Bài toán khó của thể thao Hà Nội

Thứ Sáu, 11/01/2019, 08:29
Ngày 10-1, ngành thể thao Hà Nội đã tổ chức triển khai nhiệm vụ trong năm 2019. Hàng loạt nhiệm vụ mới được đặt ra trong đó vẫn là phải có những bước tiến mạnh mẽ để thực hiện bằng được mục tiêu lần đầu có VĐV giành huy chương tại đấu trường Olympic. Đây vẫn là bài toán khó với nhiều thế hệ quản lý, HLV, VĐV Hà Nội trong nhiều năm qua.


Gác lại thành công

Nếu kể về thành công tại đấu trường châu lục, khu vực Đông Nam Á hay trong nước, thể thao Hà Nội hoàn toàn có thể tự hào. Trong gần 20 năm qua, thể thao Hà Nội luôn dẫn đầu tại các Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc (đến năm 2018 đổi thành Đại hội Thể thao toàn quốc).

Gần nhất, ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn Hà Nội giành ngôi Nhất toàn đoàn với cách biệt khá lớn so với đoàn xếp Nhì là TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, vị thế hàng đầu của thể thao Hà Nội tại sân chơi trong nước càng được khẳng định.

Bùi Thị Thu Thảo (giữa) giúp thể thao Hà Nội khẳng định vị thế ở sân chơi châu lục.

Còn khi tham gia Đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games hay ASIAD, thể thao Hà Nội cũng khẳng định được vai trò. Các VĐV Thủ đô luôn đóng góp trên 30% tổng số huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam trong nhiều kỳ SEA Games. Tại ASIAD năm 2014, lần đầu tiên thể thao Hà Nội có VĐV giành HCV cá nhân là Dương Thúy Vi ở môn Wushu. Tấm HCV ấy đã chấm dứt 24 năm chờ đợi của ngành thể thao Hà Nội ở sân chơi châu lục.

Trước đó, nhiều thế hệ VĐV nổi tiếng của Thủ đô, trong đó có Nguyễn Thúy Hiền (Wushu), tưởng có thể giành tấm HCV ASIAD nhưng đều lỡ hẹn. Năm 2018, Hà Nội lại có thêm VĐV giành HCV cá nhân ở sân chơi ASIAD. VĐV Bùi Thị Thu Thảo giành HCV ở môn nhảy xa, một nội dung của điền kinh - môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic.

Nhờ đó, Bùi Thị Thu Thảo trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV cá nhân ASIAD ở môn thi trong hệ thống thi đấu của Olympic. Thế nên những danh hiệu cá nhân liên tiếp đến với cô như Công dân ưu tú Thủ đô, VĐV tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2018. Thành công của Bùi Thị Thu Thảo cũng là thành công chung của thể thao Hà Nội. Nhờ đó, thể thao Thủ đô mới thực sự khẳng định được vị thế ở các đấu trường tầm cỡ châu lục.

Trước đó, thể thao Thủ đô luôn được tiếng là đầu tư nhiều và mạnh tay, từ kinh phí hàng năm, mức thưởng cho HLV, VĐV đoạt huy chương đến hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu. Tất cả đều thuộc diện hàng đầu cả nước nhưng thành tích ở ASIAD vẫn chưa tương xứng. Chính tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo đã giải tỏa tất cả, để những người gắn bó với thể thao Hà Nội có thể thoải mái nói về đóng góp của Hà Nội ở sân chơi ASIAD.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trước mắt những người làm thể thao Hà Nội vẫn là tấm huy chương Olympic – thứ đang thiếu trong bộ sưu tập huy chương.

Đi tìm sự khẳng định ở Olympic

Như nhiều người trong nghề khẳng định, đã là hàng đầu cả nước thì cũng phải đóng góp cụ thể bằng tấm huy chương ở mọi sân chơi. Đến lúc này, thể thao Việt Nam mới giành được 4 tấm huy chương ở đấu trường Olympic thì 2 trong số đó thuộc về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. 2 tấm huy chương còn lại thuộc về những VĐV của Bắc Ninh (Hoàng Anh Tuấn), Phú Yên (Trần Hiếu Ngân).

