Nét mới trong thị trường chuyển nhượng mùa hè 2016:

Mùa trở về của những đứa con lưu lạc

Thứ Sáu, 02/09/2016, 08:11
David Luiz quay lại Chelsea. Alvaro Morata về Real sau những ngày “đi đày” ở Juve. Paul Pogba trở về Old Trafford cùng niềm kiêu hãnh của tài năng từng bị bỏ rơi. Mario Goetze và chuyến hành hương về Dortmund. 4 bản hợp đồng đáng chú ý bậc nhất thị trường chuyển nhượng hè 2016 đã diễn ra theo cùng kịch bản.

Quay về nơi bắt đầu

Tờ Bild của Đức đã giật dòng tít “Mừng các anh về nhà” trên trang nhất số báo ra ngày hôm qua – ngày cuối cùng của phiên chợ mùa hè. Ngoài thương vụ Higuain sang Juve với mức giá cao khó hiểu, 4 bản hợp đồng gây chú ý nhất trên sàn giao dịch đều diễn ra theo một kịch bản như thế: Trở về nơi đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp cầu thủ.

Morata là sản phẩm “xịn” của học viện Castilla, nhưng không thể chen chân vào hàng ngũ ngôi sao ở “Dải ngân hà” Bernabeu. Anh bị bán lại cho Juve và vừa quay lại đội bóng quê hương nhờ điều khoản “Real có quyền kích hoạt giao dịch nếu cần”.

Paul Pogba từng bị Sir Alex chê là kém hơn Rafael Silva, một hậu vệ biên. Vì thế, anh ta chọn con đường tới Italia và lập nghiệp ở Juve, quyết thành danh và vừa trở lại “Nhà hát của những giấc mơ” bằng bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử bóng đá thế giới, 112 triệu euro.

David Luiz quay lại Chelsea sau hai năm thi đấu ở Pháp trong màu áo PSG.

Tương tự, David Luiz rời đi chỉ vì không phù hợp với triết lý của Jose Mourinho. 2 năm trước, Luiz cập bến Paris và phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của một trung vệ: 50 triệu bảng. Bây giờ, anh lại là người của Chelsea khi HLV Conte cần mẫu cầu thủ toàn diện, dùng chân tốt với mục đích biến hàng thủ 4 người thành nguồn cung ứng đều đặn cho ý đồ tấn công.

Câu chuyện của Goetze có hơi khác một chút. Năm 2014, Goetze tới Bayern cùng rất nhiều kỳ vọng. Đó là lúc Goetze vừa ghi bàn đưa tuyển Đức lên đỉnh ở World Cup 2014, được ví von là “Cậu bé quốc dân”.

Song 3 năm ở Bayern, Goetze không thể chen chân vào đội hình chính bởi Pep có quá nhiều sự lựa chọn chất lượng nơi tuyến giữa. Trở lại Dortmund, coi như Goetze đã đi lùi 1 bước trong sự nghiệp, nhưng cũng chỉ vì mục đích duy nhất là tìm lại chính mình để khẳng định với giới quan sát rằng, anh không phải dạng thần đồng “sớm nổi chóng tàn”.

Khi đồng tiền “mất giá”

Một câu hỏi quen thuộc: Tại sao vẫn phải là “người cũ”? Đành rằng, những gương mặt kể trên đều là những bản hợp đồng chất lượng song suy cho cùng, họ chưa phải là những cầu thủ xuất sắc nhất ở vị trí của mình.

Thực ra, Chelsea không hề có ý định tiếp cận Luiz. The Blues đã hỏi mua Romanogli (Milan) và Koulibaly (Napoli). Tuy nhiên, phí giải phóng hợp đồng của họ quá cao. Đến một cầu thủ như Romanogli, từng bị đem đi cho mượn khắp dọc Serie A, từng bị đánh giá là “hết tiềm năng phát triển” cũng có giá 45 triệu euro nếu gộp chung cả giá thị trường và phí phá vỡ hợp đồng.

Cùng lúc đó, phía Napoli mạnh dạn hét giá 50 triệu bảng cho Koulibaly vì lý do: Hè năm ngoái, hai bên đã thống nhất nâng mức giải phóng hợp đồng từ 10 lên… 30 triệu euro.

Đây cũng là thực trạng chung của bóng đá thế giới hai năm gần đây. Trong bối cảnh các học viện bóng đá lừng danh dần mai một dẫn tới tình cảnh “cung không đủ cầu” thì phí chuyển nhượng của những ngôi sao sẵn có ngày một leo thang.

