Một góc nhìn từ chung kết Confed Cup: Vì sao, nước mắt Chile?

Thứ Ba, 04/07/2017, 08:01
Rạng sáng qua, bước vào trận chung kết Confed Cup với đội tuyển Đức, các cầu thủ khao khát muốn chứng mình là những người giỏi nhất thế giới, nhưng sau 90 phút, người hâm mộ lại được thấy một bộ mặt khác của họ, những chàng trai dễ bị tổn thương.

Chile nổi tiếng với lối chơi cứng rắn kiểu đàn ông và đầy năng lượng, đó là hình ảnh quen thuộc họ đã thể hiện 3 năm qua ở 3 đấu trường lớn. Họ đã giành được 2 danh hiệu Copa America liên tiếp, và năm nay, tiếp tục tạo ra một cú sốc nữa khi loại ứng cử viên vô địch số một -  Bồ Đào Nha, và tiến tới trận chung kết. 

Sau trận bán kết diệu kì của thủ thành Bravo với việc cản phá 3 quả penalty của các cầu thủ xứ Iberia, người dân Chile đã ăn mừng như thể họ vô địch Confed Cup đến nơi rồi. Quả thực họ có lí do để tin vào điều đó vì đối thủ ở chung kết là một đội tuyển Đức trẻ măng, thiếu ngôi sao, và không đẳng cấp.

HLV Chile, Antonio Pizzi đã nói trước trận đấu đầy tự tin: “Tôi tin rằng nếu chúng tôi trở về nhà mà không còn đủ năng lượng, chúng tôi sẽ có vinh quang và tôi nghĩ chúng tôi sẽ có được chiếc cúp”. Thế nhưng, sau trận đấu, ông đã phải cay đắng thừa nhận: "Chúng tôi về nhà trong trạng thái kiệt sức, đầy vinh quang, nhưng không có danh hiệu".

Vidal khóc tại sân vận động St. Petersburg sau trận thua.  

Tại sao một đội bóng nổi tiếng “chơi bằng sức vóc”, lại cạn kiệt nguồn năng lượng chỉ sau một giải đấu kéo dài 5 trận? Đó là bởi họ là đội bóng duy nhất trên thế giới phải thi đấu ở 3 giải đấu lớn liên tục trong 3 mùa hè, với việc không bỏ sót bất cứ một trận đấu nào. Giải nào họ cũng có những trận thi đấu quá 120 phút, và như chúng ta đã biết, ba chiến thắng lớn nhất của họ, đều được giải quyết ở loạt penalty định mệnh. 

Một tập thể dù dẻo dai đến đâu, thi đấu với cường độ kinh khủng như vậy cũng phải gục ngã, nhất là với Vidal, Alexis Sanchez, những cầu thủ ăn lương ở các đội lớn ở châu Âu cả năm trời và phải đổ mồ hôi tương xứng với đồng lương nhận được.

Vidal và các đồng đội đã khóc như mưa sau trận thua với đội tuyển Đức, họ sốc vì thua trong kì vọng, và với rất nhiều ngôi sao của Chile, cơ hội để có một danh hiệu lớn cuối cùng có vẻ như đã tuột khỏi tay. Đây được coi là đỉnh cao của thế hệ vàng được phát hiện từ U20 World Cup năm 2007, tính đến nay đã là 10 năm, và tất cả đều sẽ bước sang sườn dốc bên kia sau giải đấu này.

23 cầu thủ đến Nga năm nay của Chile, chỉ 4 cầu thủ dưới 26 tuổi, chưa hết, họ không có đủ phương án B cho những ngôi sao ở trên sân, 12 sự lựa chọn ở băng ghế dự bị trong trận chung kết, chưa ai từng chơi bóng ở châu Âu một trận nào. Đó là lý do đội tuyển Đức chơi không hẳn xuất sắc, nhưng chỉ cần bắt chết ngôi sao Chile, và tận dụng sai lầm là “thắng”.

Cái đau đớn và mềm yếu của các cầu thủ Chile đêm Chủ nhật được cộng hưởng bởi việc, họ quen với mùi vị của chiến thắng suốt 3 năm qua. Họ quen là người cười lớn, trước những giọt nước mắt của đối phương, chẳng ai có thể quên hình ảnh các cầu thủ áo đỏ, ôm ấp, lao vào nhau ăn mừng sau loạt đá penalty với Argentina ở Copa America 2016, bỏ lại sau lưng họ hình ảnh một Messi cay đắng với những dòng nước mắt. 

Ngày hôm qua, họ đã “thẩm thấu” được nỗi đau thua trận, và tệ hại hơn, họ đang tưởng tượng ra một cuộc sụp đổ ở trước mắt.

Chile đá chung kết ở Confed Cup, giải đấu của những nhà vô địch, nhưng chưa chắc họ đã được góp mặt ở Nga một năm sau tại World Cup. Họ đang đứng thứ tư ở vòng loại Nam Mỹ, phía sau họ là Argentina và Ecuador, và 3 trận còn lại của họ đều cực khó: Đá ở độ cao 3.600m so với mặt nước biển ở Bolivia, tiếp đón đối thủ trực tiếp Ecuador và làm khách ở Brazil. 

Như chúng ta đã biết ở Nam Mỹ, chỉ có 4 suất trực tiếp đến nước Nga vào năm sau. Cầu thủ Chile cần gạt đi nước mắt, để chí ít, người ta còn được thấy nụ cười của họ, vào năm sau, ở chính xứ Bạch Dương này.

Số phận Á quân Confed Cup

Chile  trở thành Á quân thứ 8 trong lịch sử các kì Confed Cup. Giải đấu này lần đầu tiên có tên là Confederation Cup vào năm 1997, được tổ chức tại nơi đăng cai World Cup một năm sau đó là nước Pháp. Không tính hai giải đấu theo thể thức cũ, tức là hai năm một lần được tổ chức vào năm 1999 và 2003, tất cả các đội bóng Á quân Confed Cup đều không thể đi quá tứ kết sau đó 1 năm ở World Cup. 

Argentina là đội bóng có được thành tích tốt nhất với danh vị người về nhì ở giải đấu liên đoàn các châu lục. Họ là á quân của Confed Cup 2005, một năm sau họ dừng bước ở tứ kết World Cup 2006. 

Dù sao với Chi Lê, làm được như Argentina năm 2006 cũng đã là một khao khát với họ. Thành tích tốt nhất của bóng đá Chi Lê ở đấu trường thế giới là vị trí thứ 3 năm 1962, nhưng đó là khi World Cup chỉ có 8 đội, từ đó đến nay, họ chưa bao giờ đi quá vòng 16 đội. 

Hoàng Anh Quân
.
.
.