Bài toán elo ở các giải quốc nội

Thứ Bảy, 04/05/2019, 09:26
Tại giải vô địch cờ vua toàn quốc năm 2019 đang diễn ra tại Bắc Giang, lần đầu tiên sau 20 năm, Ban Tổ chức giải đã không duy trì việc tính rating (elo) quốc tế ở nội dung cờ tiêu chuẩn. Như thế, cơ hội nâng hệ số elo của các kỳ thủ Việt Nam lại càng thu hẹp.


Khó thu hút cao thủ vì tính elo

Từ nhiều năm nay, những người tổ chức giải quốc gia của làng cờ Việt Nam vẫn đau đáu nỗi niềm thu hút đầy đủ cao thủ tham dự giải quốc nội. Câu chuyện tưởng bình thường ở những môn khác nhưng lại là vấn đề ở môn cờ vua.

Tại giải vô địch quốc gia, những kỳ thủ hàng đầu ít tham dự nội dung cờ tiêu chuẩn chỉ vì sợ mất hệ số elo. Như Lê Quang Liêm phải rất vất vả mới có thể đạt mức trên 2.700 elo. Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Trường Sơn còn trầy trật hơn nhưng cũng chỉ qua mức 2.600 elo.

Các kỳ thủ tham dự giải cờ vua vô địch quốc gia 2019 đang diễn ra ở Bắc Giang.

Với mức elo này, các kỳ thủ hàng đầu sẽ được mời tham dự những giải đấu quốc tế lớn, có tiền thưởng và bồi dưỡng tham dự giải ở mức cao so với mặt bằng cờ vua Việt Nam. Vì vậy, nếu dự các giải quốc nội, khả năng mất hệ số elo của những kỳ thủ hàng đầu hoàn toàn có thể xảy ra. Điều đó đồng nghĩa ít được mời dự những giải quốc tế hơn và nguồn thu nhập bị thu hẹp đáng kể. Đấy là câu chuyện thực tế được nhiều nhà quản lý nhìn nhận.

Theo họ, trừ khi giải đấu có mức tiền thưởng cực lớn cũng như hội tụ nhiều Đại Kiện tướng quốc tế có hệ số elo trên 2.600 thì mới thu hút được những cao thủ như Lê Quang Liêm hay Nguyễn Ngọc Trường Sơn.

Bởi chỉ có vậy, họ mới vơi nỗi lo mất hệ số elo sau mỗi lần dự giải quốc gia. Còn cứ như hiện tại, nguy cơ mất hệ số elo luôn hiển hiện nếu họ quyết định dự giải quốc gia. Ở đó, chỉ cần các kỳ thủ có elo thấp hơn nhiều chủ động hòa với họ là công sức gom nhặt elo trước đây bị hao hụt đáng kể.

Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra do tiền thưởng ở giải quốc gia không đủ hấp dẫn trong khi làng cờ vua Việt Nam không có kỳ thủ nào đạt mức trên 2.600 elo như Trường Sơn hay Quang Liêm. Hiện tại, Trần Tuấn Minh (Hà Nội) đang là kỳ thủ có elo cao thứ ba ở Việt Nam nhưng cũng chỉ ở mức 2.526.

Cho nên, tại các giải quốc gia gần đây, người ta thường quen với hình ảnh Nguyễn Ngọc Trường Sơn chỉ tham dự nội dung cờ nhanh và cờ chớp trong khi không dự nội dung cờ tiêu chuẩn. Còn Lê Quang Liêm vốn bận bịu với việc học tại Mỹ cũng như dự các giải quốc tế nên hầu như không góp mặt, trừ khi đó là sân chơi Đại hội Thể thao toàn quốc.

Cũng vì vậy, sau khi cân nhắc, Liên đoàn Cờ vua Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao mới quyết định không tính hệ số elo tại giải cờ vua quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, mức độ hợp lý của quyết định này vẫn đang là dấu hỏi khi nội dung cờ tiêu chuẩn vẫn không có Lê Quang Liêm hay Nguyễn Ngọc Trường Sơn.

