Vì sao VFF chọn hợp tác với Wolfsburg?

Thứ Năm, 20/06/2019, 08:59
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký thỏa thuận hợp tác với Câu lạc bộ (CLB) VFL Wolfsburg (CHLB Đức). Đây là sự kiện mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới.


Theo đó, biên bản ghi nhớ của VFF với CLB Wolfsburg có thời hạn 2 năm từ 2019 - 2021 và có thể sẽ gia hạn khi hợp đồng kết thúc. Những nội dung quan trọng gồm có phối hợp tổ chức các trận thi đấu tập huấn và giao hữu bóng đá Đức tại Việt Nam; phát triển bóng đá trẻ chuyên nghiệp; hỗ trợ cử các chuyên gia bóng đá Đức về huấn luyện thể lực và thủ môn sang làm việc tại Việt Nam…

Đây được xem là một bản thoả thuận hợp tác hiếm hoi mà VFF chọn ký kết với một câu lạc bộ. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho chia sẻ rằng, trong những năm gần đây, hoạt động quan hệ quốc tế đang được VFF đẩy mạnh.

Vấn đề này không chỉ nhận được những hỗ trợ tích cực từ phía FIFA, AFC, AFC đối với các dự án phát triển, bóng đá Việt Nam còn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ rất lớn từ các nền bóng đá hàng đầu của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Iran… tạo ra những tiền đề thuận lợi cho công tác tập huấn của các đội tuyển quốc gia trước khi bước vào các giải đấu lớn.

VFF đã ký thỏa thuận hợp tác với CLB VFL Wolfsburg. Ảnh: VFF

Bản ghi nhớ hợp tác giữa VFF và CLB Vfl Wolfsburg có thể xem là một bước tiến mới mang tính bản lề, qua đó hi vọng sẽ mở ra cơ hội để bóng đá Việt Nam được hỗ trợ, học hỏi và chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp của châu Âu.

Thực tế, đã có rất nhiều đội bóng danh tiếng của Đức và một số quốc gia khác đã chủ động liên hệ hợp tác với VFF. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết không phải đối tác nào cũng có thiện ý hợp tác cùng phát triển, có những CLB vì mục đích quảng bá thương hiệu, tìm kiếm tài trợ là chính. Vì thế mà VFF cũng có sự chọn lọc và cân nhắc trong việc chọn đối tác để hợp tác.

Thực tế, nhìn vào các mối quan hệ “ruột” của VFF với quốc tế thì chủ yếu đến từ các Liên đoàn Bóng đá các quốc gia tại châu Á. Hiệu quả mà chúng ta thấy rõ chính là những chuyến tập huấn của các ĐTQG trước các giải lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian gần đây là một minh chứng rõ rệt nhất. Ngay như VFF cũng có được những nhà tài trợ đến từ Nhật Bản.

Ở nhiệm kỳ VII, VFF từng hướng đến việc hợp tác toàn diện với Nhật Bản, đưa bóng đá Việt Nam phát triển theo con đường của Nhật Bản. Bởi theo quan điểm của lãnh đạo nhiệm kỳ VII, Nhật Bản và Việt Nam cùng ở Châu Á, có nền văn hoá khá giống nhau nên có thể hoà nhập.

Nguyên Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng giải thích rằng, sự ưu việt và sức mạnh của người Nhật là ở tính kỷ luật, hệ thống, thận trọng nhưng chắc chắn, họ không tiến hành vội vàng nhưng đến một lúc nào đó, lượng sẽ đổi thành chất trên một nền tảng rất vững chắc. Nếu đi theo cách này, chúng ta sẽ xây nhà từ móng đến phần thân và cuối cùng đến phần mái.

