Đẹp trai, bán áo, số 9 và cái “dớp”

Thứ Tư, 26/07/2017, 08:09
Alvaro Morata đã đến với Chelsea sau những chờ đợi mòn mỏi của khán giả, xuất hiện tại Singapore ở trận đấu đầu tiên của Chelsea tại IC Cup.  Việc một tiền đạo, lựa chọn áo số 9 ở CLB mới như thể là điều “tất nhiên” trong thế giới bóng đá, nhưng ở Chelsea, có lẽ đa số cổ động viên lại không thích điều này.


70 triệu là mức giá Chelsea sẽ phải trả cho Real Madrid, nếu phong độ của cầu thủ này đáp ứng được yêu cầu chuyên môn ở CLB mới, khoản tiền trả trước của đội bóng thành London dành cho đối tác của mình là 58 triệu bảng Anh. Dù là con số nào trong hai “con số khổng lồ” kể trên, thì Morata vẫn trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử CLB, vượt qua Fernando Torres, người được Chelsea mang về từ Liverpool với cái giá 50 triệu bảng Anh.

Tiền lớn, tất nhiên kì vọng sẽ lớn, và mong muốn thu lợi từ Morata của Chelsea chẳng thể nhỏ bé trong khuôn khổ chuyên môn. Morata là cái tên sở hữu khuôn mặt đẹp trai đúng kiểu Madrid, là người đã từng khoác áo hai CLB khổng lồ của bóng đá thế giới là Juventus và Real Madrid, chưa kể anh lại đang là truyền nhân tuyệt vời dành cho Raul và Villa ở ĐTQG Tây Ban Nha.

Nói một cách thẳng thắn, Morata là một thương hiệu hút khách, chính vì lẽ đó, Chelsea đã phải chốt “hạ” việc mua bán với Real Madrid, ngay trước khi đến với Singapore, và cũng phải thông báo ngay với giới mộ điệu số áo dành cho cầu thủ này. Tất cả đều không bất ngờ, nhưng có vẻ cổ động viên Chelsea lại buồn, vì Morata khoác trên mình số áo “bị yểm” tại Stamford Bridge.

Kể từ khi Abramovich trở thành chủ tịch của CLB  thành London, ông đã không tiếc tiền để mang về đây những ngôi sao tấn công siêu hạng, nhất là ở vị trí tiền đạo. Chúng ta còn nhớ, ông chủ người Nga đã mang về cả đôi đang chơi cực hay ở PSV năm 2004, Robben và Kezman, và trao áo số 9 cho tay làm bàn số 1 giải Hà Lan mùa trước đó. Thế nhưng số phận ở Kezman thì ai yêu Chelsea đều nhớ, khổ sở và cay đắng. Anh trụ lại được một năm rồi rời đi, và biến mất trong sự lãng quên của người hâm mộ.

Morata và áo đấu số 9 tại Chelsea.

Rồi ngay cả một Hernan Crespo ở đẳng cấp thế giới mà ai cũng phải công nhận, với chiếc áo số 9 ở Chelsea cũng không thể là chính mình. Câu chuyện đó được tiếp diễn với Fernando Torres, người dù có đủ danh hiệu ở “đội bóng áo xanh” nhưng chưa một lần là chính mình tại Stamford Bridge. Sau sự thất bại khó hiểu đến từ số 9 “El Nino”, chỉ các hậu vệ như Boularouz hay tiền vệ như Sidwell thử mặc, họ thậm chí còn chẳng thể đá chính với số áo này.

Số 9 sau đó được truyền lại cho Di Santo và Falcao. Vâng có lẽ chẳng cổ động viên nào của Chelsea muốn nhớ về họ cả, những “bóng ma” tại London. Rồi số 9 treo từ khi Falcao bỏ lại, Diego Costa cũng chỉ dám mặc áo số “19”, và rồi bây giờ, chàng trai đầy khát vọng và dũng cảm Morata tới, mặc áo số 9 trong sự lo lắng của số đông người hâm mộ Chelsea. Họ đã mê tín quá chăng???

