc?!

Chuyện nhập tịch cho các cầu thủ ngoại có thể xét trong cụm từ “lợi bất cập hại”. Cũng không nên quá khép cửa với trào lưu nhập tịch cho các cầu thủ bóng đá nhưng các cầu thủ cũng không nên nhìn ngoại binh đá mà... nản. Bằng chứng là thủ môn Brazil Phan Văn Santos đã chịu thua Dương Hồng Sơn, Huỳnh Kasley chắc gì đã “qua mặt” được những Công Vinh, Việt Thắng...

Bóng đá không chỉ có huy chương...

Vấn đề là chúng ta phải học tập cách mà các nền bóng đá phát triển đang làm trong việc nhập quốc tịch để giải bóng đá vừa đi lên nhưng vẫn giữ được bản sắc và niềm tự hào dân tộc.

Ở các nền bóng đá phát triển như Italia, Tây Ban Nha... việc nhập quốc tịch cũng diễn ra khá cởi mở ở cấp CLB. Ronaldinho, Amauri, Robinho, Ronaldo... cũng từng được “sắm” thêm quốc tịch Tây Ban Nha bên cạnh quốc tịch Brazil để CLB của mình có thêm suất cầu thủ ngoài EU. “Chiêu” này đã nhanh chóng được các nhà làm bóng đá Việt Nam “học hỏi” và dẫn đến trào lưu nhập quốc tịch như hiện nay.

Riêng ở cấp độ đội tuyển quốc gia thì lại là chuyện khác, HLV Đội tuyển Italia Marcello Lippi đã từng tuyên bố đội tuyển dưới thời ông sẽ không dùng các cầu thủ không phải là bản địa. Vậy nên một trong những cầu thủ nổi nhất giải Seria vài năm trở lại đây - Amauri vẫn vật vã mà chưa thể đứng trong đội hình Đội tuyển Quốc gia Italia dù anh thừa khả năng.

Đây cũng là câu chuyện của tài năng trẻ Bojan Krkic mang hai quốc tịch Tây Ban Nha và Serbia&Montenegro. Anh vừa muốn thể hiện tình yêu với quê hương Serbia&Montenegro vừa muốn khoác lên mình chiếc áo Đội tuyển Tây Ban Nha - một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới.

Cũng nói thẳng một điều rằng, các cầu thủ ngoại có khả năng thi đấu được cho đội tuyển quốc gia Việt Nam thì không đủ trình độ thi đấu cho Đội tuyển Quốc gia nước họ. Huỳnh Kesley Alves, Phan Văn Santos làm mưa làm gió ở Việt Nam chứ về Brazil có thể xem là “không có vị gì”... Vậy nên cũng không trách được tâm lý “chót còn hơn chét” của họ.

Chỉ có những trường hợp đáng tiếc như Lee Nguyễn, một cầu thủ tài năng gốc Việt nhưng đã trót chơi “vài phút” cho Đội tuyển Mỹ nên hết cơ hội thi đấu cho Đội tuyển Việt Nam. (Theo quy định của FIFA, một cầu thủ chỉ được khoác áo đội tuyển quốc gia 1 nước duy nhất trong sự nghiệp). Các trường hợp như Nirut, Sakda... đều đã từng thi đấu cho Đội tuyển Thái Lan.

Việc nhập quốc tịch cho các cầu thủ bóng đá cũng như để các cầu thủ này thi đấu cho Đội tuyển Quốc gia là một vấn đề phải xem xét ở nhiều góc độ. Chỉ có một điều mà các nhà hoạch định chính sách bóng đá cần nhớ: bóng đá là một trò chơi, đi kèm với nó không chỉ có những tấm huy chương mà còn có cả lòng tự hào và  bản sắc

H.C.T.
.
.
.