Trong số này, Trường Sơn vẫn chỉ dự nội dung cờ nhanh, cờ chớp và không đăng ký dự nội dung cờ tiêu chuẩn. Không kể, việc không tính hệ số elo cũng có thể tạo nên những hệ lụy khác như kỳ thủ thi đầu thiếu tích cực, thiếu động lực.

Vẫn cần nhiều sân chơi tính elo

Rõ ràng, việc không tính elo tại giải cờ vua vô địch quốc gia đã hạn chế cơ hội nâng elo của nhiều kỳ thủ Việt Nam – những người vốn ít được dự các giải đấu dạng này.

Cho đến nay, tại Việt Nam chỉ có vài giải tính hệ số elo như giải HDBank, Hà Nội mở rộng (tháng 2), giải Hà Nội tính hệ số elo (tháng 6), giải Royal (TP Hồ Chí Minh). Còn nếu muốn tìm thêm elo, các kỳ thủ Việt Nam phải dự các giải ở nước ngoài. Đây là là vấn đề nan giải, bởi không phải kỳ thủ hay đơn vị chủ quản nào cũng đủ kinh phí để tham dự giải quốc tế liên tục. Như thế lại hạn chế đáng kể vị trí của Việt Nam trong làng cờ thế giới.

Ở đó, số kỳ thủ đạt danh hiệu Siêu Đại Kiện tướng quốc tế, Đại Kiện tướng quốc tế và hệ số elo của các kỳ thủ mới quyết định vị thế chứ không hẳn là những chức vô địch. Thực tế là từ trước đến nay, thứ hạng trong làng cờ thế giới chưa phản ánh đúng thực lực của các kỳ thủ Việt Nam.

Rõ nhất là dù chỉ trong nhóm 30-40 thế giới, căn cứ vào trung bình elo của 10 kỳ thủ hàng đầu, nhưng cờ vua nam Việt Nam từng có đến 3 lần (năm 2008, 2012, 2018) lọt vào nhóm 10 đội dẫn đầu giải cờ vua đồng đội thế giới (Olympiad). Điều này càng phản ánh nghịch lý của làng cờ Việt Nam là  ít Đại Kiện tướng thế giới (hiện chỉ có 10 người) so với tiềm năng. Vấn đề vẫn là các kỳ thủ ít có cơ hội thi đấu để nâng hệ số elo cũng như tìm chuẩn danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế hay Kiện tướng quốc tế.

Thế nên, vẫn cần nhiều hơn những giải đấu có tính elo để tạo cơ hội cho nhiều kỳ thủ có điều kiện nâng hệ số elo, hướng tới mục tiêu xa hơn là giành chuẩn cũng như danh hiệu Đại Kiện tướng quốc tế hay Kiện tướng quốc tế, qua đó mang lại vị thế tốt hơn cho làng cờ vua Việt Nam.

Đấy không chỉ là trách nhiệm của Liên đoàn Cờ vua Việt Nam hay Tổng cục Thể dục Thể thao mà còn là trách nhiệm của cả những người đã trưởng thành, có vị trí trong làng cờ vua Việt Nam như chia sẻ gần đây của Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh.

38 triệu đồng giải thưởng ở giải cờ vua Hà Nội xét elo năm 2019

Liên đoàn Cờ vua Việt Nam và câu lạc bộ cờ vua Kiện tướng tương lai vừa công bố điều lệ giải cờ vua Hà Nội xét elo năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6-6 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội). 

Theo đó, Ban Tổ chức giải miễn phí cho những kỳ thủ có hệ số elo trên mức 2.000. Với những kỳ thủ chưa có elo đến mức elo dưới 2.000 sẽ đóng phí tham dự từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng. Tổng giá trị giải thưởng tại giải là 38 triệu đồng trong đó kỳ thủ vô địch nhận 10 triệu đồng cùng Huy chương vàng và cúp vô địch. 

Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh – Trưởng Ban Tổ chức giải cho hay sẽ cố gắng huy động nguồn xã hội hóa để tổ chức nhiều giải đấu tương tự hoặc giải đấu tính chuẩn Đại Kiện tướng quốc tế tại Việt Nam trong một năm.

Minh Khuê

Minh Nhật
.
.
.