Vé cuối, vé “vàng”

Thứ Hai, 16/12/2019, 08:25
SEA Games 30 đánh dấu việc hàng loạt vận động viên (VĐV) giành Huy chương Vàng (HCV) nhờ đoạt tấm vé bổ sung vào danh sách Đoàn thể thao Việt Nam. Đương nhiên, không tự nhiên họ có tên trong danh sách tham dự. Tất cả bắt nguồn từ một quy trình tuyển chọn khoa học và những quyết định quyết đoán của nhà quản lý.


6 vé chót, 4 HCV cho điền kinh Việt Nam

Đội tuyển điền kinh tiếp tục là điểm sáng của Thể thao Việt Nam với việc giành 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ để lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu SEA Games. Trong thành tích ấy, có đóng góp không nhỏ của những VĐV được bổ sung vào danh sách đội tuyển chỉ 2 tháng trước SEA Games 30.

Nguồn cơn dẫn đến bổ sung này bắt đầu từ thay đổi mang tính bước ngoặt trong tuyển chọn VĐV dự những giải hay Đại hội thể thao quốc tế của điền kinh Việt Nam. Theo đó, 3 tháng trước SEA Games 30 sẽ diễn ra Giải điền kinh vô địch quốc gia.

Đây được xem là nơi sàng lọc VĐV tham dự SEA Games 30. 2 VĐV đứng đầu mỗi nội dung đương nhiên có suất tham dự SEA Games 30.  Trong khi đó, những VĐV ngoài nhóm này, kể cả trước đó đã tập trung cùng đội tuyển quốc gia từ đầu năm 2019 cũng phải làm khán giả ở SEA Games 30.

Đấy là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam quyết định tuyển chọn đội tuyển quốc gia dự SEA Games theo hướng này. Đương nhiên, đã nảy ra tranh luận về quyết định này. Có lần, phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy chia sẻ rằng cũng gặp không ít áp lực, phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, nếu cách tuyển chọn  trên tỏ rõ sự ưu việt thì phải thực hiện một cách nhất quán, không thể “đẽo cày giữa đường”.

Đinh Thị Bích lên ngôi vô địch nội dung 800m nữ ở SEA Games 30.

Bộ môn đã thông báo về cách tuyển chọn này từ đầu năm nên không lý gì lại thay đổi. Cũng vì vậy, sau Giải điền kinh vô địch quốc gia-2019, một số VĐV từng tập trung ở đội tuyển quốc gia, từng giành HCV SEA Games đã không thể có vé dự SEA Games 30 vì không vào nhóm 2 VĐV dẫn đầu của nội dung thi đấu mà họ tham dự.

Trong khi đó, có tới 6 cái tên chưa từng góp mặt ở đội tuyển điền kinh quốc gia từ đầu năm 2019 cho đến khi diễn ra Giải điền kinh vô địch quốc gia – 2019 lại được bổ sung vào giờ chót trong đó có Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào), Phạm Thị Thu Trang (đi bộ), Đinh Thị Bích (800m), Vũ Thị Mộng Mơ (nhảy xa), Hà Thị Thu (100m), Phan Thanh Bình (ném đẩy).

Cuối cùng, nhà vô địch SEA Games 28 và 29 Nguyễn Thị Huyền đã xuất sắc giành cả 2 HCV ở 2 nội dung tham dự là 400m và 400m rào. Còn Phạm Thị Thu Trang lên ngôi vô địch ở nội dung đi bộ 10km. Trong khi đó, Đinh Thị Bích – cô gái từng phải rời khỏi đội tuyển quốc gia vì mắc bệnh liên quan đến dạ dày kéo dài lại bất ngờ giành HCV nội dung 800m nữ trước ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch là Khuất Phương Anh.

Riêng Hà Thị Thu giành HCĐ nội dung tiếp sức 4x100m nữ, còn Vũ Thị Mông Mơ giành HCĐ nội dung nhảy xa. Chỉ có Phan Thanh Bình không thể giành huy chương trước sự vượt trội của các VĐV Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, qua đó để thấy các nội dung ném đẩy nam của điền kinh Việt Nam vẫn chưa đủ tranh chấp ngôi vô địch ở SEA Games.

