Vì sao Miura thất bại với Đội tuyển Việt Nam, còn Park Hang-seo lại thành công?

Chủ Nhật, 03/11/2019, 07:32
Họ là những HLV đến từ 2 nền bóng đá hàng đầu châu lục, với triết lý không có quá nhiều điểm khác biệt. Tuy vậy, kết quả cuối cùng lại hoàn toàn tương phản: Miura không đạt được thành tựu nào đáng kể, còn Park Hang-seo lại mang về những chiến công vang dội cho bóng đá Việt Nam.


Những lời khó nghe thành kim chỉ nam

Giữa tháng 12-2014, chưa đầy 2 tuần sau thất bại của Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) tại AFF Cup, HLV Toshiya Miura trở thành tâm điểm hứng chịu chỉ trích. Đó là thời điểm báo chí Việt Nam khám phá ra một bài phỏng vấn ông Miura tại Nhật Bản. Ở quê nhà, ông thầy người Nhật đã chia sẻ thẳng thắn những điều chắc chắn ông chẳng bao giờ nói ra khi làm việc tại Việt Nam.

Đầu tiên, HLV Miura nói mọi nền bóng đá đều phải hướng đến mục tiêu vươn tầm thế giới. Ở vị trí của Việt Nam, ĐTQG cần phấn đấu tham dự World Cup, Olympic hay chí ít cũng là những giải đấu lớn 4 năm 1 lần như Asian Cup. Dù vậy, bóng đá Việt Nam lại chỉ nghĩ đến thành tích ở đấu trường khu vực như AFF Cup và SEA Games, nên nhiều năm liền không có thành tích đáng kể ở tầm quốc tế.

Không chỉ có vậy, ông thầy người Nhật còn chỉ ra rất nhiều vấn đề ở bóng đá Việt Nam mà chưa ai nghĩ tới. Thứ nhất là việc sắp xếp lịch thi đấu, khi BTC bắt các cầu thủ phải ra sân giữa trời chiều nắng gắt. Thứ hai, ông nói cầu thủ Việt Nam không có ý thức chiến thuật. Họ biết đồng đội bị việt vị nhưng vẫn chuyền bóng, và xử lý bóng rườm rà.

Có lẽ ở thời điểm trả lời phỏng vấn, chính HLV Miura cũng không nghĩ những nhận xét của ông về bóng đá Việt Nam sẽ gây ra nhiều phản ứng trái chiều như thế. Ông bị gắn mác "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng". Từ đó, mọi trận thua của HLV Miura khi dẫn dắt ĐTVN đều bị chỉ trích thậm tệ, dù sự thật là những đối thủ đánh bại chúng ta khi đó đều rất mạnh.

HLV Miura từng bị chỉ trích vì “bắt bệnh” bóng đá Việt Nam.

Miura bị sa thải khi hợp đồng chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc. Người kế nhiệm Hữu Thắng cam kết xóa bỏ những tàn dư từ thời Miura, xây dựng "lối đá ngắn, ban bật nhỏ". Tuy nhiên những gì Hữu Thắng làm được chẳng khá hơn Miura, nên ông cũng sớm phải ra đi. Đến lúc này, những nhận xét năm xưa của HLV Miura mới được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

Phần lớn cầu thủ Việt Nam không đá kỹ thuật như mọi người thường nghĩ. Trong bóng đá hiện đại, kỹ thuật là đỡ bóng dính chân, chuyền và sút bóng chuẩn xác, ít chạm; chứ không phải ham rê dắt và đột phá. Vì thế, ĐTQG cần có một ông thầy ngoại với phương pháp huấn luyện và chiến thuật khoa học. Đó là nguyên nhân HLV Park Hang-seo được đưa về.

Về cấp độ CLB, BTV V.League cũng dần đẩy giờ tổ chức các trận đấu muộn hơn trước đây. Khung giờ 18h, 19h dần có nhiều trận đấu diễn ra hơn để đảm bảo chất lượng chuyên môn. Các đội bóng cũng chú trọng hơn đến khâu rèn thể lực nhằm giúp cầu thủ có thể thi đấu suốt 90 phút. Chất lượng giải đấu được nâng cao, qua đó mặt bằng chung cầu thủ dần tăng lên.

