AVG lập "Quỹ hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam"

Thứ Ba, 03/01/2012, 10:57
Lâu nay, kinh phí hỗ trợ điều trị cũng như chính sách đãi ngộ cho vận động viên (VĐV) bị chấn thương đang là vấn đề khó giải quyết của ngành thể thao nước nhà. “Quỹ hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam” được AVG khởi xướng thành lập sẽ góp phần giải quyết vấn đề còn đang tồn tại này.

SEA Games 26 vừa kết thúc tháng 11 vừa qua tại Indonesia đã chứng kiến sự nỗ lực không ngừng của các VĐV Việt Nam tại đấu trường khu vực. Trong số 96 HCV mà đoàn thể thao Việt Nam đạt được, có những tấm huy chương còn quý hơn gấp nhiều lần bởi không ít VĐV đã từng gặp phải chấn thương nhưng vẫn không ngừng tập luyện, thi đấu trong những cơn đau dai dẳng.

Vũ Thị Nguyệt Ánh một lần nữa là cái tên tỏa sáng không phải bởi đây là lần thứ 5 cô bước lên bục cao nhất của SEA Games mà quan trọng hơn, trước khi giành HCV tại Indonesia, đã có lúc tưởng như Nguyệt Ánh phải từ giã sàn đấu Karatedo vì chấn thương đầu gối. Nữ VĐV Quân đội đã một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của mình ngay cả khi vết thương vẫn chưa được điều trị một cách triệt để.

Nếu như chiến thắng của Vũ Thị Nguyệt Ánh là một niềm tự hào thì thất bại của “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương ở bộ môn điền kinh tại SEA Games 26 là một bài học mà ở hai trường hợp này, vấn đề chấn thương và điều trị chấn thương là mẫu số chung. Từng không có đối thủ trong khu vực ở đường chạy 100m nhiều năm qua, nhưng tại SEA Games vừa rồi, Vũ Thị Hương chỉ đạt HCĐ. Nguyên nhân chính được cho là do chấn thương của Hương chưa kịp bình phục. Đáng ngại hơn, cánh cửa đến giải đấu cao nhất - Olympic London 2012 của Vũ Thị Hương đang dần hẹp lại cũng bởi chấn thương.

Vũ Thị Nguyệt Ánh nỗ lực thi đấu ngay cả khi vết thương vẫn chưa được điều trị.

Có thể thấy rằng, việc điều trị chấn thương mà các VĐV gặp phải trong quá trình tập luyện và thi đấu đang là một “mối lo” không chỉ của các VĐV mà còn của nhiều ban, ngành thể thao, trong đó cốt lõi là vấn đề về kinh phí.

Hiện tại, nguồn kinh phí điều trị chấn thương cho VĐV vẫn dựa trên bảo hiểm và khả năng tự thanh toán của VĐV (nếu vượt khung bảo hiểm). Theo đó, Tổng cục TDTT sẽ mua bảo hiểm chấn thương khi VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia tập luyện và đặc biệt là khi thi đấu tại các sự kiện khu vực và thế giới. Những VĐV còn lại, Liên đoàn thể thao địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ở cả hai cấp từ địa phương đến Tổng cục, mức bảo hiểm là không cao (cao nhất đối với VĐV bóng đá nam hoặc các VĐV thi đấu quốc tế cũng chỉ dừng lại ở mức 100 - 150 triệu đồng/người).

Một tin vui vừa đến với làng thể thao Việt Nam, đặc biệt là đối với các VĐV thể thao thành tích cao, đó là Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu - AVG khởi xướng thành lập quỹ hỗ trợ VĐV bị chấn thương để tài trợ, hỗ trợ kinh phí điều trị, phẫu thuật chấn thương mà các VĐV, HLV gặp phải trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao mang tên “Quỹ Hỗ trợ vận động viên thể thao Việt Nam”, sẽ ra mắt vào ngày 5/1/2012. Trước mắt, Quỹ sẽ hỗ trợ cho các Liên đoàn như Bóng đá, Điền kinh, Thể dục, Taekwondo, Vovinam, Bóng rổ… và sẽ mở rộng hỗ trợ cho các bộ môn thể thao khác trong thời gian tới.

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu AVG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam khẳng định: “Mục đích của AVG khi đứng ra thành lập “Quỹ Hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam” là mong muốn tạo thành một hệ thống quỹ quy mô, phát triển liên tục và có đủ chi phí để đảm bảo cho chấn thương của các VĐV được chữa trị triệt để, tạo cho các VĐV niềm tin, cũng như tiếp thêm sự nỗ lực cho những cống hiến của họ đối với nền thể thao nước nhà”

Thái Anh
.
.
.