Trong lịch sử “bán áo” của những bản hợp đồng mới, những ngôi sao tấn công đắt giá và đẹp trai là những người đã mang về những nguồn lợi khổng lồ nhất cho Chelsea. Sheva khi đến Chelsea năm 2006 đã tạo ra một cơn sốt áo đấu không chỉ ở London mà kéo qua cả các nước Đông Âu.

Torres, với tấm áo số 9, giúp Chelsea tiêu thụ hơn 300.000 chiếc áo đấu ngay ở nửa mùa giải đầu tiên anh khoác áo CLB, và người ta dự đoán rằng, kiểu đẹp giai tài tử như Morata sẽ bán áo cực chạy những ngày sắp tới. Một tiết lộ đặc biệt khác của The Sun, đã có hàng trăm cổ động viên Chelsea đã đến với các hiệu làm tóc chạy dọc thành phố London, để yêu cầu cắt tóc giống Morata.

Với Morata lúc này, ngoài việc phải gánh lấy cảm giác của một “bọc tiền biết chạy”, anh còn phải vượt qua sức ép về con số “đen đủi” ở trên lưng. Morata cũng chẳng phải gã ngốc để không biết đã có gì xảy ra với số 9 ở Stamford, nhưng một khi đàn ông đã dũng cảm, thì chẳng phải lo sợ điều gì. 

Morata và cái duyên “Italia”

Morata đã thi đấu ở Juventus hai năm, có 2 Scudetto, và vô số danh hiệu ở nước Ý. Bị coi là phiên bản “Raul lỗi” sau khi rời Real Madrid lần một, nhưng Morata đã thay đổi điều đó với việc hồi sinh bản năng săn bàn đáng sợ đặc biệt được thể hiện ở đấu trường đỉnh cao Champions League. Chính điều đó đã giúp cho Morata được trở lại Real Madrid với mức giá cao hơn 10 triệu, so với việc Juventus từng phải bỏ ra để có anh từ chính Real, 30 trệu Euro.

Nước Ý không chỉ cứu Morata khỏi nghịch cảnh, nước Ý còn giúp Morata có được tình yêu ngọt ngào Alice Ampelo, một siêu mẫu gợi cảm của xứ sở mỳ ống. Cô được cho là đối tượng tác động đặc biệt tới việc Morata chọn London là điểm đến mới, vì Alice đang chuyển hướng tham gia các show thời trang ở thủ đô nước Anh.

Chưa hết, đến London, Morata đương nhiên được làm việc với HLV người Ý mà anh yêu mến, Conte, HLV mang quốc tịch Ý thứ 3 trong sự nghiệp của Alvaro.

Morata rời Real vì mang quốc tịch Tây Ban Nha

Rắc rối khiến Morata phải rời khỏi Real tới hai lần, hóa ra là... quốc tịch của anh. Morata sinh ra trong thời đại bóng đá Tây Ban Nha sớm thống trị châu Âu suốt nửa thập kỷ, và ám ảnh về những bậc đàn anh thuộc thế hệ vàng của Morata trong tâm trí cổ động viên là quá lớn. Ở Real, người ta chưa bao giờ quá tin yêu những cầu thủ bản địa.

Những tờ báo thể thao đầy quyền lực ở đây chưa từng ủng hộ chính sách "bài Tây Ban Nha" từ sân cỏ tới cabin huấn luyện của Real. Sự xuất hiện của tiền đạo hàng đầu xứ đấu bò dưới vai trò của một trợ thủ cho Benzema, dẫn dắt bởi một ông HLV người Pháp đã dẫn tới những cuộc tranh luận không điểm dừng.

AS và Marca tố Zidane là ưu ái người đồng hương Benzema nên mới cất Morata trên ghế dự bị. Chính vì thế, các tờ báo Tây Ban Nha luôn rình rập cảm xúc trên ghế dự bị của Morata từng giờ từng phút và đã đăng tin thật to khi Morata phát biểu chia tay CLB: “Tôi thề không trở lại Real một lần nữa”.

Anh Quân
.
.
.