Bây giờ, bóng đá Việt Nam đã bắt đầu gây tiếng vang ở cấp CLB và ĐTQG. VFF cũng nghiêm túc đặt mục tiêu vươn tầm thế giới, có mặt ở sân chơi World Cup đúng như Miura từng nói. Những lời chê trách khó nghe từ ông thấy người Nhật đã trở thành kim chỉ nam giúp Việt Nam phát triển môn thể thao vua.

Vì sao Miura thất bại?

Là người đưa ra những phát kiến giúp bóng đá Việt Nam thành công, nhưng bản thân HLV Miura lại không thể thành công ở dải đất hình chữ S. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của ông Miura, nhưng chủ yếu xuất phát từ 3 nhân tố chính: con người, lộ trình và hình ảnh.

HLV Miura chưa bao giờ có những cầu thủ xuất sắc nhất phục vụ triết lý bóng đá năng nổ, mạnh mẽ của ông. Trước thềm AFF Cup 2014, 2 trụ cột Minh Châu và Trọng Hoàng chấn thương. Lỗ hổng ở hàng thủ cũng trở thành điểm yếu thường xuyên bị khai thác. Phước Tứ, Văn Biển đã lớn tuổi, trong khi Tiến Thành, Quế Ngọc Hải lại chưa đủ cứng cáp. Hàng thủ chắp vá đó khiến Việt Nam thua tan tác 2-4 trước Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup.

Không chỉ có vậy, Miura quá nôn nóng khắc phục điểm yếu của bóng đá Việt Nam đến mức đốt cháy giai đoạn. Điều này thể hiện rõ nhất trong thời gian HLV Miura dẫn dắt CLB TP Hồ Chí Minh sau này. Ông muốn ĐTVN có thêm tiền đạo tốt bằng cách sử dụng 2 nội binh trên hàng công, nhưng điều này khiến thành tích đội bóng sa sút nghiêm trọng. Ông chú trọng thể lực, nhưng cường độ tập luyện lớn khiến hàng loạt cầu thủ gặp chấn thương.

Ngoài ra, việc không để ý đến hình ảnh cá nhân là một vấn đề khác của HLV Miura. Hiếm khi nào mọi người nhìn thấy ông nở nụ cười. Nói như người Việt Nam thì HLV Miura là người tốt và tử tế, nhưng không khôn khéo trong ứng xử. Những cầu thủ từng làm việc cùng Miura nói ông vô cùng thân thiện, dễ mến, được tất cả mọi người quý trọng; nhưng ông lại chưa bao giờ thể hiện điều đó trước truyền thông.

So với HLV Miura, HLV Park Hang-seo tỏ ra lão luyện hơn rất nhiều. Hình ảnh nụ cười hiền từ của thầy Park đã ăn sâu vào tâm trí hàng triệu người hâm mộ. Ông cũng được kế thừa một lứa cầu thủ tốt hơn rất nhiều, với nòng cốt là những hảo thủ từng chinh chiến ở U20 thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả, HLV Park Hang-seo chỉ công khai nhận xét tiêu cực về bóng đá Việt Nam khi ông đã thành công.

Kỷ niệm và tấm gương Miura

Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, HLV Miura có một phương pháp độc nhất để yêu cầu các cầu thủ rèn luyện thể lực. Thay vì hô hào, o ép học trò, ông tự lấy bản thân mình làm gương. Mỗi buổi sáng ông đều dậy sớm chạy 10km. Đến giờ tập chạy của đội tuyển, ông cũng chạy cùng họ.

Thể lực bền bỉ của HLV Miura tuyệt vời tới mức đội trưởng Phước Tứ thừa nhận người dai sức nhất ĐTVN là HLV trưởng. HLV Miura từng chia sẻ: "Các bạn đừng nghĩ rèn thể lực không tăng cường kỹ thuật. Cầu thủ không dẻo dai thì không thể chạy suốt 90 phút, cũng không chuyền bóng, sút bóng chính xác được đâu. Còn tôi, tôi chạy vì muốn làm gương cho cầu thủ noi theo, và cũng là để đảm bảo sức khỏe của mình nữa".

Không chỉ nghiêm túc với công việc, HLV Miura cũng rất tình cảm với các cầu thủ. Lúc gia đình tuyển thủ Tiến Thành có tang ngay trước AFF Cup, ông đặc cách cho anh 1 ngày về thăm nhà. Sau này khi biết tin Quế Ngọc Hải làm đám cưới, ông còn đích thân viết thư tay chúc mừng.

Cẩm Chi
.
.
.