Hơn nữa, nếu chẳng may nhận ra chút tiềm năng của ngôi sao mới nổi nào đó, CLB chủ quản, thường là những đội bóng hạng trung lập tức nâng phí giải phóng. Vì cuối cùng, họ luôn là người hưởng lợi. Nếu anh cầu thủ kia tỏa sáng thì vớ bẫm, còn chẳng may thui chột thì đội bóng coi như chỉ mất “vài đồng” trả lương.

Thậm chí, đến những ngôi sao đã khẳng định được tên tuổi cũng trở thành món hiện vật được đem ra đấu giá. Bayern phải trả tới 39 triệu bảng để sở hữu Matt Hummels vì nếu để sang năm sau, “Hùm xám” sẽ mất thêm 15 triệu bảng như điều khoản giữa Hummels và Dortmund.

Bởi vậy, những CLB như Chelsea, Real Madrid thà chấp nhận “cắn răng” mua lại người cũ bởi dù sao đi nữa, họ đã khẳng định được phần nào tên tuổi. Còn hơn là ném qua cửa sổ cả đống tiền, cho một cái tên “sớm nổi” nhưng chẳng biết có “chóng tàn” hay không.

Mô hình “kim tự tháp” đang lộn ngược?

Muốn phát triển bền vững, một CLB bóng đá chuyên nghiệp thường tuân thủ chặt chẽ mô hình “kim từ tháp”. Tất cả sẽ bắt đầu từ nền móng vững chắc, tức là sở hữu một học viện trẻ, một mạng lưới tuyển trạch chất lượng cao rồi từ từ leo tới đỉnh cao nhất.

Nhưng có vẻ, vòng quay hối hả không cho phép đại bộ phận các đội bóng làm theo mô hình ấy. Dưới sức ép của đối thủ - những đội sống dựa túi tiền không đáy của giới chủ, đặc biệt là những ông trùm dầu mỏ, đội nào cũng sẵn sàng bạo chi, mua ngôi sao để giải quyết vấn đề ngắn hạn.

Vô hình trung, vấn đề nền móng, gốc gác bị bỏ quên. Một ví dụ tiêu biểu là lò La Masia của Barca. Học viện trứ danh ở Catalan từng trình làng lứa 1987 đầy tài năng. Có tổng cộng 11 cầu thủ được đôn lên đội một và thành danh ở Nou Camp. Song tính từ năm 2012, chỉ 7 cầu thủ trẻ của La Masia lên chơi ở La Liga, và không ai trong số này ra sân nhiều hơn 8 trận/mùa.

Một thực trạng đáng báo động!

Huyền Linh

FFP – bộ luật “bù nhìn”?

Thời Michael Platini chưa vướng vòng lao lý, UEFA đã ban hành luật công bằng tài chính FFP nhằm hạn chế các CLB chi tiền vô tội vào cho việc mua bán, làm băng hoại nền tài chính bóng đá thế giới. Hiểu nôm na, các CLB lớn phải hết sức dè dặt trong công tác chuyển nhượng.

Tất nhiên, FFP ngày một siết chắt phạm vi mua bán. Theo đúng lộ trình đặt ra, mùa này, các CLB ở Premier League chỉ được phép thua lỗ tối đa 45 triệu bảng trong báo cáo tài chính cuối năm. Nhưng tóm lại, luật sinh ra là để… phá. Luôn tồn tại những lỗ hổng để giới chủ nhiều tiền “lách qua”.

Như trong năm nay, phần lớn những hợp đồng có giá trị trên 30 triệu bảng đều được thanh toán làm nhiều đợt. Vụ Luiz tới Chelsea chẳng hạn, tờ Mirror cho hay Chelsea sẽ trả làm hai đợt: 15 triệu bảng hè này và 20 triệu bảng hè 2017.

Hoặc vụ Juve bán Pogba cho Man Utd, hai bên thống nhất sẽ chuyển khoản làm 4 đợt. Nghĩa là, không lần giao dịch nào quá 30 triệu bảng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới báo cáo tài chính quý, “mở đường” cho UEFA cử thanh tra xuống kiểm kê. Không cách này thì cách khác, các đội bóng luôn tìm ra cách “vượt qua” rào cản FFP. 

Khải Huyền

Đơn Ca
.
.
.