Vấn đề của bóng đá Việt Nam sau trận thắng Australia: Khoa học hay kĩ thuật?

Thứ Ba, 16/01/2018, 09:13
Có nhiều góc nhìn khác nhau về chiến thắng vang dội của U.23 Việt Nam trước U.23 Australia tại VCK U.23 châu Á, nhưng dù khác đến thế nào thì tất cả đều thống nhất ở một điểm: chúng ta đã tổ chức lối chơi khoa học.

Trước trận đấu, ông Park Hang Seo đã nói đi nói lại với các học trò về một thứ bóng đá phòng ngự phản công với xuất phát điểm là một hệ thống an toàn trước "tử cấm thành". Và thực tế là suốt 90 phút bóng lăn, hệ thống phòng ngự được giữ cự ly cực tốt. 

Hệ thống ấy thường xuyên được duy trì theo mô hình 5-2-3, và nhiệm vụ đánh phá đối phương được giao cho cả hàng 1, hàng 2 lẫn hàng 3. Tất nhiên tùy mục đích mà nhiệm vụ của mỗi hàng khác nhau, ví dụ như hàng 1 - hàng tiền đạo, yêu cầu số một là phải lùi về tranh chấp, làm giảm tốc độ phát động tấn công của đối thủ một cách tốt nhất có thể, còn hàng 3 - hàng hậu vệ phải bọc lót cho nhau, thi đấu lăn xả, quyế liệt, và có những thời điểm thậm chí chỉ cần phá bóng xa khung thành. 

Ngay cả những miếng phản công cũng được tính toán rất kỹ: lúc thì quả bóng được phất thẳng từ hàng 3 lên hàng 1 cho tiền đạo lẻn xuống, lúc lại đánh biên chớp nhoáng rồi trả ngược vào trong cho tuyến hai dứt điểm. Không chỉ trong trận đấu với Australia, khi gặp U.23 Hàn Quốc trước đó, chúng ta cũng chơi một cách chặt chẽ, khoa học y như thế.

HLV Park Hang Seo bước đầu thành công với một lối chơi đầy kỷ luật. 

Để có thể duy trì lối chơi này trong suốt 90 phút đòi hỏi 2 yếu tố: thứ nhất là sự tập trung, thứ hai là thể lực. Ở trận đấu đầu tiên với người Hàn, có những khoảnh khắc thiếu tập trung nhất định, và đấy là lý do chúng ta phải vào lưới nhặt bóng tới 2 lần. Bản thân HLV Park Hang Seo sau đó cũng phát biểu rằng nếu tự tin hơn, tập trung hơn, toàn đội có thể chơi tốt hơn. 

Không biết có phải vì thế không mà đến trận gặp Australia, ông Park đã ra sát đường piste, hò hét chỉ đạo trong từng pha di chuyển. Rất nhiều lần ông lấy hai ngón tay chỉ vào hai bên thái dương của mình như muốn nói: cần tập trung, tập trung hơn nữa! 

Thật ra cũng vẫn có một vài khoảnh khắc chúng ta để cầu thủ tấn công Australia lọt xuống, dứt điểm nguy hiểm, nhưng đấy là xác suất nguy hiểm có thể chấp nhận được, bởi bóng đá cũng như cuộc sống, không thể đòi hỏi mọi tính toán phải được vận dụng một cách hoàn hảo, tuyệt đối.

Ở phương diện thứ hai - thể lực, phải thừa nhận U.23 Việt Nam dưới thời ông Park đã có một bước tiến đáng kể. Ở những phút cuối cùng trận gặp Hàn Quốc, trong khi một vài cầu thủ Hàn nằm sân vì chuột rút thì cầu thủ Việt Nam vẫn có thể duy trì trạng thái thể lực ổn định. 

Và trong khoảng 15 phút cuối trận đấu với Australia cũng thế, "điểm chết" thể lực đã không xuất hiện như những gì người ta lo ngại. Tất nhiên vẫn phải chờ trận đấu cuối cùng với Syria vào ngày 17 tháng 1 tới đây để xem sau 2 trận vắt sức ra đá, cái nền thể lực thực sự của chúng ta rồi sẽ được thể hiện như thế nào, nhưng ở thời điểm này có thể khẳng định một cách tương đối rằng, cái hệ thống mà HLV Park Hang Seo xây dựng đảm bảo rõ ba yếu tố "thể lực - sự tập trung - và lối chơi chặt chẽ".

Trước đây, khi bóng đá Việt Nam trình làng lứa U.19 của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...và đá theo kiểu "thêu hoa dệt gấm" thì nhiều người cho rằng đấy sẽ là lối chơi bản sắc của chúng ta trong tương lai. Nhưng càng lớn lên, lứa cầu thủ này càng thất bại với thứ bóng đá kĩ thuật đặc sệt ấy. 

Bây giờ, dưới tay một HLV Hàn Quốc, U.23 Việt Nam lại bước đầu thành công với một lối chơi khoa học, chặt chẽ. Và trước đó, U.20 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng vào đến vòng chung kết World Cup U.20 thế giới bằng một lối chơi như vậy.

Vấn đề đáng đặt ra lúc này không chỉ là chuyện thắng - thua của U.23 Việt Nam, mà là những nhà hoạch định chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam cần có những mổ xẻ thấu đáo, để trả lời xem rốt cuộc chúng ta cần và nên xây dựng một lối chơi như thế nào.

Ai cũng bảo cầu thủ Việt Nam giỏi kĩ thuật nhưng những thành công lớn gần đây lại không đến từ màu sắc kĩ thuật mà lại đến từ những vận động  mang tính chặt chẽ và khoa học.

Sự khác biệt giữa Miura và Park

Sau khi U.23 Việt Nam đá ấn tượng trước U.23 Hàn Quốc (chỉ thua sát nút 1-2) và gây sốc với chiến thắng trước Australia (1-0) bằng một lối chơi khoa học, nhiều người chợt nhớ lại cựu HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia và U.23 Quốc gia Toshiya Miura. Thời đó, ông thầy Nhật Bản cũng lấy tính khoa học làm nền tảng cho lối chơi của Đội tuyển, nhưng đã thất bại và phải ra đi trước thời hạn. Thế nên có người hỏi: cùng một triết lý, tại sao ông Miura thất bại, còn ông Park bước đầu thành công?

Thực ra dù vẫn cùng một cái mẫu số triết lý ấy nhưng cách sử dụng của hai HLV này có nhiều khác biệt. Nếu Miura luôn ưu tiên một số lượng "công nhân" áp đảo thì với Park, những "công nhân" đá bóng được đan cài hợp lý với những cầu thủ có khả năng kĩ thuật, giàu đột biến.

Ngọc Anh

Hoàng Anh
.
.
.