Tất nhiên, cả Hoàng Anh Tuấn cũng như Trần Hiếu Ngân đều trưởng thành thực sự từ khi được tập trung vào đội tuyển quốc gia. Dù vậy, những người làm thể thao Hà Nội không quan tâm đến điều đó mà chỉ biết rằng còn một bài toán khó cần giải quyết. Bài toán ấy chính là phải chinh phục bằng được tấm huy chương Olympic.

Trước năm 2008, thể thao Hà Nội từng kỳ vọng wushu sẽ có tên trong chương trình thi đấu của Olympic 2008 tại Trung Quốc. Cho đến nay, đó là cơ hội lớn nhất để wushu góp mặt ở Olympic.

Nếu năm đó, wushu xuất hiện trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic thì rất có thể sẽ có vận động viên Hà Nội xuất hiện trên bảng danh sách đoạt huy chương. Nhưng rồi wushu chỉ xuất hiện ở Olympic 2008 như môn thể thao biểu diễn. Những tấm HCV, HCB ở lần thi đấu biểu diễn ấy của các VĐV Hà Nội trong màu áo Đoàn Thể thao Việt Nam cũng chỉ để cho vui dù khâu tổ chức nghiêm ngặt, chặt chẽ như các môn thi chính thức của Olympic.

Gần đây nhất, vào năm 2016, thể thao Hà Nội lại ấp ủ hy vọng chinh phục được tấm HCĐ ở môn cử tạ tại Olympic 2016. Trước kỳ Olympic đó, đô cử Vương Thị Huyền đã đạt các chỉ số chuyên môn để có thể chinh phục được tấm HCĐ hạng 48kg nữ. Tuy nhiên, thực tế thi đấu lại khác so với tính toán.

Đô cử của Hà Nội không thể vượt qua chính mình và nhìn tấm HCĐ trong mơ của mình cũng như của thể thao Hà Nội tuột khỏi tầm tay. Thế nên, người làm thể thao Hà Nội đành tự an ủi với việc đóng góp tới 8 VĐV trong tổng số 23 VĐV của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2016. Nhờ đó, thể thao Hà Nội là đơn vị góp nhiều VĐV nhất cho Đoàn Việt Nam. Đấy là mục tiêu từng được thể thao Hà Nội theo đuổi nhưng rõ ràng, một tấm huy chương sẽ khiến người trong cuộc “dễ ăn, dễ nói” hơn với người ngoài.

Đến lúc này, khi Olympic 2020 và 2014 đã cận kề, thể thao Hà Nội phải chọn ra nguồn VĐV để đầu tư cho mục tiêu giành huy chương thay vì tạm hài lòng với việc giành vé dự Olympic. Quanh đi quẩn lại cũng không nhiều lựa chọn cho mục tiêu giành huy chương, nhất là với Olympic 2020. Đến lúc này, nếu tính kỹ thì cũng chỉ có thể hy vọng vào cử tạ. Cho nên, từ bây giờ, đầu tư cho VĐV để có thể giành huy chương ở Olympic 2024 cũng đã được tính đến. Vấn đề không hoàn toàn ở kinh phí. Quan trọng hơn cả vẫn phải là có VĐV để đầu tư.

Với những người làm nghề của thể thao Hà Nội, chưa chinh phục được tấm huy chương Olympic cũng đồng nghĩa chưa thể hài lòng với chính mình, với tiềm năng của thể thao Thủ đô.

Góp trên 30% tổng số huy chương cho Đoàn Việt Nam ở SEA Games 30

Một trong những mục tiêu quốc tế được thể thao Hà Nội chú trọng trong năm 2019 bên cạnh mục tiêu giành suất tham dự Olympic 2020 chính là tiếp tục góp trên 30% tổng số huy chương cho Đoàn Việt Nam ở SEA Games 30 năm 2019. Với thực lực hiện nay của thể thao Hà Nội, mục tiêu này khá khả thi. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp đầu tư mạnh mẽ, mục tiêu này sẽ trở nên chông chênh. (Minh Khuê)

Minh Nhật
.
.
.