“Vàng mười” của thể thao Công an nhân dân

Thứ Tư, 22/01/2020, 11:53
Tại SEA Games 30, thể thao CAND đã hoàn thành chỉ tiêu khi đóng góp vào 2 Huy chương vàng (HCV), 3 Huy chương bạc (HCB), 3 Huy chương đồng (HCÐ) của Ðoàn thể thao Việt Nam. Tấm huy chương nào cũng chất đầy giá trị, mang nặng sự nỗ lực tột cùng của mỗi vận động viên và đầy tính lan tỏa. Trong số này có câu chuyện về chủ nhân của 2 HCV là Nguyễn Văn Quyết (kiếm quốc tế) và Hà Thị Nga (judo).


Không muốn dừng lại ở 1 tấm Huy chương vàng SEA Games

Trong nhóm 4 kiếm thủ của đội tuyển Việt Nam đăng quang ở nội dung đồng đội kiếm chém nam, Nguyễn Văn Quyết thuộc diện em út và có lẽ cũng đến với kiếm quốc tế muộn nhất. 

Quyết kể rằng, cũng phải đến năm 2013, lúc đó anh đã 16 tuổi, mới đến với kiếm quốc tế khi được tuyển vào đội trẻ Hà Nội. Lúc đó, các thầy về tuyển sinh ở địa bàn huyện Hoài Ðức (Hà Nội) đã chọn Quyết vì thấy tiềm năng, tố chất cùng thể hình phù hợp với môn kiếm quốc tế.

Những ngày đầu đến với kiếm quốc tế, chính chàng trai người Hoài Ðức (Hà Nội) này cũng không chắc có thể theo nghiệp vận động viên (VÐV) đến bao lâu. Tập luyện kiếm quốc tế không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn và hao tổn thể lực kinh khủng. Thử thách đến với một chàng trai mới làm quen với môn thể thao vốn được xem là đẹp và quý tộc bắt đầu từ những bài tập tấn, bộ pháp, di chuyển... 

Ở đó, Quyết và các đồng đội trẻ khác phải tập đi tập lại để thành thục các bài tập liên quan đến bộ pháp, thân pháp, di chuyển - trong những yếu tố quan trọng nhất khi bắt đầu kiếm quốc tế. Ðến lúc ấy, chính Quyết mới cảm nhận rõ sự nhọc nhằn của một vận động viên thành tích cao. Tập luyện kiếm quốc tế không phải là hưởng thụ một thú chơi mà là sự lao động nghiêm túc.

Nhưng khi đã xác định được điều ấy thì Nguyễn Văn Quyết lại càng quyết tâm đi đến cùng với lựa chọn của mình. Nguyễn Văn Quyết được xếp vào đội kiếm chém nam của đội kiếm quốc tế Hà Nội, nơi được xem là thế mạnh tuyệt đối Hà Nội.

Cách đây hơn 3 năm, khi đội đấu kiếm CAND cần tăng cường nhân lực thì Nguyễn Văn Quyết được xem là giải pháp. Thế là chàng trai này chuyển về đội đấu kiếm CAND. Cũng trong thời gian đó, Nguyễn Văn Quyết có tên trong đội tuyển quốc gia. Ðó là bước tiến khá nhanh của một kiếm thủ vốn chưa từng biết đến đường kiếm nào từ hơn 3 năm trước.

Chính việc có tên ở đội tuyển quốc gia đã giúp Nguyễn Văn Quyết tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp. Quan trọng hơn, hằng ngày, Nguyễn Văn Quyết vẫn đươc tập luyện với các kiếm thủ hàng đầu cả nước trong cùng nội dung thi đấu như Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi, Tô Ðức Anh... Rồi những thành tích quốc tế cũng đến với Quyết trong đó có chức vô địch Ðông Nam Á. 

Trong làng đấu kiếm Việt Nam, Nguyễn Văn Quyết vào nhóm đầu nội dung kiếm chém nam. Chính huấn luyện viên trưởng đội tuyển kiếm quốc tế Việt Nam tham dự SEA Games 30 Phạm Anh Tuấn cũng nhận định: “Nguyễn Văn Quyết có tố chất, sự chăm chỉ nên có những bước tiến khá nhanh chóng”.

Kiếm thủ Nguyễn Văn Quyết (thứ 2 từ phải sang) trên bục nhận HCV SEA Games 30.

Cũng vì vậy, khi nội dung đồng đội nam kiếm chém nam có tên trong chương trình thi đấu SEA Games 30, Nguyễn Văn Quyết đã có tên trong danh sách tham dự. Ðó cũng là lần đầu tiên Quyết được tranh tài ở sân chơi mà trước đây, anh và nhiều cô cậu bé cùng trang lứa chỉ dám mơ ước, nhìn từ xa đầy ngưỡng mộ những vận động viên Việt Nam giành HCV.

Và ngay trong lần đầu dự SEA Games ấy, Nguyễn Văn Quyết đã sớm thực hiện được giấc mơ vô địch SEA Games của mình. Trong đội hình đội tuyển kiếm quốc tế nội dung kiếm chém nam, Nguyễn Văn Quyết đã góp phần đáng kể vào tấm HCV đồng đội. 

