AFF Cup và những lá thư từ Bangkok: Vọng về miền ký ức...!

Thứ Năm, 22/11/2012, 14:30
Ở miền ký ức ấy, có cú bay người đánh đầu của Vũ Phong, có giọt nước mắt hạnh phúc của Công Vinh… Ở miền ký ức ấy, ĐTVN đã thắng oanh liệt Thái Lan 2-1 trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008, ngay tại đây – tại Rjamangala lẫm liệt này…!
>> Hành trình AFF Suzuki Cup 2012: Được và chưa được

Buổi tập sáng qua của ĐTVN – buổi tập chính thức đầu tiên sau hai ngày có mặt ở Bangkok diễn ra tại một sân thi đấu phụ - nơi cách SVĐ chính Rajamangala chỉ một con đường. Con đường vắng vẻ, thưa thớt, tách biệt hẳn với một “thế giới Bangkok” nhộn nhịp, sôi động, tắc đường cách đó chỉ chừng 4, 5 cây số. Thế nên từ sân phụ, phóng chiếu cảm xúc qua con đường vắng để chạm vào một Rajamangala lẫm liệt,  bề thế nhưng đang trầm tư trong một ngày không bóng đá, bỗng thấy cả một miền ký ức ùa về.

Ở miền ký ức ấy, có cú bay người đánh đầu của Vũ Phong, có giọt nước mắt hạnh phúc của Công Vinh…

Ở miền ký ức ấy, ĐTVN đã thắng oanh liệt Thái Lan 2-1 trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008, ngay tại đây – tại Rjamangala lẫm liệt này…!

“Phan Đăng nhớ gì về trận chung kết ấy nào?”, PCT VFF Nguyễn Lân Trung hỏi tôi. Nhưng chưa kịp đợi tôi trả lời, ông Trung hào hứng kể liền một mạch: “Chắc Đăng không nhớ, kỳ AFF Cup đó, tớ sát cánh với ĐT từ vòng bảng tới bán kết, nhưng vào tới chung kết thì tớ ở nhà, chứ không qua Thái. Ở nhà để tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới ấy mà...”.

Theo lời ông Trung kể thì một ngày sau trận Việt Nam thắng oanh liệt Thái Lan, các cầu thủ bay về Hà Nội, tới khách sạn La Thành thay đồ rồi lập tức lên khách sạn Hilton để dự lễ kỷ niệm đặc biệt của ông. Tôi chọc: “Chẳng qua ĐT chiến thắng rồi nên chú mới mời mọi người như thế phải không?”. Ông Trung bốp lại ngay: “Bậy nào! Tớ mời từ trước lúc bóng lăn cơ mà. Khi ấy không hiểu sao tớ tin chắc là đội mình ít nhất cũng sẽ rời Rajamangala với 1 trận hòa, chứ không thể trắng tay như những gì báo chí ĐNA dự đoán. Mà ĐT rời Rajamangala một cách hiên ngang, kiêu hùng như thế thì lễ kỷ niệm của tớ càng thêm phần đại hỉ…”.

Đang rôm rả kể về một trong những kỷ niệm đẹp nhất, lãng mạn nhất của một cuộc đời quan chức, ông Trung lập tức trỏ tay xuống một góc sân, nơi những giọt mồ hôi đang lăn dài trên gương mặt thủ thành Dương Hồng Sơn rồi nói: “Tớ nhớ là trận chung kết ấy, Sơn bắt cực hay. Có những tình huống mà quả bóng từ chân Dangda (tiền đạo cự phách của ĐT Thái Lan – PV) bay sát sạt mép lưới, khiến ai cũng tưởng bóng sẽ lọt lưới, thế mà Sơn vẫn rướn hết cỡ người cản phá”. Dừng lại một thoáng, ông Trung lại nhìn về phía Công Vinh rồi nói: “Mà cả thằng Vinh nữa chứ, trận ấy Calisto kéo nó xuống đá tiền vệ cánh, và nó cũng chơi hay đến… bất thường”.

Chỉ hai ngày nữa thì những Hồng Sơn, Công Vinh, và cả những Tấn Tài, Vũ Phong, Thành Lương… sẽ lại bước vào Rajamangala để gặp những đối thủ chung bảng như Myanmar, Philippines, và cuối cùng là gặp chính chủ nhà Thái Lan. Hỏi Công Vinh xem có thấy cảm xúc gì không khi trở lại cái sân gắn liền với chiến tích của cuộc đời bóng đá, Vinh nói rất thật: “Chưa cần vào tới sân, hôm nay chỉ đi qua nó là em đã thấy hồi hộp, xốn xang rồi”. 

Công Vinh trong bài tập dứt điểm của ĐTVN. Ảnh: Q.T.

Thực tế thì khi đối diện với một Rajamangala hiên ngang, bề thế, không riêng gì những người đã trực tiếp làm nên “kỳ tích Rajamangala 2008” như Công Vinh, cũng không chỉ những người đã nhờ nó mà có được một lễ kỷ niệm “siêu đại hỉ” như ông PCT VFF Nguyễn Lân Trung, mà ngay cả cánh báo giới, những người theo sát ĐT trong kỳ AFF Cup lịch sử ấy cũng sống lại không biết bao nhiêu ký ức.

Thế nên vừa xem ĐT tập một bạn đồng nghiệp vừa chia sẻ: “Trận Việt – Thái hôm đó diễn ra vào đúng đêm Noel, 24/12. Thái Lan thua cuộc, cảm giác đêm Noel ở Bangkok như chùng xuống”. Một đồng nghiệp khác nói xen vào: “Mọi người có biết Rajamangala ra đời khi nào không? Nó được khánh thành vào năm 1998 để  Bangkok tổ chức Asiad đấy. Mà ở Asiad năm đó, Thái Lan từng thắng Hàn Quốc 2-1 trong một trận đấu mà họ phải rơi vào thế 9 đánh 11”.

