Vì sao chỉ bóng đá mới có bầu chọn?

Thứ Hai, 16/04/2018, 08:39
Không chỉ bóng đá chuyên nghiệp, đến bóng đá phong trào ở Việt Nam cũng có những cuộc bầu chọn tôn vinh các cá nhân. Trong khi đó, nhiều môn thể thao khác được yêu thích tại Việt Nam lại chưa có một cuộc bầu chọn cho riêng mình dù không thiếu điều kiện để thực hiện.

Ngỡ ngàng với bóng đá “phủi”

Mới đây, danh sách 20 ứng cử viên của danh hiệu Quả bóng Vàng “phủi” 2017 – danh hiệu tôn vinh những cầu thủ bóng đá có phong độ tốt nhất trong năm của bóng đá phong trào chủ yếu ở các tỉnh thành phía Bắc, đã được công bố. Hẳn nhiên, làng bóng đá phong trào cũng hân hoan khi giải thưởng này tiếp tục được duy trì sau năm đầu tiên gây tiếng vang.

Đấy là sự tôn vinh cần thiết để bóng đá phong trào (hay còn gọi là bóng đá “phủi”) phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, tiếp tục phát triển. Nhờ đó, chính những cầu thủ phong trào có thêm động lực để khẳng định tài năng, cống hiến cho khán giả những mảng miếng sở trường của mình.

Nhưng để giải thưởng trên ra đời phải kể đến những cá nhân, những ông bầu đam mê bóng đá. Như doanh nghiệp đứng ra tổ chức giải thưởng trên cũng hoàn toàn vui vẻ khi nhận được lời đề nghị chịu trách nhiệm chính về khâu tài chính. Như ông bầu Trần Quốc Cường (ông chủ CLB Cường Quốc, Hà Nội), mỗi năm chi ra cả tỷ đồng để duy trì đội bóng.

Công việc kinh doanh của ông bầu này cũng không hẳn suôn sẻ trong mọi thời điểm nhưng cuối cùng vẫn không dứt được khỏi bóng đá. Đến lúc này, ông Trần Quốc Cường cũng là một trong những ông bầu có thâm niên lâu nhất trong làng bóng đá phong trào Hà Nội.

Không bị thúc ép, những người tham gia tổ chức hoàn toàn tự nguyện khi đặt ra giải thưởng. Đơn giản vì họ muốn những cầu thủ bóng đá phong trào, những ông bầu hay người điều hành các tổ chức bóng đá phong trào cũng được ghi nhận sự nỗ lực của mình. Cũng bởi bóng đá chuyên nghiệp đã có một sân chơi để tôn vinh những cầu thủ, HLV, nhà quản lý thông qua giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam thì bóng đá phong trào cũng xứng đáng có một “sân” để ghi nhận sự nỗ lực của những cầu thủ, những ông bầu và nhà quản lý đang hoạt động ở đó.

Bóng đá “phủi” cũng có giải thưởng bầu chọn riêng.

Điều đó lý giải tại sao bóng đá phong trào Hà Nội cũng như nhiều tỉnh phía Bắc có sức sống mạnh mẽ đến vậy. Những giải đấu liên tục được tổ chức trong đó nổi tiếng nhất vẫn là Giải Ngoại hạng “phủi” Hà Nội thường xuyên thu hút cả nghìn khán giả đến sân trong mỗi buổi thi đấu. Thậm chí số khán giả tại Giải Ngoại hạng phủi Hà Nội còn đông hơn nhiều trận đấu tại Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Các môn khác không thể ngoài cuộc

Trong khi đó, nhiều môn thể thao khác cũng đang phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh thành phía Bắc và đặc biệt là ở Hà Nội, lại chưa có một sân chơi để tôn vinh những cá nhân xuất sắc vào mỗi năm. Phong trào bóng bàn, quần vợt, cầu lông từ trước đến nay vẫn nổi tiếng là rầm rộ với nhiều câu lạc bộ, nhiều tay vợt giỏi với chất “dị” riêng, có thể thu hút đông đảo khán giả tới nhà thi đấu vào mỗi kỳ giải phong trào lớn. Trong khi đó, không thiếu nhà tài trợ trong làng bóng bàn, quần vợt, cầu lông phong trào – những người sẵn sàng bỏ vài chục đến cả trăm triệu đồng để tổ chức một giải đấu vui vẻ.

Thực tế, cũng chỉ với ngần đó tiền là có thể tổ chức được một cuộc bầu chọn. Nếu cuộc bầu chọn trên ra đời thì sẽ tạo thêm động lực phát triển cho những môn thể thao trên. Vấn đề là ai sẽ đứng lên tổ chức những cuộc bầu chọn như vậy?

Trong làng bóng bàn, cầu lông hay quần vợt phong trào, không đến nỗi không có doanh nghiệp, đơn vị sẵn sàng phối hợp, thậm chí tự tổ chức một cuộc bầu chọn như vậy. Bởi cũng như bóng đá, có nhiều người trong giới bóng bàn, quần vợt, cầu lông phong trào cũng muốn mang lại những điều tốt nhất cho những tay vợt đang nỗ lực cống hiến tài năng ở chính những sân chơi mà họ đang tham gia. Có lẽ, đến lúc này, rất cần đến vai trò của những liên đoàn thể thao.

Xa hơn, chính quần vợt, cầu lông cũng như bóng bàn đỉnh cao cũng nên có những cuộc bầu chọn cá nhân xuất sắc hàng năm. Chỉ riêng làng bóng bàn đỉnh cao Việt Nam cũng có đủ lý do để hình thành nên một cuộc bầu chọn nhằm tôn vinh, ghi nhận những cống hiến của các tay vợt, nhà quản lý, các cựu tay vợt. Chắc chắn, những người đang tham gia làng bóng bàn đỉnh cao Việt Nam sẽ đón nhận tích cực bởi điều này cũng phù hợp với nguyện vọng chung.

Những Nguyễn Anh Tú, Mai Hoàng Mỹ Trang nếu được tôn vinh như những VĐV bóng bàn xuất sắc nhất năm cũng là vinh dự. Rồi các HLV từng giúp bóng bàn Việt Nam tạo nên kỳ tích vô địch đồng đội nam tại SEA Games năm 2017 cũng như Nguyễn Nam Hải, Lê Đức Thọ cũng sẽ càng có động lực làm nghề hơn nếu được tôn vinh là HLV xuất sắc nhất năm.

Thực ra, từ cách đây 7-8 năm, nguyên Trưởng đoàn Bóng bàn Dầu khí Việt Nam Trương Thới Nhiệm từng đề cập đến cuộc bầu chọn cho các VĐV, HLV bóng bàn đỉnh cao Việt Nam. Nhưng rồi ý định vẫn chỉ là ý định, nhất là khi đội bóng bàn Dầu khí Việt Nam giải thể.

Trong khi đó, ở môn cầu lông, những Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo, hay trường hợp Lý Hoàng Nam ở quần vợt cũng sẽ càng tự hào nếu có một ngày được vinh danh là VĐV xuất sắc nhất năm của từng môn.

Cũng không muộn nếu có những động thái khởi động từ những người đam mê, có trách nhiệm với những môn trên để có những cuộc bầu chọn vinh danh cá nhân đầy ý nghĩa như bên bóng đá, nơi đã có cả cuộc bầu chọn cho giới cầu thủ chuyên nghiệp cũng như cầu thủ phong trào.

Minh Hà
.
.
.