Trong số những VĐV trên, chỉ có Nguyễn Thị Huyền là gương mặt quen thuộc tại SEA Games. Việc trở lại đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 30 của Nguyễn Thị Huyền đã được dự báo, kể cả khi áp dụng phương pháp tuyển chọn trước đây là dựa vào quá trình thi đấu trong thời gian dài và phần nào là cảm tính từ Ban huấn luyện.

Trong khi ấy, Phạm Thị Thu Trang, Đinh Thị Bích, Vũ Thị Mộng Mơ đều lần đầu tham dự SEA Games. Nếu không có quyết định mang tính bước ngoặt về công tác tuyển chọn VĐV dự SEA Games kia thì có lẽ, họ đã phải ở nhà với lập luận, “phong độ chỉ là nhất thời” từ phía nhà tuyển chọn.

Không ngẫu nhiên khi sau SEA Games 30, những nhà quản lý đã xác định sẽ tiếp tục áp dụng cách tuyển chọn trên. Cách tuyển chọn ấy minh bạch, rõ ràng lại ở một môn dễ định lượng như điền kinh nên càng dễ đo hiệu quả.

Lối đánh quan trọng hơn vị trí ở giải quốc gia

Trường hợp đô vật Nguyễn Văn Công tham dự SEA Games 30 cũng khá ly kỳ. Đô vật này chỉ xếp thứ hai tại sân chơi toàn quốc ở hạng cân của mình và nếu cứ tính theo thứ hạng quốc gia thì khó có suất tham dự SEA Games 30.

Đối với vật Việt Nam, SEA Games vẫn là đấu trường quan trọng nhất vì đó là sân chơi vừa sức. Ở đó, nhiều đô vật Việt Nam có thể dễ lên ngôi vô địch. Trong khi đó, sân chơi châu Á lại quá tầm với họ. Vì vậy, mỗi suất tham dự SEA Games là cơ hội cực kỳ lớn lao với các đô vật.

Trước đây, không ít lần môn vật dậy sóng vì những thắc mắc của một số đô vật do không được dự SEA Games. Người trong nghề đều hiểu, nếu là ASIAD hay giải vô địch châu Á thì chưa chắc đã có phản ứng mạnh đến vậy khi đô vật không có suất tham dự. Còn SEA Games lại là câu chuyện khác.

Tuy nhiên, như Phó Chủ tịch Liên đoàn vật Việt Nam Đới Đăng Hỷ từng có lần chia sẻ, việc xác định thắng thua ở môn vật lại vẫn có yếu tố cảm tính, phụ thuộc quyết định của trọng tài chứ không như điền kinh. Điều này tác động đáng kể đến cách tuyển chọn VĐV. SEA Games là đấu trường mà các đô vật Việt Nam thường chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, nếu trọng tài bắt lỏng tay hoặc có ý nương nhẹ đô vật đối phương thì các đô vật Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Muốn thắng, phải áp đảo từ đầu đến cuối hoặc tốt nhất là thắng tuyệt đối. Vì thế cần ưu tiên chọn các đô vật có phong cách tấn công, áp đặt đối thủ trong cả trận đấu thay vì các đô vật chọn lối đánh phòng ngự - phản công.

Cũng vì thế, một đô vật có phong cách tấn công như Nguyễn Văn Công mới được chọn tham dự SEA Games 30 thay vì đô vật đứng đầu quốc gia nhưng lại có phong cách phòng ngự - phản công. Và anh đã chứng tỏ quyết định của những nhà tuyển chọn là chính xác khi lên ngôi vô địch với chiến thắng kịch tính 10-8 với phong cách tấn công ào ạt của mình trước đô vật chủ nhà Philippines Lobreguito Alvin. Nếu là đô vật thiên về phòng ngự - phản công, không chắc cơ sự sẽ thế nào.

Rõ ràng, mỗi môn có một đặc thù và cần những quyết sách đúng đắn, phù hợp. Những câu chuyện ở môn điền kinh và vật, 2 môn thể thao mang về nhiều HCV nhất (38 HCV) cho Đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 30 là ví dụ rõ nhất. Quan trọng vẫn là quyết định đó đều vì thành tích chung của thể thao Việt Nam. Nhờ đó góp phần tạo nên thành tích vô cùng ấn tượng của thể thao Việt Nam với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ tại một kỳ SEA Games từng được dự báo là khó nhất, gai góc nhất cho các tuyển thủ Việt Nam.

Minh Hà
.
.
.