Tứ kết Euro 2008, Hà Lan - Nga: Lốc & bão

Thứ Bảy, 21/06/2008, 11:10
"Cơn lốc màu da cam" sẽ đối đầu với "bão tuyết" nước Nga. Tàn cuộc kịch chiến, ai sẽ lên ngựa vào tứ kết, còn kẻ nào phải nuốt hận nói lời chia tay?

Không mong manh như giọt nắng màu da cam của 4 năm về trước, Hà Lan của Euro 2008 thực sự trở về đúng nghĩa hình ảnh của "cơn lốc tử thần" khi biến mỗi trận đấu của bảng C thành nơi phô diễn sức mạnh khủng khiếp của mình, khiến cả ĐKVĐ thế giới lẫn Á quân World Cup 2006, thành những kẻ thất bại trong tâm thế "tâm phục, khẩu phục".

Trong khi đó, mỗi một trận đấu ở vòng bảng giống như một lần tỉnh thức khỏi giấc "ngủ đông" của "bầy gấu Nga". Để rồi, trước phút hạ màn vòng bảng, các học trò của Guus Hiddink gần như lột xác trở thành một cơn bão tuyết dập vùi "đoàn quân" Thuỵ Điển trong những đợt tấn công giống như tuyết rơi không ngừng nghỉ.

Những thể hiện và phong độ xuất sắc của cả hai đội ở vòng bảng dễ làm người ta cảm nhận về sự tương đồng và cân bằng. Giờ thì người Nga và những người yêu bóng đá Nga, có thể tự hào mà rằng, nếu Hà Lan sở hữu "sát thủ cầu môn" Van Nistelrooy trên tuyến đầu, thì đội bóng xứ bạch dương cũng có mũi lao Roman Pavlyuchenko ở mặt trận tấn công. Nếu như đội bóng Da cam có "ngòi nổ" Wesley Sneijder ở trung lộ, thì tuyến giữa của "bầy gấu Nga" cũng có "con bài tẩy" Andrei Arshavin. Và nếu trên băng ghế huấn luyện của Hà Lan là Van Basten giàu sức trẻ và tính canh tân, thì trên vị trí cầm lái của Nga là "một người Hà Lan" danh tiếng: Guus Hiddink...

Dẫu vậy, vẫn có một sự khác biệt giữa hai đội. Một sự khác biệt có thể mang tính chất quyết định đối với kết quả của trận đấu: Tính hiệu quả. Nó không chỉ thể hiện qua số lượng bàn thắng vượt trội của Hà Lan ở vòng bảng, mà còn nằm ở lối chơi. Đội bóng Da cam không chơi tấn công tổng lực như những thế hệ trước mà kết hợp hoàn hảo giữa phòng ngự và tấn công thông qua tốc độ chuyển đổi giữa thủ và công, cũng như chất lượng kỹ thuật của các cầu thủ.

Trong khi đó, Nga chủ công, cố gắng dồn ép đối phương, nhưng khả năng tận dụng cơ hội của các chân sút không phải là cao. Hàng thủ của họ cũng có độ an toàn thấp hơn nếu so sánh với Hà Lan. Thế nên nếu tiếp tục dâng cao đội hình chơi tấn công ào ạt mà không cải thiện được tính hiệu quả của hàng công, thầy trò Guus Hiddink tự đặt mình vào những nguy cơ tiềm ẩn trước một đối phương công sắc và thủ chắc như Hà Lan.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà cầm quân, Van Basten tuyên bố rằng, Hà Lan của ông sẽ học cái cách mà người Tây Ban Nha đã bắn phá khung thành của tuyển Nga ở ngày khai mạc vòng bảng để sớm dứt điểm trận tứ kết. Bản thân cái tỷ số 4-1 ở trận Tây Ban Nha và Nga đó cũng làm người ta nhớ tới một kết quả tương tự mà người Hà Lan có được trước đội bóng xứ bạch dương ở lần gặp gần đây nhất của hai đội diễn ra vào tháng 2 năm 2007 tại Amsterdam.

Một bất lợi khác cho Nga là cuộc quyết đấu với Thuỵ Điển ở vòng bảng, đã lấy đi không ít sức lực của họ. Thế nhưng, các học trò của Guus Hiddink lại chỉ có vỏn vẹn 3 ngày nghỉ trước khi bước vào trận knock-out đêm nay tại Jakob-Park. Cũng may là không có chấn thương nào xảy ra, chứ không nhà cầm quân người Hà Lan sẽ lại phải đau đầu với bài toán nhân sự.

Trong khi đó, bên kia chiến tuyến, các chủ lực trong đội hình của Van Basten có nguyên một tuần để nghỉ ngơi và chuẩn bị sau khi vị HLV này xếp đội hình 2 suất trận gặp Rumania ở vòng đấu cuối của bảng C.

Dẫu vậy, tất cả những bất lợi đó không ngăn cản được sự lạc quan và tự tin của Hiddink và các học trò

Bảo Hân
.
.
.