Điều tra tham nhũng, rửa tiền trong FIFA:

Phát súng khơi mào cuộc 'đại phẫu'

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:51
Sáng 27/5, lực lượng cảnh sát chống tham nhũng Thụy Sĩ đã bất ngờ đột kích khách sạn Baur au Lac ở thành phố Zurich và tiến hành bắt giữ 14 vị quan chức cấp cao của FIFA vì liên quan đến tham nhũng và rửa tiền. Báo cáo ban đầu cho hay, các hoạt động phạm pháp này đã được thực hiện trong suốt 25 năm qua với tổng số tiền là 150 triệu USD.

Theo tin từ tờ The New York Times, cuộc bắt giữ được thực hiện ngay tại khách sạn 5 sao, nơi các quan chức FIFA đang có mặt để chuẩn bị cho cuộc họp thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 29/5. Thành viên của lực lượng chống tham nhũng Thụy Sĩ đã phải mặc thường phục và bí mật đi lên bằng cầu thang bộ, bắt giữ các quan chức này ngay tại phòng riêng của họ.

Lệnh bắt được văn phòng tư pháp liên bang Thụy Sĩ ban hành theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ với cáo buộc rằng các quan chức FIFA đã tham nhũng, nhận hối lộ 150 triệu USD để cho phép các hãng thể thao và truyền thông thể thao quảng cáo, giao dịch và kết nối tài trợ cho các giải đấu bóng đá ở Mỹ Latinh.

Đồng thời, văn phòng tư pháp liên bang Thụy Sĩ còn tiết lộ rằng, vụ tham nhũng này có liên quan đến những nghi ngờ về hành vi nhận hối lộ trong cuộc vận động giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 của Nga và Qatar.

Hiện Thụy Sĩ cũng đã mở thủ tục tố tụng hình sự đối với các cá nhân nói trên với cáo buộc quản lý yếu kém trong việc trao quyền đăng cai World Cup.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, toàn bộ tài liệu, chứng cứ thu thập được tại nơi bắt giữ cùng 14 quan chức này sẽ được đưa tới Mỹ để chịu xét xử.

Phó Chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbea (CONCACAF) Jeffrey Webb vừa bị bắt giữ. (ảnh: EPA)

14 quan chức này bao gồm Phó Chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbea (CONCACAF) Jeffrey Webb; cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ (CONMEBIL), người điều hành liên đoàn bóng đá Uruguay Eugenio Figueredo; cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner; Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Costa Rica Eduardo Li; Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nicaragoa Julio Rocha; nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bóng đá quần đảo Cayman Costas Takkas; Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Venezuela Rafael Esquivel; Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil Jose Maria Marin; cựu Chủ tịch CONMEBIL từ năm 1986-2013 Nicolas Leoz và Giám đốc điều hành các hãng thể thao như Alejandro Burzaco, Aaron Davidson, Hugo Jinkis, Mariano Jinkis và Jose Margulies. Tất cả những nhân vật này bị cáo buộc 47 tội danh và đến chiều 28-5 thì 4 trong số những người này đã nhận tội, hứa hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra.

Cũng theo thông tin mà Bộ Tư pháp Mỹ cung cấp, những cáo buộc tham nhũng này bắt nguồn từ những năm 1990 và những kẻ phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi gây tổn hại cho sự phát triển của làng bóng đá thế giới.

Một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói: “Vụ việc này có liên quan đến 2 thế hệ các quan chức bóng đá và những người này đã lạm dụng quyền hạn của mình để đút túi hàng triệu USD từ việc nhận hối lộ, lại quả. Nghiêm trọng hơn, nó tác động xấu đến những giải bóng đá thiếu niên và các nền bóng đá đang phát triển. Chúng tôi quyết tâm diệt trừ tận gốc hành vi sai trái như vậy”.

Trong một tuyên bố được đưa ra chiều 27/5, FIFA khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra trong bê bối tham nhũng, rửa tiền này. Đồng thời, tuyên bố của FIFA cũng xác nhận rằng, hiện Chủ tịch FIFA Sepp Blatter chưa có tên trong danh sách những quan chức bị bắt giữ hay bị truy tố mà nhà chức trách Mỹ, Thụy Sĩ đưa ra. Nhưng vì cuộc điều tra đang được tiến hành nên chưa thể khẳng định ông Sepp Blatter không có liên quan.

Một số nguồn tin khác cho hay, cuộc điều tra của Mỹ về những khuất tất trong việc quyền đăng cai vòng chung kết World Cup 2018 và 2022 thuộc về Nga và Qatar bắt đầu từ tháng 3/2013 và được cập nhật thêm nhiều bằng chứng xác thực hồi tháng 10 năm ngoái.

Bước ngoặt của cuộc điều tra được cho là đến từ việc Chuck Blazer, nguyên thành viên Ban chấp hành FIFA thỏa thuận hợp tác cung cấp thông tin cho FBI sau khi bị điều tra về các khoản tiền khổng lồ không rõ xuất xứ nhận được trong thời gian ngồi ghế Tổng thư ký CONCACAF.

Nhiều khả năng, vụ việc này cũng liên quan đến cả quyết định treo giò 5 năm đối với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Mông Cổ Ganbold Buyannemekh hồi tháng 10 năm ngoái.

Năm ngoái, ông Ganbold Buyannemekh bị phát hiện 2 lần nhận hối lộ từ cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Mohammed ben Hamman. Lần thứ nhất vào năm 2009, ông Ganbold Buyannemekh nhận hối lộ để bầu cho Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Lần thứ hai, vào năm 2011, ông Ganbold Buyannemekh tiếp tục nhận hối lộ của ông Mohammed ben Hammam, để ủng hộ cho cuộc tranh cử của ông Mohammed ben Hammam vào chức Chủ tịch FIFA.

Giới quan sát thì nhận định, vụ bắt giữ vừa rồi là một “cuộc càn quét lớn” nhằm phá bỏ khối u tham nhũng trong FIFA”. Do đó, rất có thể các nhà điều tra Mỹ và Thụy Sĩ sẽ mở thêm các cuộc điều tra mới về những bê bối lớn của FIFA từ năm 1998 đến nay.

Diễn ra chỉ 2 ngày trước cuộc họp thường niên của FIFA, vụ bắt giữ 14 quan chức nói trên đã làm chấn động làng bóng đá quốc tế nói riêng và thế giới nói chung. Không lâu sau đó, giám đốc truyền thông của FIFA Walter de Gregorio đã trấn an dư luận bằng lời khẳng định rằng cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA vẫn tiến hành theo đúng kế hoạch vào ngày 29/5.

Hiện ông Sepp Blatter vẫn được xem là ứng cử viên hàng đầu dù đã ở độ tuổi 79. Đối thủ lớn nhất của ông này là Hoàng tử Ali bin Al-Hussein. Tuy nhiên, ngày 28/5, một loạt liên đoàn bóng đá đã có văn bản yêu cầu hoãn cuộc bầu cử này.

Phát ngôn viên Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cho rằng, FIFA sẽ giết chết bóng đá nếu không tiến hành một cuộc cải tổ triệt để và rằng cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA sắp tới nếu diễn ra sẽ “biến thành một trò cười”.

Tổng thư ký UEFA Gianni Infantino cho biết, các hội viên của UEFA sẽ họp vào ngày 29/5, trước cuộc bầu cử của FIFA và vào thời điểm đó, liên đoàn này sẽ quyết định những bước tiếp theo cần phải được thực hiện để bảo vệ các trận đấu của bóng đá.

Khánh Chi
.
.
.