Tết Tân Sửu, “ước mơ” của Juergen Gede

Thứ Ba, 09/02/2021, 19:52
Tết 2021, vì lý do COVID-19, ông Gede sẽ tận hưởng trọn vẹn không khí cổ truyền của người Việt và với cá nhân người đàn ông 65 tuổi, đó sẽ là trải nghiệm không bao giờ quên...


Sau gần 5 năm ở Việt Nam, Hans Juergen Gede - Giám đốc kỹ thuật của trung tâm bóng đá Viettel sẽ ăn cái Tết đầu tiên ở dải đất chữ S. Gọi là “đầu tiên” cũng không hẳn vì gần 1.500 ngày qua, ông đã biết tới bánh chưng, tới nem rán, tới hoa đào, tới hương vị đặc trưng của ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Nhưng Tết 2021, vì lý do COVID-19, ông Gede sẽ tận hưởng trọn vẹn không khí cổ truyền của người Việt và với cá nhân người đàn ông 65 tuổi, đó sẽ là trải nghiệm không bao giờ quên.

Hà Nội, ngôi nhà thứ hai

Quen Gede đã lâu, cũng làm việc cùng cựu cầu thủ Schalke 04 ở nhiều vai trò khác nhau, tôi biết rằng ông “hợp” ẩm thực, văn hóa và lối sống người Việt, hợp đến mức trước khi rời VFF để chuyển sang Viettel, ông đã tính tới chuyện đưa vợ từ Hà Lan sang Hà Nội định cư. Gede đi nhiều, đâu đó gần 60 quốc gia trên thế giới nhưng không ở đâu, ông làm việc lâu dài như ở Việt Nam và không ở đâu tại Việt Nam, ông dành tình cảm đặc biệt như Hà Nội.

Ngày chia tay VFF, Gede nhận lời mời từ CLB Hà Nội, đội bóng mạnh nhất Việt Nam. Trước đó 60 ngày khi VFF xác nhận không gia hạn hợp đồng, Gede đã tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo đội bóng Thủ đô. Chế độ rất tốt, ngoài chuyện lương thưởng thì Gede sẽ có một xe đưa đón và một căn hộ 4 phòng tại một khu chung cư cao cấp nếu về Hà Nội. Chỉ là, hai bên không tìm được tiếng nói chung, không thống nhất quan điểm phát triển bóng đá nên thương vụ bể kèo phút cuối.

Không về Hà Nội, Gede nhận lời mời từ Bà Rịa-Vũng Tàu. Đãi ngộ không hề kém Hà Nội và thậm chí nếu tới thành phố biển miền Đông Nam Bộ, Gede sẽ toàn quyền phụ trách Học viện Juventus. Hơn nữa, sau gần chục lần đi ra - đi vào, Gede nhìn thấy xu hướng “Nam tiến” của đông đảo bộ phận nghệ sỹ, người nổi tiếng thuộc thế hệ tầm tuổi ông. Miền Nam khí hậu ôn hòa, Vũng Tàu lại có biển, môi trường sống phù hợp với người sắp chạm ngưỡng U70. Gede đắn đo, suy nghĩ nhưng rốt cuộc, ông lại chọn Viettel.

Gede chọn Viettel vì hai lý do. Thứ nhất, cơ sở vật chất và điều kiện hỗ trợ công tác huấn luyện trẻ thuộc diện “xịn xò” nhất Việt Nam. Thứ hai, Gede muốn ở lại Hà Nội… để đón Tết cổ truyền. 4 cái Tết trước, ông chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, đi ăn vài món mà “người ta nói là cần thưởng thức” để rồi vội vàng lên máy bay, tranh thủ quãng nghỉ về thăm người vợ mắc bạo bệnh ở Hà Lan. Năm nay, COVID-19 khiến hệ thống hàng không toàn cầu tê liệt và trong cái rủi có cái may, đó hóa ra lại là dịp để Gede ở lại, hòa vào bầu không khí mừng năm mới của nhân dân Việt Nam.

Mùa đông Hà Nội có vị trí đặc biệt trong lòng Gede. Ông nói với tôi, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội: “Mày phải dậy thật sớm ra đường, cảm nhận cái lạnh se se của tiết trời miền Bắc, sau đó ăn một bát phở gà nước béo có lá chanh và uống một ly cafe đen nóng không đường. Phải như thế mới là người Hà Nội”.

“Việt Nam đáng sống hơn châu Âu

Hỏi Gede vì sao muốn ăn Tết Việt, ông có nhớ tới con trai và nhịp sống ở châu Âu? Vợ chồng Gede lấy nhau khi ông mới 23 tuổi nhưng chỉ có một mặt con suốt bao năm chung sống. Với Gede, đó là một “sai lầm”. Con trai của ông thành đạt, có công ty riêng làm việc trong lĩnh vực thiết kế nội thất, có bạn gái yêu nhau từ thời phổ thông nhưng “không chịu sinh con”, chỉ nuôi chó mèo bầu bạn.

