AFF Suzuki Cup 2012 và những lá thư từ Bangkok: Ông Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng

Thứ Sáu, 23/11/2012, 10:50
Ông ngồi ở bên lề sân đấu, quan sát những buổi tập của ĐTVN. Vừa quan sát ông vừa chuyện trò nhiệt tình, rôm rả với các phóng viên, thậm chí còn “chọc ghẹo” phóng viên, cứ như thể mình là một phóng viên, chứ không phải… một ông trưởng đoàn. Ông là thế mà: bình dân, giản dị, và đáng yêu đến lạ…!
>> AFF Cup và những lá thư từ Bangkok: Vọng về miền ký ức...!

Có một điều khác biệt trông thấy giữa ông Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng ở kỳ AFF Suzuki Cup này với những ông trưởng đoàn trước đây như Dương Vũ Lâm hay Trần Quốc Tuấn. Đó là nếu ông Lâm, ông Tuấn thường diện quần âu, áo sơ mi, và cho dù luôn tỏ ra thân thiện, gần gũi với các tuyển thủ thì sự thân thiện, gần gũi ấy cũng không  hiện hình một cách sắc nét như ông Bằng - người luôn trung thành với chiếc quần sóc, áo thun, giày thể thao hệt như những ngày còn làm trợ lý ngôn ngữ cho thầy ngoại.

Có lẽ chính những ngày ấy, những ngày “ăn cùng, ở cùng” các tuyển thủ, hiểu tường tận suy nghĩ và lối sống của các tuyển thủ khiến ông giữ nguyên được sự thân thiện ngay cả khi đã chuyển qua một vai trò mới: TTK VFF, kiêm trưởng đoàn ĐT.

Ông Bằng thân thiện tới mức nhiều lúc sẵn sàng nhảy bổ vào sân để thực hiện công việc… nhặt bóng khi các tuyển thủ đang luyện bài sút cầu môn. Có lẽ xưa nay, ông là ông trưởng đoàn duy nhất tự nguyện thực hiện cái việc… nhặt bóng như thế, mà thực hiện một cách nhiệt tình, hồ hởi, chứ không “diễn”, không “làm dáng” như cái cách mà một số quan chức khác thường làm.

Khi được hỏi về “những kỷ niệm bóng đá trên đất Thái Lan”, ông Bằng cũng chia sẻ một cách thật thà, hồ hởi y như vậy. Ông bảo năm 2007, khi ĐTVN dự Kings Cup - một giải đấu tập huấn cho AFF Suzuki Cup thì ông đã tới đây, rồi khi làm thuyền trưởng ĐT nữ, ông cũng đã mang các “cô gái bóng đá” qua đây dự giải.

Hình ảnh giản dị của ông Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng tại Bangkok - Thái Lan. Ảnh: Quang Minh.

Cả hai giải đấu ấy, đội bóng mà ông Bằng gắn bó đều thua, mà đau nhất chính là lần tuyển nữ thua trắng Thái Lan 0-5, khiến ông mất ăn mất ngủ. Nhưng đến lần thứ 3 sang đất Thái, lần cùng thuyền trưởng Calisto dự AFF Cup 2008 thì ông Bằng đã được nếm “trái ngọt” với một chiếc cúp vàng ngoài dự kiến. Có thể thấy so với 3 lần trước, lần này ông Bằng xuất hiện ở đất Thái với một tư thế khác hẳn - cái tư thế mà ông phải chịu trách nhiệm lớn hơn, và áp lực hơn.

Ở tư thế ấy - tư thế Trưởng đoàn ĐT tại các kỳ AFF Cup, người ta vẫn hay nhắc tới ông Trưởng đoàn Tô Hiền năm 1996 (hồi ấy giải đấu còn mang tên là Tiger Cup, chứ chưa phải là AFF Cup như bây giờ). Hình ảnh ông Tô Hiền cầm cành khế vào phòng thuyền trưởng Weigang để mang theo thông điệp “quê hương là chùm khế ngọt” đã khiến cơn thịnh nộ của ông Weigang với 4 cầu thủ mà ông “nghi ngờ có vấn đề” dần dần lắng xuống. Và thế là từ chỗ đòi đuổi 4 cầu thủ này về nước, ông Weigang đã chấp nhận phương án cho họ ở lại đoái công chuộc tội. Kết quả là từ chỗ tưởng như “chết đến nơi”, ĐT năm đó lại gặt đồng ĐNA - cái đồng mang nặng dấu ấn của một ông trưởng đoàn giàu kinh nghiệm.

Vẫn ở tư thế trưởng đoàn, hình ảnh một Trưởng đoàn Dương Vũ Lâm tuy không được đánh giá cao ở phương diện chuyên môn hay phương diện quản lý, nhưng lại là một trưởng đoàn rất “son” vẫn được nhiều quan chức VFF nhắc đi nhắc lại. Trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu, thậm chí còn có người nói đùa: Nếu không có một ông trưởng đoàn “mát vía” như ông Lâm thì chưa chắc ĐT đã giật cúp vàng năm 2008.

Câu hỏi đặt ra là bây giờ, Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng hoặc có tạo ra một “vận son” (ít nhất là “vận son” trong mắt các quan chức VFF) như ông cựu Trưởng đoàn Dương Vũ Lâm, hoặc có chứng tỏ được sự cao tay trong việc gỡ rối tình huống như ông cựu Trưởng đoàn Tô Hiền được không?

Như đã nói, ông trưởng đoàn họ Ngô bước đầu chứng tỏ mình là một người hiểu cầu thủ, cũng là người dễ gần, dễ mến đối với tất thảy phóng viên - có nghĩa, ông tạo cho người ta cái cảm giác hiền hiền, lành lành không lẫn đi đâu được. Nhưng trong cuộc trường chinh khốc liệt sắp tới, nơi mà các đội bóng không ngừng “đấu tranh” cả trên sân cỏ lẫn những diễn biến hậu trường để tạo lợi thế cho mình thì chắc chắn ông Bằng sẽ phải thể hiện nhiều phẩm chất nữa, bên cạnh… phẩm chất hiền. 

