Vấn đề của "thuyền trưởng" Wenger và "con tàu" Arsenal:

Đi loanh quanh lại tìm về nước Pháp

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:56
Arsenal lúc nào cũng gặp khó trong chuyện mua cầu thủ vì thói quen chi tiêu chắt bóp. Năm nay, họ còn vất vả hơn bởi đội bóng chỉ được dự đấu trường châu Âu hạng hai Europa League. Chính điều đó đã khiến thuyền trưởng Wenger đành phải quay lại với chốn cũ và thay đổi cách tiêu tiền ở nơi đây.

Wenger sinh ra ở Pháp, là một người đàn ông Pháp điển hình, với chất lãng mạn đã ăn vào máu thịt. Chưa hết, khoảng thời gian vinh quanh nhất của ông cũng được xây dựng bởi những hậu bối cùng quốc tịch như Henry, Viera, Wiltord, Pires, Petit. 

Bởi vậy, mỗi khi cần phải có lời giải cho việc tìm kiếm một ngôi sao, ông lại dõi ánh mắt về quê hương, và cũng có thể, đó là phạm vi ưu tiên của Arsenal khi HLV Arsene Wenger còn tại vị. 

Năm 2010, ông đã mang về London trung vệ hàng đầu của Ligue I (giải vô địch quốc gia Pháp) khi đó là Laurent Koscielny. Cũng trong năm đó, người đàn ông đầy kinh nghiệm trong việc khai thác tài năng trẻ, cũng đón về thủ đô nước Anh tiền đạo cực hay của Bordeux, Chamakh. 

Hai năm sau, ngay sau khi Giroud tỏa sáng bất ngờ trong vai Vua phá lưới để giúp Montpellier vô địch Ligue I, anh ngay lập tức được nhận lời mời gọi của Arsenal, tất nhiên, chàng trai này chẳng thể chối từ. Đó đều là những lựa chọn đã được cân nhắc kĩ càng, được theo dõi hàng năm trời và được coi là hợp lí của Wenger. Nhưng tất cả đều không thể mang về thành công như mong muốn. 

Lacazette và Wenger cùng Logo Arsenal.

Thậm chí, chiến lược “Pháp hóa” đã bị cắt đứt giữa chừng khi sự sốt ruột khiến Wenger tìm đến những miền đất hứa khác, như Tây Ban Nha, Đức và tất nhiên ở nơi đất lạ, Wenger phải chi tiền nhiều hơn.

Thay đổi với góc nhìn rộng, tiêu tiền không chắt bóp, nhưng thành công thì vẫn lẩn tránh Arsenal, để đến mùa năm nay, họ lại phải tìm đến sự viện trợ từ quê nhà Wenger. Lacazette, một ngôi sao của Ligue I trong vòng 4 năm qua, mùa trước đóng góp 37 bàn cho Lyon ở tất cả các đấu trường. 

Trong 4 năm liên tiếp, số bàn thắng của Lacazette không năm nào dưới 20 bàn, có nghĩa là nó đã đạt tiêu chí như “đối thủ lớn nhất mà Wenger từng đối mặt”. HLV Ferguson từng nói “Một đội bóng muốn vô địch, cần có tiền đạo ghi trên 20 bàn một mùa”.

Xét về chuyên môn, Lacazette có lẽ là tiền đạo tốt nhất mà HLV Wenger có thể đưa về lúc này, trong bối cảnh Arsenal đang gặp khó khăn về cả tài chính lẫn hình ảnh. Họ mất đi nguồn thu từ Champions League và đương nhiên cầu thủ lớn chẳng bao giờ thích đến một đội bóng chơi ở Europa League. 

Thực chất việc mua Lacazette của Arsenal được hỗ trợ rất nhiều từ UEFA khi Liên đoàn bóng đá châu Âu đưa ra án cấm chuyển nhượng với Atletico Madrid, đội bóng thậm chí đã đạt được thỏa thuận với tiền đạo người Pháp trước cả Arsenal. Có thể nói Arsene Wenger đã có chiến thắng ở phút bù giờ.

