Xúc động trước giải chạy nhà vô địch không phai là người nhanh nhất

Chủ Nhật, 02/12/2018, 10:31
Giải chạy không phải là một cuộc đua để tìm ra người chạy nhanh nhất mà mỗi vận động viên đặc biệt tham gia đều đã chính là một nhà vô địch khi vượt qua chính bản thân mình. 
7 giờ sáng ngày 2-12, gần 1.000 người đã tham gia chương trình “Chạy với tôi – 2gether” tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội nhằm gây quỹ cho dự án “Kho sách nói trực tuyến dành cho người mù và ứng dụng đọc sách trên điện thoại thông minh” tại Việt Nam.
Các vận động viên rất đặc biệt của giải chạy, họ là những người khiếm thị nhưng có niềm tin và nỗ lực vượt qua chính bản thân mình. 
Mỗi vận động viên khiếm thị sẽ được bắt cặp với một người bình thường khác, cùng được nối với nhau bởi một sợi dây màu vàng. Cuộc thi hôm nay cũng có sự tham gia của những vận động viên chạy cá nhân. 

Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức lần thứ ba di Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng Việt Nam và những người bạn (Vietnam and Friend – VAF) tổ chức.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Đại sứ của chương trình, bên cạnh Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen và Đại sứ Áo tại Việt Nam Thomas Schuller-Gotzburg. 
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết ông tin rằng tất cả mọi người đều có quyền và cơ hội để học tập, làm việc và theo đuổi ước mơ của họ. Từ năm 1989, Chính phủ Mỹ đã dành hơn 100 triệu USD để hỗ trợ cho những người khuyết tật ở Việt Nam. 
Các vận động viên ở vạch xuất phát với tâm thế sẵn sàng. 
Đỗ Mỹ Linh nắm tay một người bạn, Lê Hương Giang, một người khiếm thị đầu tiên trở thành một MC của Đài truyền hình Việt Nam. 

Cuộc thi được tài trợ bởi Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) thuộc Đại sứ quán Mỹ với đại sứ hình ảnh là Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh.

Xuất phát...
Ở lần thứ ba tổ chức này, “Chạy với tôi – 2gether2018” đã mở rộng cự ly chạy lên 3,4 km (tương đương 2 vòng hồ Hoàn Kiếm) và 5,1 km (3 vòng hồ) thy vì 1,7 m và 3,4 km như những năm trước. 

Bên cạnh sợi dây kết nối giữa người khiếm thị và người tham gia, người chạy cũng có thể lựa chọn đeo kính trải nghiệm người khiếm thị để trực tiếp có cảm nhận di chuyển bị hạn chế khả năng nhìn.

Qua những kết nối này, chương trình hy vọng xóa nhòa khoảng cách giữa những định kiến “không thể” của người khiếm thị bằng sự tin tưởng “có thể” và trao cơ hội cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung.

Đại sứ Áo cũng tham gia cuộc chạy với người bạn đồng hành.
Vận động viên đầu tiên cán đích. 
Giải chạy mang lại niềm vui cho tất cả mọi người, đặc biệt là những vận động viên khiếm thị.

Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng 36 năm “Ngày Quốc tế người khuyết tật” (3-12-1982 – 2018). Bên cạnh hoạt động chạy, tại sự kiện này, công chúng còn có cơ hội tham gia những trải nghiệm độc đáo nhằm tìm hiểu, khám phá cách người khiếm thị cảm nhận cuộc sống.

Duy Tiến
.
.
.