Lần đầu tiên dự AFF Cup trong tư thế một ông TTK VFF - một ông trưởng đoàn - một ông tổng chỉ huy, mong ông trưởng đoàn họ Lê sáng suốt và may mắn trong mỗi  đường đường đi nước bước của mình…

Bangkok, ngày 22 tháng 11 năm 2012.

Các tuyển thủ muốn đổi khẩu vị

Hai ngày đầu tiên trú tại khách sạn Golden Tuylip, ĐTVN phải tự chi trả tiền ăn ở (vì đến sớm hơn so với lịch tiếp đón của BTC), nhưng cũng chính nhờ việc “tự chi trả” mà các tuyển thủ được ăn uống rất… hợp khẩu vị. Tới trưa qua – bữa ăn đầu tiên được thực hiện bởi thực đơn của BTC, nhiều tuyển thủ cho biết mình không cảm thấy thoải mái như những bữa ăn trong 2 ngày đầu.

Được biết, thực đơn cho những bữa ăn này được “thiết kế” chung cho cả Việt Nam, Philippines, Myanmar, nên theo trưởng đoàn Ngô Lê Bằng, một số cầu thủ “không hợp khẩu vị” cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên theo đại diện ĐT sẽ sớm làm việc với BTC giải và nhà bếp khách sạn để có thể thực hiện những bữa ăn hợp khẩu vị hơn trong những ngày sau.

Có một điều thú vị là khu vực ăn uống của ĐT Việt Nam với ĐT Myanmar và Philippines nằm sát nhau, nên theo lời kể của Công Vinh thì trong những bữa ăn đầu tiên tại Thái Lan, cầu thủ của 3 đội đã tiếp xúc, giao lưu với nhau khá nhiều. Khi được hỏi ấn tượng gì về 2 đối thủ đã gặp, Công Vinh cười nói: “Gặp cầu thủ Philippines ở nhà ăn, tôi thấy họ cao ghê gớm, cảm giác như cao hơn cầu thủ chúng ta cả một cái đầu”.

Ngọc Anh

Phóng viên Malaysia “bám” TTK Ngô Lê Bằng

Rất lạ là mặc dù ĐT Malaysia nằm ở bảng B (thi đấu tại Malaysia), nhưng một nhóm nhỏ phóng viên Malaysia vẫn tới Thái Lan để bám sát các ĐT ở bảng đầu này.

Trưa qua, khi các tuyển thủ Việt Nam đang ăn trưa tại tầng 24 khách sạn Golden Tuylip thì một nhóm phóng viên thời sự của kênh truyền hình Astro – một kênh truyền hình nổi tiếng tại Malaysia, do nhà báo Hafizan Halim dẫn đầu đã đến quay lại toàn bộ bữa ăn ĐT, rồi sau đó nhờ chúng tôi “đặt vấn đề” với TTK VFF Ngô Lê Bằng để họ thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh. Trong cuộc phỏng vấn này, phóng viên Malaysia đề nghị ông Bằng kể lại những kỷ niệm tại AFF Cup 2008 – nơi mà ĐTVN đã thắng ĐT Malaysia một cách… bất ngờ.

Khi được chúng tôi đặt câu hỏi: “Nghĩ gì về ĐTVN?”, phóng viên Hafizan Halim nói ngay cả tràng: “Việt Nam có những tiền đạo rất giỏi như Công Vinh. Chúng tôi tin, Việt Nam sẽ thắng cả 3 trận ở vòng bảng, và sẽ đoạt ngôi vô địch AFF Cup năm nay”. Không hiểu là anh này nói thật hay nói một cách “xã giao” sau khi được chúng tôi giúp đỡ việc thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Ngô Lê Bằng?

Tuấn Thành

Kiệm lời như… Phan Thanh Hùng

Những buổi tập của ĐTVN tại Bangkok những ngày này, ông Hùng hò hét đến khản cổ. Ông hết hét hàng tiền vệ phải chuyền bóng nhanh, lại hết hàng tiền đạo phải dứt điểm gọn gàng, sắc sảo. Nhưng hò hét mạnh mẽ với các tuyển thủ là thế, kết thúc buổi tập ông Hùng lại rất kiệm lời với các phóng viên, bất luận là phóng viên Việt Nam hay phóng viên nước ngoài.

Bữa ăn của ĐT trưa qua, nhiều phóng viên quyết định “bám” HLV Phan Thanh Hùng, nhưng sau khi ăn xong, nhà cầm quân người Đà Nẵng cũng rút nhanh lên phòng, khiến nhiều phóng viên… tiu nghỉu.

HLV Phan Thanh Hùng (giữa) “nhiều lời” với cầu thủ, “kiệm lời” với phóng viên.

Tuy nhiên, đợi tới khi đám đông phóng viên rời khỏi khách sạn, HLV Phan Thanh Hùng lại chấp nhận một cuộc phỏng vấn của VTV. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Hùng tiếp tục khẳng định ĐTVN đã hoàn thiện xong quá trình chuẩn bị và đang rất tự tin chờ đợi trận ra quân với Myanmar.

Bên lề cuộc phỏng vấn này, ông Hùng cho biết, lý do mình “kiệm lời” với báo chí một phần vì muốn dồn toàn bị sức lực vào công việc chuyên môn, một phần vì đã có những tờ báo thời gian qua đã dẫn sai lời ông, khiến ông không hài lòng.

Lệ Đài

Phan Đăng
.
.
.