Trong đó, có chiến thắng 45-37 của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan. Ðó là tấm HCV thứ 3 của đội tuyển kiếm quốc tế Việt Nam tại giải, qua đó hoàn thành chỉ tiêu giành 3 HCV tại SEA Games 30. Sau đó, thêm đội tuyển kiếm 3 cạnh nam lên ngôi vô địch, giúp kiếm quốc tế Việt Nam vượt chỉ tiêu HCV.

Cho đến những ngày đầu năm 2020, Quyết mới bước vào tuổi 23, độ tuổi được xem là bắt đầu cho giai đoạn đỉnh cao của một kiếm thủ. Thế nên, Nguyễn Văn Quyết mới bảo rằng sẽ còn theo kiếm quốc tế cho đến khi nào có thể. 

“Tất nhiên, nếu được thi đấu quốc tế nhiều hơn thì tôi cũng như nhiều tuyển thủ khác sẽ có điều kiện nâng cao trình độ nhanh hơn. Ðương nhiên, tôi cũng muốn được tham dự và giành tiếp ngôi vô địch SEA Games, trong đó có SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam” – anh kể.

Hành trình ngoạn mục từ sới vật làng đến Huy chương vàng judo

Nếu được kể về một trong những gương mặt tạo nên dấu ấn tại SEA Games 30, có lẽ không ít người theo sát môn judo hay vật sẽ kể về Hà Thị Nga, vận động viên nữ có thể hình lớn nhất trong Ðoàn Thể thao Việt Nam. Và chị đã cùng góp công cùng đồng đội mang về tấm HCV của đội judo nữ Việt Nam ở nội dung đồng đội đối kháng.

Câu chuyện về Hà Thị Nga lại càng đặc biệt nếu biết rằng cách đây khoảng 6 năm, cô vẫn đang là một đô vật của đội Quân đội. Rồi cô gái người Bắc Giang phải chia tay đội vật Quân đội vào năm 2013 chỉ với lý do không giống ai là trọng lượng quá lớn. Vật chỉ có hạng cân lớn nhất là dưới 72kg trong khi có lúc, Hà Thị Nga đạt trọng lượng gần 100kg. 

Võ sĩ Hà Thị Nga (ngoài cùng bên trái) cùng đội tuyển Judo Việt Nam tại SEA Games 30.

Sau cuộc chia tay bất đắc dĩ ấy, Hà Thị Nga phải trở về quê Bắc Giang gắn bó với công việc đồng áng. Nhưng rõ ràng, đó không phải là nơi để cô được sống với đam mê thể thao, trong đó có môn vật. Cô vẫn nhớ da diết những buổi tập, những trận đấu vật, nơi cô luôn chứng tỏ được ưu thế trước các đối thủ. 

Thế nên, dịp xuân về cô lại tìm đến các hội làng có tổ chức thi đấu vật nữ để thỏa nỗi nhớ môn vật. Chuyện Hà Thị Nga - một đô cử có thể hình vượt trội các đối thủ vào sới vật rồi ẵm giải đã thành quen ở các sới vật vùng Kinh Bắc.

Chính trong một lần dự hội làng như vậy vào năm 2014, Hà Thị Nga đã có cơ duyên trở lại với thể thao thành tích cao. Khi ấy, các huấn luyện viên judo CAND đi tuyển quân đã nhìn thấy Hà Thị Nga và đưa ra ngay lời mời cô về thi đấu. Lập tức, đô cử một thời này nhận lời để trở thành võ sĩ judo. 

Khác môn vật, môn judo không giới hạn trọng lượng với những võ sĩ thi đấu ở hạng trên 78kg nữ. Vì thế, Hà Thị Nga không phải quá lo lắng chuyện giảm cân mà chỉ cần tìm cách đoạt huy chương. Thế là đúng năm 20 tuổi, Hà Thị Nga khoác áo đội tuyển judo CAND. Những kỹ năng của môn vật đã giúp cô nhanh chóng thích nghi với môn judo, thậm chí có ưu thế nhất định so với nhiều võ sĩ khác. 

Ðể rồi, cựu đô vật trở thành võ sĩ hàng đầu Việt Nam ở hạng trên 78kg nữ môn judo. Rồi cơ hội lần đầu dự SEA Games đã đến với cô vào đầu năm 2019. Như những người thân, những người biết về cô nhận định thì “đam mê đã được đền đáp”. Bởi nếu không có đam mê, cô đã không lang thang khắp các hội làng để rồi có cơ duyên đến với đội judo CAND.

Và tại SEA Games 30, Hà Thị Nga đã cùng các đồng đội đăng quang ở nội dung đồng đội đối kháng nữ. Trong hành trình đi đến tấm HCV ấy, Hà Thị Nga đặt dấu ấn đáng kể khi giành một trận thắng để giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua Myanmar với tỉ số sít sao 3-2 ở tứ kết. Nếu không có trận thắng ấy, hành trình của đội nữ Việt Nam đã sớm kết thúc.

Minh Khuê
.
.
.