Chiều qua, VCK U.19 Châu Á, Việt Nam - Nhật Bản: 1-3:

Vẫn là điểm chết thể lực!

Chủ Nhật, 12/10/2014, 10:54
Thay đổi tới 5 vị trí, từ thủ môn đến các tiền vệ so với trận thua Hàn Quốc 0-6, U.19 Việt Nam đã chơi bóng sắc bén hơn hẳn, và đã có 45 phút đầu tiên cầm chân đối thủ thành công. Nhưng điểm yếu muôn thủa về thể lực khiến chúng ta phải chịu trận chỉ trong 6 phút bù giờ.

Đội hình 4-4-1-1 quen thuộc với việc Công Phượng đá lùi làm nhiệm vụ lôi kéo đã được thay bằng đội hình 4-5-1 - nơi mà Công Phượng được đẩy hẳn lên cao đá tiền đạo mũi nhọn. Hàng tiền vệ 5 người đá áp sát và đá rát chân hơn hẳn so với những gì vẫn thấy.

Cách đá ấy không chỉ giúp chúng ta hạn chế tối đa những pha chồng biên sở trường của người Nhật mà còn giúp những đường phản công với sự tăng tốc bất ngờ của hai tiền vệ cánh tạo ra ít nhiều nguy hiểm. Đã có thời điểm Thanh Tùng thoát xuống từ những miếng phản công như vậy, đối diện với thủ thành đối phương  nhưng cú sút cuối cùng lại đưa bóng đi quá cao so với khung thành.

Trong khi bài phòng ngự phản công của Việt Nam tỏ ra khá hiệu quả  thì có lẽ những dư chấn từ trận thua Trung Quốc ở ngày ra quân đã khiến các cầu thủ Nhật Bản không giữ được một trạng thái tâm lý  tốt, và đấy là lý do khiến họ không còn thể hiện được sự vượt trội cả về mặt kỹ năng lẫn cách thức tổ chức trận đấu như trong những cuộc đụng đầu với U.19 Việt Nam trước đây. Tuy vậy, những nỗ lực cá nhân cũng giúp người Nhật có được hai tình huống sút bóng nguy hiểm mà chỉ có cột dọc mới có thể cứu thua cho U.19 Việt Nam.

Nếu 45 phút đầu tiên diễn ra cân bằng và tỷ số hoà diễn tả đúng cục diện trên sân thì sang đến 45 phút tiếp theo, những sai lầm cá nhân xuất phát từ nền tảng thể lực quá yếu kém đã khiến U.19 Việt Nam tất yếu chịu trận. Đầu tiên là tình huống dẫn đến bàn thua ở phút thứ 58 - một tình huống mà trung vệ Lục Xuân Hưng không đủ sức rướn để phá bóng một cách dứt khoát trước pha vỗ trung lộ của Nhật Bản, tạo điều kiện cho tiền đạo Nhật Bản thoát xuống ghi bàn.

Các học trò của HLV Graechen không thể cải thiện được "gót chân Asin" về thể lực. Ảnh: H.M

Tiếp đó là tình huống thủ thành Văn Trường lao ra phá bóng không dứt khoát sau pha phạt góc, khiến tiền đạo Nhật Bản băng mình đánh đầu ghi bàn thứ hai. Và cuối cùng là tình huống hàng thủ Việt Nam không thể chặn nổi một pha đánh cánh bài bản của Nhật Bản, đưa cầu thủ tấn công xuống sát mép biên ngang, để rồi từ đó bóng được sút vào góc hẹp cầu môn Văn Trường.

Các bàn thua thứ 2 và thứ 3 của U.19 Việt Nam diễn ra trong thời gian 6 phút bù giờ của trận đấu. Nó không phải là kết quả của sự thiếu tập trung của hệ thống phòng ngự Việt Nam như những gì các bình luận viên truyền hình nhận định, mà là kết quả tất yếu của một đội bóng đã bị xuống sức nghiêm trọng, nên dù có tập trung, có quyết tâm cũng không thể ngăn cản nổi những tình huống tấn công rất đơn giản nhưng bài bản và hiệu quả của đối phương.

Trước khi thua liên tiếp 2 bàn, U.19 Việt Nam có bàn gỡ 1-1 sau một pha tấn công nhanh từ biên phải, kết thúc bằng cú sút bất ngờ của Thanh Tùng. Nhưng bàn gỡ tạm thời đó có lẽ chỉ khiến cho cái kết của U.19 Việt Nam ở trận đấu này nói riêng và giải đấu này nói chung phảng phất sắc màu bi tráng (nếu có thể nói như vậy), vì rõ ràng là xét về mặt đẳng cấp chúng ta thực sự không sánh nổi với đối thủ của mình. So với trận ra quân tệ hại trước Hàn Quốc, trận này U.19 Việt Nam đã chơi tự tin, máu lửa hơn ở góc độ tinh thần và hợp lý, hiệu quả hơn ở góc độ chuyên môn, nhưng rõ ràng sự chênh lệch về đẳng cấp không thể giúp chúng ta tạo nên bất ngờ.

Làm gì để có thể rút ngắn đẳng cấp? Làm gì để có thể tạo nên một cuộc cách mạng về thể lực, từ đó giúp các cầu thủ thuộc một thế hệ hy vọng của chúng ta có thể đàng hoàng thi đấu từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng, thay vì chỉ đá được khoảng 1 hiệp rồi...thôi?

Vẫn là một câu hỏi muôn thủa, một câu hỏi quá khó với những nhà hoạch định sự phát triển của bóng đá Việt Nam!

Diệp Xưa
.
.
.