Đội tuyển U.19 Việt Nam:

Từ trận thua Nhật Bản, nghĩ về World Cup

Thứ Bảy, 29/10/2016, 07:00
Xuất sắc lọt vào bán kết và trở thành một trong bốn đội tuyển (ĐT) U.19 châu Á đi dự vòng chung kết (VCK) U.20 thế giới vào năm sau tại Hàn Quốc, các cầu thủ U.19 Việt Nam tự nhủ sẽ chơi bóng thoải mái, với tinh thần không có gì để mất trước U.19 Nhật Bản. 


Nhưng thực tế 90 phút bán kết cho thấy chúng ta đã không thể thoải mái như mình muốn.

Đấy là 90 phút mà các cầu thủ của chúng ta không thực hiện nổi một cú sút trúng đích nào về phía khung thành Nhật Bản. Và đấy cũng là 90 phút mà thủ thành Nhật Bản chẳng khác gì một khán giả bất đắc dĩ, cứ phải đứng trước gôn, xem các đồng đội của mình đá nửa sân.

Có một sự thật phát sốc là người Nhật thay đổi tới 10 vị trí so với đội hình thi đấu của mình ở những vòng đấu trước, và dù HLV trưởng Nhật Bản giải thích "thay người ồ ạt nhưng chúng tôi vẫn giữ đúng lối đá của mình" thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận, có vẻ trong suy nghĩ của mình người Nhật không quá coi trọng Việt Nam, bất chấp việc Việt Nam đang trở thành hiện tượng tại giải đấu này.

Cầu thủ U.19 Việt Nam (trái) thua sút toàn diện so với U.19 Nhật Bản.

Hai năm về trước, U.19 Nhật Bản từng 3 lần thắng dễ lứa U.19 Việt Nam của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, trong đó có chiến thắng 7-0 ngay trên sân Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh).

Hai năm sau, U.19 Nhật dùng một đội hình bị xới tung (mà thực chất là chủ động xới tung) vẫn có thể dễ dàng cầm bóng, điều bóng, và buộc các cầu thủ Việt Nam phải chạy theo quả bóng một cách tội nghiệp.

Bên ngoài đường piste, HLV Hoàng Anh Tuấn có lúc bực bội với một U.19 Việt Nam không giống như các trận đấu từ vòng bảng đến vòng tứ kết, với bằng chứng điển hình là có lúc đã ném văng trái bóng khỏi tay mình, rồi hét dữ dội vào trong.

Nhưng có lẽ ông cũng hiểu trước một đối phương vượt trội về mọi mặt thì sự cố gắng về tinh thần không thôi là chưa đủ. Mà ngay cả ở khía cạnh tinh thần, cũng phải thấy là sau 2 bàn thua chóng vánh ở đầu hiệp 1, các cầu thủ cũng không còn giữ được chất thép như đã từng thép ở trận đấu với chủ nhà Bahrain vài ngày trước.

Bàn thua thứ ba đến từ một cú phá bóng, bật thẳng chân tiền đạo đối phương bay vào lưới nói lên tất cả. Nó nói rằng, các cầu thủ của chúng ta "cóng" thật sự trước một đối phương vừa hơn hẳn mình trong khả năng tranh chấp tay đôi, vừa có nhiều bài, nhiều miếng cực kỳ phong phú.

Không ai trách các cầu thủ với một trận thua 0-3, vì những gì họ làm được trước đó đã là quá đẹp. Cũng không ai quá buồn với một trận thua như vậy, vì ngay từ trước lúc bóng lăn tất cả đều hiểu U.19 Nhật Bản là một ngọn núi cao, khác hẳn U.19 Bahrain, U.19 CHDCND Triều Tiên hay UAE..., và khả năng vượt núi với chúng ta là quá thấp.

Vấn đề đặt ra từ trận thua này là: năm tới, khi tham dự VCK World Cup U.20 thế giới, gặp toàn đối thủ như Nhật Bản và thậm chí mạnh hơn Nhật Bản, chúng ta rồi sẽ chống chọi thế nào?

Năm ngoái, U.20 Myanmar từng thua cả 3/3 trận tại VCK U.20 thế giới, và năm 1979, U.20 Indonesia cũng từng chịu chung số phận. Và sau một VCK thua toàn diện như thế, bóng đá Myanmar lẫn Indonesia cũng đều chưa cho thấy dấu hiệu phất lên.

Thành thử được đi World Cup là một niềm vui, một hạnh phúc, nhưng phải làm gì để có thể đá World Cup với tất cả sức mạnh, tất cả danh dự, tất cả sự tự tin của mình, đấy thực sự đang là một câu hỏi khó với HLV Hoàng Anh Tuấn!

Thưởng tiền - nên chăng?

Sau khi kết thúc hành trình tại VCK U.19 châu Á năm nay, ĐT U.19 Việt Nam sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) vào lúc 13h25 ngày 31 tháng 10. Liên đoàn bóng đá Việt Nam đang lên kế hoạch đón tiếp và sau đó mừng công ĐT U.19 tại khách sạn Đệ Nhất. Nhiều khả năng trong lễ mừng công này, lãnh đạo Liên đoàn sẽ công bố khoản thưởng lên tới 1 tỷ đồng cho các cầu thủ. Điều này gợi nhớ lại những chia sẻ của ông bầu Đoàn Nguyên Đức về cách quản lý các cầu thủ U.19 hai năm về trước, rằng với các cầu thủ trẻ, ông tuyệt đối không thưởng tiền. Ông nhấn đi nhấn lại rằng với các cầu thủ trẻ, tiền bạc có thể làm họ hư hỏng, và thực tế bóng đá Việt Nam cũng từng có không ít cầu thủ trẻ sau khi nổi tiếng, sống trong biển tiền đã trượt dốc không phanh. (Ngọc Anh)


Diệp Xưa
.
.
.