Gede không trách con vì ông nhìn thấy hình ảnh mình 40 năm trước và cũng vì, đó là nếp sống ở các quốc gia Tây Âu. “Ở Đức, Hà Lan hay Anh, con người quan tâm tới bản thân là chính. Họa hoằn lắm mới có dịp hàng xóm cùng ăn với nhau bữa cơm, có khi đi làm cả tuần mới nhìn thấy nhà đối diện sáng đèn. Thanh niên phương Tây ưa hưởng thụ, sống độc lập từ năm 18 tuổi nên tình cảm gia đình không khăng khít.

Khi tôi bán căn hộ 3 phòng ngủ ở Đức để chuyển về Hà Lan sinh sống, dành ra một khoản đưa con trai nhưng nó từ chối nhận tiền. Nó bảo bố mẹ có cuộc sống của bố mẹ, con có thế giới của con, đời ai người đấy lo. Ở Việt Nam, tôi thấy các gia đình lao ra đường kiếm sống, tích cóp từng chút làm của để dành cho con cái, nhà nào cũng con đàn, cháu đống, tuy vất vả thật đấy nhưng tình cảm. Châu Âu không bao giờ có chuyện đấy. Ở tuổi tôi mới biết trân quý những giá trị này”, Gede trải lòng.

Căn nhà vườn Gede mới mua ở Hà Lan cuối 2019 chỉ cách biên giới Đức 20 phút lái xe nhưng con trai ông mới chỉ qua thăm 2 lần. Không phải vì họ không có tình cảm, mà là cách thể hiện tình cảm của người phương Tây là thế.

Gede thổ lộ, ông chủ trương tối giản khi thiết kế căn nhà mới. Tất cả đều nằm trên một sàn, vật dụng trong nhà hướng tới sự căn bản nhưng tuyệt nhiên phải có nồi lẩu và bánh đa cuốn. Gede thích ăn lẩu, thích tận hưởng cảm giác mọi người quây quần quanh nồi nước nghi ngút khói, vừa ăn vừa nói chuyện. Vợ ông mê món nem, học bằng được cách làm nem để khi nào thèm là có thể tự chế biến. Trong bữa tiệc Giáng sinh 2019 và 2020 đón bạn bè của vợ chồng Gede, lẩu và nem là hai món chính.

Mỗi lần về nhà thăm vợ, thăm bạn bè, Gede luôn coi đó là trải nghiệm đáng giá. Và mỗi khi như thế, ông lại nhớ tới kỷ niệm “tụ tập” đầu tiên ở Việt Nam, khi được mời dùng bữa cùng ca sỹ Tuấn Hưng và những người bạn. Bữa ăn đấy, với Gede, đã thật sự thay đổi quan điểm và triết lý sống.

Ở tuổi này, Gede không còn nghĩ nhiều tới vật chất. Ông chỉ có một căn nhà đứng tên, một chiếc Mercedes ở Hà Lan cho vợ di chuyển và một cuốn sổ tiết kiệm. Đã có giai đoạn mới sang châu Á, Gede đi tới nước nào cũng cố gắng dành dụm, đầu tư bất động sản và thậm chí là góp tiền vào một số công việc làm ăn. Có thắng lợi nhưng cũng có nhiều mất mát, chỉ khi tới Việt Nam làm việc, Gede mới tìm thấy chân lý cuộc đời. “Nói tình cảm nghe to tát nhưng có lẽ, tôi trân trọng sự ấm áp ở đất nước các bạn. Đôi khi, chỉ là tạt ngang quán nước, chào hỏi và bắt tay với những người xa lạ cũng khiến tôi thấy ấm lòng”, Gede giãi bày.

Tết Tân Sửu là một sự kiện “trọng đại” như lời Gede nói. Từ bây giờ, ông đã lên kế hoạch tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm tại Việt Nam. Gede muốn tới Tây Bắc, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của địa phương vùng cao. Sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu Gede đón thêm nhiều cái Tết nữa. Châu Âu là nơi ông sinh ra, nhưng Việt Nam mới là nơi ông thuộc về.

Một ngày của Gede

Tới Viettel, Gede được tạo điều kiện tối đa làm việc. Ông tham gia công tác tham mưu cho tổ huấn luyện ở các lứa trẻ, bắt đầu từ U15 và làm việc không có ngày nghỉ. Riêng ngày chủ nhật, Gede yêu cầu phải có thêm 1 buổi tập để nâng cao nhận thức chiến thuật. Ông bắt đầu một ngày vào lúc 5h sáng, sau khi sửa soạn cá nhân sẽ bắt xe buýt từ căn hộ ở Mỹ Đình tới thẳng trung tâm đào tạo bóng đá Viettel tại Hòa Lạc. Cuối giờ chiều, ông đi nhờ xe của các HLV trung tâm.

Gede thích ăn rau cải luộc, đậu rán và nhất là món cá om dưa. Ông còn thuê đầu bếp về hướng dẫn chế biến món ăn này, phòng trường hợp “lên cơn thèm” mà không thể ra quán. Gede cũng thích uống bia hơi Hà Nội, nhưng một tháng chỉ đôi lần và luôn đảm bảo sự tỉnh táo.

Ngoài ra, Gede còn có sở thích… ngồi xe ôm, đi vòng quanh ngắm phố phường. “Máy bay, ôtô quanh năm ngày tháng bí bách lắm”, Gede giải thích. 

Đơn ca
.
.
.