Phá dớp!

Chủ Nhật, 17/06/2012, 16:00
ĐT Anh phải cần tới 43 năm mới có thể thắng nổi ĐT Thụy Điển trong các giải đấu lớn như Euro hay World Cup. 3 bàn thắng đến từ cái đầu của Carrol, cú sút xa tinh quái của Walcot và cú đánh gót kĩ thuật của Welbeck đã giúp ĐT Anh như “chết đi sống lại” sau khi để Thụy Điển dẫn 2-1.

Phải công nhận, trong chiến thắng này, dấu ấn chiến thuật của ông thầy Roy Hodgson là quá lớn. Ông nhìn ra điểm yếu không chiến của Thụy Điển nên đã tung Carrol  - cầu thủ có thể hình tốt, năng lực chơi đầu tốt vào sân ngay từ đầu. Rồi ông lại nhìn ra một hàng thủ đông người nhưng máy móc của Thụy Điển, nên đã tung Walcot vào sân, để rồi nhờ chính những khoảnh khắc tinh quái của Walcot (ghi 1 bàn, thực hiện 1 đường chuyền thành bàn) mà ĐT Anh đã… phá dớp thành công.

Có lẽ cái cảm giác phá dớp với Hodgson, với cầu thủ Anh, với cả dân Anh nói chung là tột cùng sảng khoái. Thế cho nên phá dớp rồi, tất cả đều đưa ĐT lên mây, thậm chí còn có người mơ mộng đặt ra câu hỏi: Đã có thể phá dớp không thắng Thụy Điển, thì tại sao không thể vô địch Euro?

Ái chà, đến chỗ này thì có vẻ như người ta đã đi quá đà rồi đấy! Bởi chuyện thứ nhất với chuyện thứ hai khác xa nhau về tầm vóc. Và cũng bởi, cái hiệu ứng quá bay bổng sau khi phá được một cái dớp chưa biết chừng lại là một mầm họa cũng nên. Lý do: Bóng đá thế giới đã chứng kiến không biết bao nhiêu đội bóng vì quá bay bổng ở nhịp 1, mà ngay khi đến nhịp 2 đã rơi tõm xuống 9 tầng địa ngục.

Thành thử, phá dớp thì sướng thật. Nhưng sướng rồi thì vẫn nên thận trọng tính cho xong cái vòng bảng này đi đã. Vẫn còn 1 trận đấu cuối cùng với chủ nhà Ukraina – một trận đấu sống còn – một trận đấu có thể “được tất cả”, mà cũng có thể “mất tất cả” kia mà!

Phan Đăng
.
.
.