Những vụ gian lận khó tin nhất trong thể thao

Thứ Sáu, 14/09/2007, 10:22
Năm 1975, Stella Walsh Olson có mặt trong Hall of Fame về điền kinh trước khi qua đời vào năm 1980 ở tuổi 69. Khi ấy người ta mới khám phá ra rằng thực chất, nữ vận động viên điền kinh này là... một người đàn ông.

Gian lận trong thể thao không chỉ  giới hạn ở doping hay tham nhũng tài chính. Để đi đường vòng trong các trận đấu thể thao và thỏa mãn ước muốn chiến thắng, nhiều vận động viên thể thao đã không ngại sử dụng những chiêu gian lận ngoạn mục nhất, nực cười nhất mà có nằm mơ các cổ động viên cũng không thể tưởng tượng nổi.

Onischenko tự định đoạt chiến thắng

Vận động viên thi đấu 5 môn người Ukraina, Boris Onischenko từng 3 lần giành huy chương tại Thế vận hội, Boris hiển nhiên có mặt trong Đội tuyển quốc gia của Liên Xô tham dự JO năm 1976 tại Montreal.

Sau môn thi đầu tiên, Đội tuyển Ukraina đứng ở vị trí thứ tư và phải tiếp tục thi kiếm thuật để hy vọng giành HCV. Chính Onischenko thi đấu và khi ấy anh được coi như tay kiếm giỏi nhất của cuộc thi.

Trong trận đấu tay đôi với vận động viên đấu kiếm người Anh là Jim Fox, anh này nhiều lần nhận thấy dấu hiệu điện tử trên kiếm của Onischenko trong khi anh ta chưa hề chạm vào Onischenko nên đã quyết định tố cáo. Chiếc kiếm của Onischenko đã bị tịch thu.

Ban bồi thẩm phát hiện ra rằng Onischenko đã thay đổi vũ khí thi đấu và đặt vào đó một chiếc nút ấn đơn giản cho phép ghi điểm theo ý muốn. Tất nhiên, Onischenko bị loại khỏi giải đấu và kể từ đó báo chí Anh gọi vận động viên này là  “Disonischenko” (lối chơi chữ dishoest có nghĩa là không thật thà).

Vận động viên khuyết tật giả

Tại Thế vận hội người khuyết tật Sydney năm 2000, Đội tuyển Tây Ban Nha đã giành HCV trong trận đấu bóng rổ. Nhưng một trong những vận động viên của đội tuyển này đã tiết lộ rằng, 6 trong số 12 cầu thủ của đội không hề bị thiểu năng trí tuệ như bản đăng ký ghi.

Tất nhiên, Đội tuyển Tây Ban Nha đã bị loại khỏi trận đấu và kể từ đó, những vận động viên thiểu năng trí tuệ mà khó xác định độ chính xác của tình trạng sức khỏe đã không còn được tham dự vào các kỳ thế vận hội nữa.

Bí mật được giấu kín

Stanislawa Walasiewics đã rời Pologne cùng với gia đình của mình để đến định cư tại Cleveland, Mỹ. Do không đủ tư cách để tham gia Đội tuyển Mỹ, cô đã chạy sang Đội tuyển Ba Lan. Tại Thế vận hội năm 1932 ở Los Angeles, cô đã giành được HCV môn chạy 100m và trở thành người phụ nữ chạy nhanh nhất thế giới với thành tích 11,9 giây.

Bốn năm sau tại Berlin, cô lại giành HCB. Kết hôn với võ sĩ Neil Olson, cô đổi tên thành Stella Walsh Olson và tiếp tục giành rất nhiều giải thưởng khác với 18 kỷ lục thế giới.

Năm 1975, Stella Walsh Olson có mặt trong Hall of Fame về điền kinh trước khi qua đời vào năm 1980 ở tuổi 69 do bị tấn công bằng vũ khí tại một trung tâm thương mại. Khi ấy người ta mới khám phá ra rằng thực chất, nữ vận động viên điền kinh này là... một người đàn ông.

Chạy nhanh như tàu điện ngầm!