Nghe những thông tin này mới biết Rajamangala là niềm kiêu hãnh lớn lao nhường nào của người Thái, và vì kiêu hãnh thế nên họ đã đau khổ, buồn bã nhường nào khi lại trở thành bại tướng của Việt Nam ở chính cái nơi hiện thân cho sự kiêu hãnh của mình. 

Giữa lúc những ký ức tuyệt đẹp đang làm xốn xang nhiều con tim Việt Nam thì từ giữa sân, giọng cơ trưởng Phan Thanh Hùng oang oang: “Chạy nhanh hơn vào, Tấn Tài hiểu chưa? Ngọc Duy hiểu chưa?”. Những câu nói oang oang của ông Hùng cùng những guồng chân mỗi lúc một gấp gáp của các tuyển thủ làm tôi sực tỉnh: bây giờ là 2012, chứ không phải 2008. Và bây giờ, muốn tái hiện lại kỳ tích 2008, chúng ta buộc phải cố gắng, phải đổ  mồ hôi sôi nước mắt nhiều hơn nữa.

Vậy nên nói lại một ký ức vàng son không phải để tô vẽ hay huyễn hoặc nhau. Nói đơn giản vì nó hiện hình trở lại khi tất cả cùng đối diện với một Rajamangala đáng nhớ. Và cũng để tạo thêm cho mình một chút tự tin trước khi chính thức bước vào những ngày “đánh chiếm” Rajamangala được dự đoán là cực kỳ khốc liệt – vậy thôi!

Chiều Bangkok ngày 21/12/2012.

Tập phá lưới Myanmar 

Sau ngày đầu tiên chỉ tập nhẹ tại một sân phụ gần khách sạn, cả 2 buổi tập (sáng/chiều) của ĐT vào hôm qua, HLV Phan Thanh Hùng đã khiến các học trò phải “mệt bở hơi tai” bởi bài tập phá lưới đối phương.

Yêu cầu của ông Hùng rất rõ ràng: Bóng từ trung tâm hàng tiền vệ phải được triển khai nhanh ra hai biên, và từ đây, bóng tiếp tục được tạt vào sát vạch 16m50 với tốc độ cao. Sau đó các tiền vệ công băng lên đón bóng, sút một chạm về phía khung thành đối thủ.

Có vẻ như lường trước tới việc ĐT Myanmar – đối thủ đầu tiên của ĐTVN tại vòng bảng AFF Cup năm nay sẽ chơi phòng thủ, thậm chí là tử thủ, nên ông Hùng chú trọng đặc biệt tới những bài tấn công, và cho rằng đấy là chìa khóa tối quan trọng để đem về 3 điểm đầu tay.

Theo nhận xét của các tuyển thủ thì điều kiện ăn, ở tại khách sạn Golden Tulip khá tốt, và hiện tại tất cả các cầu thủ đều đang có cảm giác tự tin, phấn chấn trước khi nhập cuộc.

Ngọc Anh

Lần đầu tiên có… đội phục vụ

Hai buổi tập của ĐTVN ngày hôm qua, nhiều phóng viên chuyên bám ĐT khá bất ngờ với sự xuất hiện của một… nhân vật mới toanh – người chuyên đi thu dọn bóng, rồi phục vụ những công tác hậu cần như thu gom quần áo thi đấu, phục vụ nước nôi.

 Hỏi TTK VFF Ngô Lê Bằng mới biết đấy là một trong hai nhân viên được VFF cử đi để phục vụ đội. Nói về chuyện “phục vụ ĐT” ông Bằng chia sẻ: “Cách đây hơn chục năm, khi theo dõi một buổi tập của một ĐT trẻ Nhật Bản, tôi thấy đội này có tới cả chục nhân viên phục vụ. Trong khi ấy ở ĐTVN, công việc này hoặc được các tuyển thủ tự làm, hoặc được giao phó cho các trợ lý.

Theo tôi, đấy là một cách làm không chuyên nghiệp, nên AFF Cup năm nay, lần đầu tiên chúng tôi mang theo một đội phục vụ, gồm 2 người, để giúp cho toàn bộ BHL và các tuyển thủ có thể tập trung tuyệt đối vào nhiệm vụ tập luyện và thi đấu”.

Tuấn Thành

Hãy nói tôi nghe: AFF Cup là gì?

Đó là câu hỏi của anh lái xe taxi với chúng tôi khi nghe chúng tôi giới thiệu mình là những phóng viên Việt Nam sang Thái Lan tác nghiệp vòng bảng AFF Suzuki Cup. Không riêng gì anh lái taxi này, nhiều người khác ở Thủ đô Bangkok như nhân viên khách sạn và bà chủ quán cơm mà chúng tôi hay ăn cũng không biết “AFF Cup là gì”.

Thực tế thì hai ngày trước khi bóng lăn, ở Thủ đô Bangkok, và ngay cả những khu vực gần SVĐ chính Rajamangala cũng không có những bandrone giới thiệu, cổ vũ cho giải đấu này. Không biết vì người Thái đã no nê tới mức bội thực những giải bóng đá trong khu vực hay hiện tại, ở đây đang diễn ra giải vô địch futsal thế giới mà không khí AFF Cup lại trầm lắng đến bất ngờ như vậy.

Lệ Đài

Phan Đăng
.
.
.