Mỗi ngày một câu hỏi “vì sao”:

Vì sao Pháp chơi tốt khi vắng Ribery?

Thứ Bảy, 28/06/2014, 14:56
Thánh Benzema. Đấng cứu thế Benzema. Ngôi sao Benzema... Truyền thông Mỹ những ngày qua luôn dùng những từ ngữ như thế, hoặc đại loại vậy mỗi khi viết về tuyển Pháp.

Benzema đã ghi 3 bàn ở 2 trận đầu vòng loại và được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trong 2 cuộc đấu đó. Nhưng ĐT Pháp đâu chỉ có mình Benzema. Trong chiến thắng 5-2 trước Thụy Sĩ, 5 bàn thắng của tuyển Pháp được chia đều cho 5 cái tên. Tuy vậy, trên báo Mỹ tuyệt nhiên không có câu chuyện về Blaise Matuidi, Paul Pogma, Mathieu Valbuena, Mamadou Sakho  hay Olivier Giroud, những người cũng đang chơi rất tốt tại giải này.

Vấn đề có lẽ nằm ở việc ĐT Pháp và LĐBĐ nước này không phải là những chuyên gia tiếp thị hình ảnh với bên ngoài. Họ không biết cách đánh bóng các giá trị thành tích, lịch sử, thương hiệu của cầu thủ, các CLB hay ĐT quốc gia.

Bản thân Benzema luôn né tránh vai trò trung tâm của đội bóng trong những lần trả lời báo chí: “Tôi chỉ hưởng lợi từ nỗ lực của các đồng đội. Đó không chỉ là thành quả của tôi mà của tất cả mọi người”, với France24. Và trên L'Equipe: “Bạn không thể làm gì nếu không có các đồng đội. Chúng tôi làm việc cùng nhau để hướng đến thành công”...

Benzema tỏa sáng khi không có Ribery.

Câu chuyện về Benzema và tuyển Pháp trên truyền thông Mỹ có giá trị nhắc nhở người ta rằng: Les Bleus chỉ chơi tốt khi họ tạo dựng được một mối liên kết chặt chẽ, chứ không phải nổi bật bởi màn trình diễn của vài ngôi sao.

Năm 1998, Pháp có Zidane ở đỉnh cao, nhưng không ai quên được Lilian Thuram, Patrick Vieira, David Trezeguet, Marcel Desailly, và cả HLV trưởng hiện tại của Les Bleus, Didier Deschamps. Những cầu thủ ấy là một tập thể cực kỳ gắn kết, vì nhau và nhờ thế họ có Cup vàng Thế giới.

Năm 1984, Pháp giành chức VĐ Euro. Mỗi khi nhớ về thành công ấy, người ta luôn nói tới bộ tứ Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana và Luiz Fernandez. Les Bleus đăng quang bởi họ sở hữu một tập thể tuyệt vời chứ không phải chỉ nhờ một người đàn ông có tên Michel Platini.

Xa hơn, năm 1958, kỳ World Cup mà Pháp đứng vị trí thứ 3, dù có bộ đôi huyền thoại Raymond Kopa-Just Fontaine, nhưng thành công ở giải đấu đấy vẫn được ghi nhận như một nỗ lực của tập thể. Dù lập kỷ lục ghi 13 bàn, nhưng nói về tuyển Pháp năm tháng ấy, người hâm mộ vẫn không gọi đó là kỳ World Cup của Just Fontaine.

Lịch sử đã chứng minh giá trị tập thể mới là thứ làm nên thành công của ĐT Pháp. Có lẽ vì thế mà vắng ngôi sao lớn nhất Ribery, Les Bleus đang chơi tốt nhất trong nhiều năm qua

Kiên Anh
.
.
.