Năm 1980, Rosie Ruiz đã giành chiến thắng ở Giải Marathon tại Boston với thành tích 2 giờ 31 phút 56 giây, trở thành vận động viên chạy nhanh thứ 3 trong lịch sử môn thể thao này vào thời ấy.

Rosie Ruiz.

Vấn đề duy nhất là cô về đích mà không hề nhớ gì về đoạn đường đua vừa hoàn thành, thậm chí xem trên video không hề thấy bóng dáng cô ở đâu cả và không một vận động viên nào nhớ rằng đã từng nhìn thấy cô trong cuộc thi.

Hơn nữa, lần này Rosie chạy nhanh hơn những 25 phút so với lần thực hiện marathon trước của cô tại New York. Sự thực là Rosie chỉ chạy kilômét cuối cùng trong chặng marathon từ Boston, trong khi ở New York cô đã nhảy lên tàu điện ngầm để về đích cho nhanh.

Chuyến bay cuối cùng của Condor

Roberto Rojas được mệnh danh là Condor (con kền kền Nam Mỹ) là thủ môn Đội tuyển Quốc gia Chile trong vòng loại Cúp bóng đá thế giới năm 1990. Bị thua 1-0 tại Maracana, sân vận động nổi tiếng ở Rio, Đội Chile có nguy cơ bị loại.

Ở phút 67, Rojas bị ngã vật xuống sau khi một cổ động viên Brazil ném pháo cách Rojas 1 mét. Tay ôm trán, đầu dính máu Rojas được cáng ra khỏi sân và từ chối tiếp tục thi đấu. Đồng đội của anh đã lợi dụng cơ hội này để gián đoạn trận đấu và hy vọng có thể giành chiến thắng.

Không may cho họ, băng video ghi hình đã cho thấy “tài nghệ” của Condor, anh ta đã tự mình rạch trán bằng lưỡi dao cạo râu giấu trong găng tay. Kết quả là Đội Brazil giành chiến thắng 2-0, còn Đội Chile không được quyền tham dự Cúp bóng đá thế giới năm 1994, riêng Rojas thì bị treo giò.

Cú bóng chày dọn đường

Tonya Harding là nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ rất tài năng và cô đã quyết định tận dụng tất cả các cơ hội để giành được tấm HCV Thế vận hội tổ chức tại Lillehammer năm 1994. Quá tham vọng, cô đã quyết định tấn công đối thủ lớn của cô là Nancy Kerrigan.

Ngày 6/1/1994, trong khi tập dượt, Kerrigan đã bị một kẻ lạ mặt dùng cây gậy đánh bóng chày tấn công. Khi bị bắt, tên này đã thừa nhận rằng chính chồng của Tonya đã thuê hắn ta làm hại Kerrigan.

Bị thương nhẹ ở đùi, Kerrigan  đã bình phục rất nhanh và giành được HCB còn Harding bị tụt xuống vị trí thứ 8.

Bị thất sủng trong thể thao, Harding đã theo đuổi đủ nghề như võ sĩ đấm bốc, sau đó trở thành kẻ nghiện ngập và nhiều lần vi phạm luật pháp.

Fernando Alonso và Micheal Schumacher.

Micheal Schumacher: một “sai lầm” kỹ thuật

Không nghi ngờ gì nữa, Schumacher đã từng là một trong những vận động viên đua xe công thức 1 vĩ đại nhất trong lịch sử. Với tài năng của mình, người ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào lối chơi đẹp của vận động viên người Đức này.

Tại Giải Grand Prix ở Monaco năm 2006, Micheal Schumacher đang trên đường đua nước rút về đích bỗng nhận thấy rằng chỉ còn vài phút nữa đối thủ của anh là Fernando Alonso có thể giành mất vị trí thứ nhất. Để chắc chắn thắng, Schumacher cho chiếc xe đua của mình đi vào đường tránh, buộc Alonso mất 10 phút quý giá cho xe đi vòng quanh chướng ngại vật.

Tất nhiên, Schumacher lấy cớ là do trục trặc kỹ thuật để giải thích cho hành động của mình. Tuy nhiên, anh đã bị tụt xuống vị trí cuối cùng

Lý Thanh Thảo (theo Sport)- ANTG số 688
.
.
.