Khi ông Wenger ví trọng tài như... sư tử

Thứ Ba, 20/12/2016, 08:34
Bực tức sau trận thua ngược Man City tại giải Ngoại hạng Anh cuối tuần qua, HLV trưởng CLB Arsenal - Wenger trút cả một cơn thịnh nộ lên trọng tài chính Martin Atkinson cùng các giám biên, và ví trọng tài "như những con sư tử, được bảo vệ quá kỹ lưỡng trong vườn bách thú".


Lý do dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ này nằm ở việc cả 2 bàn thua mà Arsenal phải nhận đều đến từ tình huống cầu thủ đối phương việt vị. Ở bàn thua đầu tiên, diễn ra ở phút thứ 47, hàng thủ của Arsenal đã dâng cao, đẩy tiền đạo Man City là Leroy Sane xuống dưới trước khi nhận bóng. 

Đây là một tình huống bẫy việt vị rất nhanh, và nếu chỉ bằng mắt thường (chứ không phải bằng những thiết bị kỹ thuật phụ trợ mà Wenger có thể xem lại sau trận đấu) thật khó xác định Leroy Sane đã việt vị. Do vậy trọng tài Atkinson lập tức ra dấu hiệu công nhận bàn thắng, và lúc đó ngay cả các cầu thủ Arsenal cũng không phản ứng gì. 

Đến bàn thua thứ hai ở phút thứ 71 thì cầu thủ phá lưới Arsenal - Raheem Sterling không việt vị, vấn đề là tình huống ấy một cầu thủ khác của Man City là David Silva đã đứng dưới hàng thủ Arsenal, và Silval tham gia tình huống bằng việc đã che khuất tầm nhìn của thủ thành Arsenal. 

Có thể thấy cả hai tình huống việt vị này đều diễn ra rất nhanh, và đều là những tình huống nhạy cảm nếu chỉ quan sát bằng mắt thường. Trong bóng đá, việc các trọng tài nhầm lẫn trong những tình huống như vậy vẫn hay xảy ra.

HLV Wenger liên tục trút bực bội lên các ông vua sân cỏ. 

Tuy nhiên, từ khoảng 10 phút cuối trận, Wenger đã liên tục ra phàn nàn với trọng tài thứ 4. Và khi trọng tài Atkinson thổi còi kết trận trong bối cảnh cầu thủ Arsenal chưa thực hiện xong tình huống đá phạt - câu bóng bổng vào vòng cấm đối phương thì Wenger đã hục hặc ra mặt. 

Đến khi vào phòng họp báo thì như đã nói, nhà cầm quân có biệt hiệu "giáo sư" này đã ví trọng tài như "những con sư tử được bảo vệ quá kỹ càng" - ý nói: dù rất bất bình, nhưng ông và đội bóng của ông vẫn không thể "đụng" vào các vua sân cỏ. 

Cơn bực tức của Wenger là dễ hiểu vì một mặt đây là trận thua thứ 2 liên tiếp của Arsenal tại giải Ngoại hạng Anh, sau khi đã dẫn bàn trước, và mặt quan trọng khác, thua trận này đội bóng của Wenger tiếp tục bị đội đầu bảng Chelsea bỏ xa, và cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch là rất thấp.

Vì những lý do như vậy có thể ít nhiều chia sẻ với cơn bức xúc tột độ của Wenger, nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận lại cái cách mà đội bóng của ông thể hiện trong trận gặp Man City sẽ thấy đội bóng này bại trận không hẳn do... trọng tài. 

Đây là trận đấu mà Arsenal đã nhập cuộc tốt, hứng khởi, và có bàn dẫn trước, nhưng ngay sau bàn thua ở đầu hiệp 2 thì lạ là cả một tập thể lại sụp đổ nhanh chóng. Từ đó trở đi họ gần như không thể gây áp lực lên khung thành Man City. 

Điều đó có nghĩa, Arsenal mỏng manh, dễ vỡ, và thực sự thiếu bản lĩnh trong những thời khắc quyết định của cuộc chơi. Cái thiếu này không chỉ đến từ mùa giải năm nay, mà đến từ hàng loạt những mùa giải trước. Cái thiếu mà chắc chắn Wenger cũng thấy, cũng hiểu nhưng không biết phải làm sao để lấp đầy. 

Theo giới phân tích bóng đá Anh, lý do sâu xa nằm ở chỗ kể từ ngày "cá cột chống trời" Patrick Vieira giải nghệ, Wenger xây dựng một đội bóng mà ở đó chỉ có ông là thủ lĩnh. Nhưng vấn đề là ông chỉ có thể đứng ở ngoài đường piste kêu gào, nhắc nhở, chứ không thể xỏ giày vào sân, không thể là một điểm tựa cụ thể và chắc chắn trên sân để các cầu thủ có thể tựa vào mỗi khi gian khó.

Thành thử, khi Wenger trút cơn giận lên các trọng tài, và gọi trọng tài là "những con sư tử" thì giới quan sát đều hiểu: trong trường hợp này, câu nói "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" ứng nhiệm hơn bất cứ lúc nào.

Màn khích lệ gây tranh cãi của các cầu thủ Man City

Trước trận gặp Arsenal trên sân nhà cuối tuần qua, tất cả các cầu thủ Man City đều tiến ra sân với một chiếc áo số 8, in tên Gundogan được mặc ngược ra phía trước. Đây được cho là hành động ủng hộ và khích lệ Gundogan - người vừa bị dính chấn thương nặng, nhiều khả năng phải nghỉ thi đấu khoảng nửa năm. 

Rõ ràng, không ai nghi ngờ tính mục đích cao cả của màn khích lệ này, tuy nhiên theo các bình luận viên bóng đá Anh thì những màn tri ân - ủng hộ như thế thường chỉ diễn ra khi nhân vật chính đã qua đời. 

Một tài khoản trên mạng bình luận: "Gundogan bị chấn thương, ngồi ngoài là điều đáng tiếc, nhưng anh ta chấn thương, chứ đã chết đâu". Không hiểu cá nhân Gundogan nghĩ gì nhưng trên tài khoản mạng của mình anh đã viết những lời rất hóm hỉnh: "Cảm ơn các đồng đội của tôi. Chúc mừng vì chúng ta đã chiến thắng. Nhưng tôi vẫn sống - đừng lo!". 

(Ngọc Anh)

Hiếu Hà
.
.
.