90 phút và một bài học

Thứ Sáu, 14/05/2010, 10:50
90 phút giao hữu giữa Việt Nam - Frankfurt là 90 phút Mỹ Đình chứng kiến cái cảnh những khán đài lạnh giá. 90 phút ấy cũng là 90 phút mà Frankfurt đã không bung ra tất cả những sức mạnh hiện có của mình.
>> Đấu với Eintracht Frankfurt để "cọ xát"

Nhưng bất chấp tất cả những thực tiễn ấy, 90 phút đấu với Frankfurt thật sự là 90 phút mà các tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đã học được rất nhiều điều.

Đêm 12/5, tất cả những ai có mặt ở sân Mỹ Đình đều phải thừa nhận rằng sau 45 phút đầu tiên buồn tẻ, thì trận đấu thực sự đã nóng lên. Nó nóng lên không phải vì Frankfurt gia tăng tốc độ, mà trái lại từ chính sự gia tăng tốc độ của ĐTVN.

Khoảng 25 phút đầu tiên của hiệp 2, nhiều người đã ngỡ ngàng không tin vào mắt mình khi những đôi chân áo trắng (màu áo ĐTVN) lại có thể tự tin nhảy múa trước những đôi chân Đức nổi tiếng là uy lực. Ấy thế mà những tuyển thủ của chúng ta, từ Thành Lương, Tấn Tài đến Quang Hải đã làm được như thế. Những pha tấn công tam giác, những pha đập tường nhỏ, nhanh một chạm của những cầu thủ này đã tạo ra hàng loạt những pha bóng sóng gió. 

Và thời điểm ấy, tất cả những fan hâm mộ Việt Nam chắc chắn đều sống với hai tâm thế. Thứ nhất là "sướng" con mắt, và thứ hai là tin tưởng rằng bàn thắng với chúng ta trước sau gì cũng đến.

Ấy thế nhưng vào đúng lúc niềm tin bùng lên mãnh liệt nhất thì lại là lúc chúng ta để Frankfurt ghi bàn. Mà cách ghi bàn mới đơn giản và gọn ghẽ làm sao: Một pha tấn công biên, một đường chuyền bằng đầu, một cú sút trái phá. Chưa hết, ngay sau bàn thua này, khi chúng ta chỉ vừa kịp thực hiện cú giao bóng giữa sân, rồi không may để mất bóng thì lập tức chúng ta đã bị "đánh" trở ngược và thua tiếp bàn thứ hai.

Hai bàn thua của ĐTVN chứng tỏ khả năng chớp cơ hội cực nhanh của đội bóng đến từ nước Đức. Mà nó - cái khả năng chớp cơ hội ấy với bóng đá Việt Nam đã và vẫn là một cái gì đó vô cùng xa xỉ. Từ đây, bài học đầu tiên được rút ra: Xin hãy nhìn vào cách chớp cơ hội của người Đức để mà tu luyện chính mình.

Cầu thủ Việt Nam (phải) đã học được quá nhiều bài học sau 90 phút đấu trận cùng Frankfurt. Ảnh: Quang Minh.

Ở một góc độ khác phải thấy rằng sau khi thua 2 bàn chóng vánh, ĐTVN lập tức sụp đổ tâm lý. Và tự sự sụp đổ tâm lý đã lập tức dẫn đến sự "rã đám" về mặt thế trận. Vậy nên mới có chuyện từ chỗ đang ào ạt đôi công, và ào ạt tạo ra những cơ hội ngon ăn (nhưng không biết dứt điểm) chúng lập tức bị mất lửa.

Kết quả là, từ thời điểm để thua bàn thứ 2 cho đến thời điểm ông trọng tài thổi hồi còi mãn cuộc, cầu thủ của chúng ta thực sự chỉ còn là cái bóng của chính mình. HLV Calisto nhận ra điều này, nên đã thực hiện một loạt những sự thay đổi con người ở hàng tiền vệ và tiền đạo. Tuy nhiên khi mà cả một hệ thống đã rã rời thì những con người mới vào sân cũng không thể chứng tỏ được mình, chứ đừng nói gì tới chuyện xoay chuyển tình thế.

Ở đây, hãy bình tĩnh nhìn nhận lại một hiện trạng: Đó là khi chúng ta ép Frankfurt thì các cầu thủ Frankfurt vẫn giữ vững tâm lý, và từ cái nền tâm lý ấy đã ghi 2 bàn thắng một cách chóng vánh, từ đó cũng đảo ngược thế trận một cách chóng vánh. Nhưng ở vế ngược lại, sau khi thua 2 bàn thì cả một hệ thống của chúng ta sụp đổ, và nó sụp đổ tệ hại đến mức mọi sự cố gắng thay đổi tình thế mà HLV Calisto thực hiện đều trở nên bất lực. Nhìn nhận như thế sẽ thấy là giữa ĐTVN với CLB Frankfurt lại tồn tại một sự tương phản rõ rệt thứ hai: Sự tương phản trong việc kiểm soát tâm lý. 

Đêm 12/5, Frankfurt chỉ có 90 phút chơi bóng ở Mỹ Đình, và đấy là 90 phút mà họ không đá hết sức. Nhưng chỉ với quãng thời gian ngắn ngủi ấy thôi, Frankfurt đã kịp dạy chúng ta hàng loạt những bài học, trong đó nổi trội nhất là bài học về việc kiểm soát tâm lý trận đấu và khả năng nắm bắt cơ hội của trận đấu.

Thế thì rõ ràng trận đấu giao hữu cùng Frankfurt với chúng ta là một trận… lãi to

Diệp Xưa
.
.
.