Người ta đã chỉ trích HLV Arsene Wenger rất nhiều trong thời kì Arsenal liên tục mua cầu thủ từ Ligue I và không thành công, nhưng có lẽ trong vụ mua bán này, người ta lại phải cảm ơn “sức ảnh hưởng từ thương hiệu Wenger” đã giúp cho đội bóng có Lacazette. 

Ở Pháp, có rất nhiều CĐV yêu mến Arsenal, họ coi đó là bản sao của một đội bóng quê hương thi đấu ở xứ người. Chưa hết, thành công từ những người đàn anh như Henry, Pires, Petit, là động lực lớn lao để những cầu thủ 9X như Lacazette bước theo một cách mạnh dạn hơn. 

Ở đó anh vẫn còn những đồng đội nói tiếng Pháp ở bên cạnh, có một HLV có thể chỉ bảo bằng ngôn ngữ mẹ đẻ với riêng cá nhân anh, và đó là một thuận lợi cực lớn đối với bất cứ tân binh nào ở Ngoại hạng Anh.

Arsenal chọn một phương án cũ và an toàn, Lacazette ở chiều ngược lại, cũng chọn tương tự. Hy vọng sự kiên trì của Arsene với những người đồng hương, sẽ mang đến cho ông những trái ngọt ở mùa giải năm nay.

Lacazette: bản hợp đồng kì vọng

Không phải đơn giản để một đội bóng như Arsenal bỏ ra tới hơn 50 triệu bảng cho một cái tên đến từ Ligue I. Lacazette đứng thứ 6 trong Top những chân sút hàng đầu châu Âu mùa giải vừa qua, phía trên anh là Messi, Cavani, Lewandowski, Ronaldo, Aubameyang và Dzeko, những tiền đạo được khán giả quen mặt hơn. 

Chưa hết, cựu tiền đạo Lyon còn có khả năng kiến tạo xuất sắc, phù hợp với mong muốn “tiền đạo toàn diện của Wenger”, trung bình mỗi trận mùa trước, anh có 1,5 đường kiến tạo ngon ăn cho đồng đội. Cũng theo Opta, hãng thống kê uy tín, ngoài Messi, Lacazette là người duy nhất có khả năng tự tạo 35 cơ hội mỗi mùa và khi quá 20 bàn, chưa kể, khả năng tận dụng cơ hội của anh cũng lên đến 33%, tức là chưa đến 3 cơ hội lại có 1 bàn thắng. 

Năm nay Lacazette mới 26 tuổi, độ tuổi chín chắn nhất của một ngôi sao bóng đá. Hy vọng rằng ở một môi trường tốt và thuận với người Pháp như Arsenal, ngôi sao cũ của Lyon sẽ trở thành một “siêu sao”.

Anh Quân

Dòng máu Pháp lại chảy

Trước khi Lacazette đến, Arsenal đang có 4 cầu thủ Pháp nằm trong biên chế của họ. Những người thường xuyên vào sân ở mùa trước là Koscielny, Giroud và Coquelin. Hai người còn lại một bị mang cho mượn đó là Debuchy, hai là còn quá trẻ để thi đấu cho đội một - Jeff Reine-Adélade. Lacazette sẽ bổ sung vào bộ sưu tập cầu thủ Pháp đồ sộ của Arsenal, vốn bây giờ vẫn đang đứng đầu ở Ngoại hạng Anh với 28 người. 

Những cầu thủ Pháp cũng đã đóng góp cực lớn ở giải đấu hàng đầu xứ sương mù cho Arsenal khi đã ghi tổng cộng 640 bàn, nhiều hơn bất cứ nhóm ngoại binh nào khác. 

Quay ngược lại quá khứ, vào mùa giải bất bại của Arsenal tại Ngoại hạng Anh năm 2003-2004, họ có 6 cầu thủ đồng hương với Arsene Wenger và đương nhiên tất cả đều là những người góp công lớn vào chiến quả này. Liệu HLV người Pháp có nên mua thêm một cầu thủ “quốc tịch Pháp” nữa để tìm lại quá khứ hào quang?     

Anh Quân 

Hoàng Anh Quân
.
.
.