Thời điểm đó, chúng ta thậm chí mời cả HLV người Nhật Bản là Miura đến dẫn dắt ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó sự hợp tác này đã không thể đi đến cái đích như lộ trình đã đề ra. Bởi  thực tế, để áp dụng mô hình của một nền bóng đá phát triển vào Việt Nam còn phụ thuộc đến nhiều yếu tố mang tính văn hoá đặc thù của từng đất nước. Bên cạnh đó chúng ta cần một sự đầu tư đồng bộ thay vì nhỏ giọt.

Bây giờ là một cuộc hợp tác nhiều hứa hẹn với CLB bóng đá đang thi đấu thi Bundesliga. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn giải thích về lý do chọn Wolfsburg rằng đây là CLB hàng đầu giải vô địch quốc gia Đức Bundesliga, được đánh giá cao cả về bóng đá nam, bóng đá nữ và đào tạo trẻ. Wolfsburg có cơ sở vật chất tốt cho tập huấn, tập luyện và kinh nghiệm trong huấn luyện cũng như trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đào tạo bóng đá. Thực tế thì đây là đối tác mà VFF đã có sự nghiên cứu và tính toán trước khi nhận lời ký kết.

Thế nhưng, để có được hiệu quả từ sự hợp tác này, có lẽ VFF cũng cần nhìn đến bài học từ chính các đội bóng V.League đã hợp tác với các đội bóng danh tiếng. Trong lịch sử, HAGL từng hợp tác với Arsenal, CLB Hà Nội hướng đến việc hợp tác với Man City (Anh), Viettel hợp tác với Dortmund (Đức), LĐBĐ TP Hồ Chí Minh hợp tác với Lyon (Pháp) hay mới nhất là việc Học viện Juventus được thành lập tại Bà Rịa –Vũng Tàu…

Trong số này chỉ mới có Hoàng Anh Gia Lai thành công khi kết hợp với Arsenal để thành lập Học viện Bóng đá và cho ra lò sản phẩm với những: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Toàn… Thế nhưng rồi cuộc hợp tác cũng đổ vỡ sau 10 năm. Và câu chuyện chuyển hướng đào tạo trẻ của HAGL cũng đang không có được những điểm sáng mới.

Hy vọng, VFF chọn Wolfsburg sẽ mở ra những cơ hội thiết thực cho bóng đá Việt Nam trong bối cảnh mà chúng ta đã có đủ bài học trong quan hệ quốc tế.                       

VFF không để thầy Park thiệt thòi

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải cho biết đến thời điểm hiện tại, cả VFF và HLV Park Hang-seo vẫn đang có được tiếng nói chung trong quá trình đàm phán hợp đồng.

Ông Hải cho biết: "Cho đến thời điểm này, cả VFF và Park Hang-seo đều có tiếng nói chung, chưa bên nào đổi ý kiến về việc gia hạn hợp đồng. Thế nên khả năng chúng ta tái ký hợp đồng với ông Park cao. Hợp đồng mới sẽ xứng đáng với công sức của HLV Park Hang-seo đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Tôi đã chỉ đạo các anh em ở VFF sớm bàn bạc, rà soát hợp đồng trong điều kiện mới hiện nay sao cho phù hợp. Cuối năm là thời điểm đội tuyển U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 30 và đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại World Cup 2022 nên phải làm sớm để HLV có thời gian tập trung cho công việc chuyên môn”.

Vấn đề gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo còn liên quan cả đến vấn đề tiền  lương. Thực tế, bầu Đức là người đã đứng ra trả lương với số tiền 20.000 USD hàng tháng cho HLV Park hang-seo. Tuy nhiên, đội ngũ trợ lý người Hàn Quốc theo chân ông Park sang Việt Nam cũng khiến VFF phải tiêu tốn khoản lớn. Ông Hải cho biết: “Tôi tin các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sẽ sát cánh cùng VFF, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lo liệu tài chính trả lương cho HLV Park Hang-seo. Ông Park sẽ không phải thiệt thòi và VFF cũng không quá sức”.

H.H
Hưng Hà
.
.
.