Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5-2016 (ABG5):

Tiết kiệm nhưng phải... hoành tráng

Thứ Năm, 17/03/2016, 19:33
Tiết kiệm nhưng phải... hoành tráng là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, trưởng ban chỉ đạo tổ chức ABG5 – ông Hoàng Tuấn Anh tại cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức ABG5 mới đây. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên đang hiển hiện là kinh phí tổ chức ABG5 vẫn chưa được phê duyệt


Giảm thiểu kinh phí?

Ban tổ chức ABG5 đã công bố những nhà tài trợ chính thức đầu tiên của đại hội lần này trong ngày 16-3 mới đây. Hai nhà tài trợ gồm một nhà sản xuất dụng cụ thể thao Thái Lan (tài trợ gần 1 triệu USD) và công ty bảo hiểm Bảo Việt (gói tài trợ 500 triệu đồng). Họ là những nhà tài trợ mới nhất để ban tổ chức ABG5 kỳ vọng có thêm những mạnh thường quân hơn nữa. Dù vậy, thực tế vẫn phải có kinh phí tổ chức thì một Đại hội thể thao mới thực hiện được. 

Dự toán chi phí tổ chức ABG5 được trình là 467 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, dù dự toán trên trình tới Bộ Tài chính để qua đó Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, con số đang được cân nhắc phải giảm thiểu chỉ còn 212 tỉ đồng. Giảm thiểu chi phí chắc chắn được các bên liên quan dựa trên tình hình thực tế nền kinh tế, ngân quỹ có hạn. Tuy nhiên, đặt câu hỏi nếu muốn hoành trang nhưng tiết kiệm như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu mà tiền chỉ có giới hạn thì khó thực hiện được.

Thời điểm tổ chức ABG5 vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 sắp tới. Nghĩa là, ban tổ chức chủ nhà Việt Nam chỉ còn 6 tháng để hoàn tất cả công tác chuẩn bị từ nơi ăn, ở, địa điểm thi đấu, công tác truyền thông. Theo tìm hiểu, ban tổ chức khẳng định do thi đấu trên cát nên các khán đài, cơ sở vật chất sẽ chủ yếu là lắp ghép cho cơ động chứ không xây dựng cố định. Về điều này, các quốc gia từng tổ chức ABG đều đã làm như vậy. 

Thế nhưng, trong sự chuẩn bị của chủ nhà Đà Nẵng thì ABG5 cần thời gian vận hành thử nghiệm và tổ chức một số giải thể thao tiền ABG5. Cơ sở vật chất chưa đảm bảo hoặc chi phí chưa rót về nên kế hoạch diễn ra như thế nào vẫn phải chờ.

Trước mắt, đúng theo tiêu chí của ban tổ chức, tiểu ban vận động tài trợ phải nỗ lực tìm thêm nhà tài trợ đặc biệt là có chi phí tài trợ bằng tiền mặt. Mục tiêu tìm nguồn lực xã hội hóa mà tiểu ban trên đặt ra là phấn đấu có 25 tỉ đồng. Con số khoản 1000 người tới từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á góp mặt thì chi phí của chủ nhà sẽ không nhỏ. Tuy vậy, quyết sách cuối cùng vẫn chưa thông báo nên tất cả đều chờ.

Làm Đại hội sẽ áp lực

Chúng ta đã tổ chức hai Đại hội thể thao tầm cỡ trước kia là SEA Games 22-2003 và Đại hội thể thao châu Á 3-2009. ABG5 lần này là Đại hội lần thức ba ta làm chủ nhà giải đấu cấp châu Á. Tới đây, có thể Việt Nam còn là chủ nhà SEA Games 2021. Như vậy, ít nhất, chủ nhà Việt Nam phải thể hiện mình là quốc gia có năng lực tổ chức. Cơ hội tổ chức ASIAD 2018 tầm cỡ châu lục đã suýt thành hiện thực nhưng vì khó khăn kinh tế nói chung, chúng ta đã rút lui với Hội đồng thể thao châu Á (OCA). Vì thế, lần làm ABG5 này, vai trò chủ nhà của Việt Nam không thể mất điểm trước OCA. Thực tế, các môn thể thao bãi biển chưa bao giờ được chú ý nhiều mà nó mang tính chất giao hữu giữa các quốc gia là chính.

Ban tổ chức ABG5 vẫn phải nỗ lực tìm tài trợ. Tác giả: Ngọc Hải

Mấu chốt không đơn thuần chỉ thúc đẩy về mặt thể thao. ABG5 tổ chức ra, ngành du lịch thêm cơ hội thu hút khách du lịch và quảng bá tiềm năng, địa danh du lịch của chúng ta. Từ thể thao, du lịch có được nguồn thu lớn thì đó là thành công. Thành công của một Đại hội thể thao phụ thuộc nhiều yếu tố, không đơn thuần ở kết quả thi đấu. Nhưng một điều rất cụ thể là tổ chức sẽ chịu áp lực, tránh sai sót.

Vĩnh biệt nhạc sĩ của "Đường đến ngày vinh quang"

Cái tin nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập (ban nhạc rock Bức Tường) qua đời khiến nhiều người trong giới nghệ thuật hụt hẫng. Với những người làm thể thao, sự ra đi anh Trần Lập (chúng tôi xin phép gọi “anh” thân mật như vậy) là sự tiếc nuối. 

SEA Games 22-2003 lần đầu tổ chức tại Việt Nam, ca khúc “Đường tới ngày vinh quang” của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập ra đời và được ban tổ chức chọn làm một trong những bài ca cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết thi đấu cho các HLV, VĐV khi đó. Đến bây giờ, sau mỗi giải đấu, khi thể thao Việt Nam có chiến công, bài ca ấy luôn ca vang đầy cảm xúc. 

Ngoài SEA Games 22-2003, trong ngày đăng quang chức vô địch AFF Cup 2008 trên SVĐ Mỹ Đình, tất cả các khán giả và thành viên ĐTQG đều nghe rõ âm vang “Đường đến ngày vinh quang” rất đỗi tự hào. Đã có ý kiến mời nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập tham gia viết ca khúc cho ABG5. Tiếc rằng, số phận không chiều lòng con người. Ra đi ở tuổi ngoài 40, nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập với người làm thể thao rất đáng trân trọng.

D. Phương

Thả lỏng đội hình

Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã trở lại tập luyện ngay trong ngày 17-3 sau trận giao hữu với CLB Hà Nội T&T ở tối 16-3. HLV trưởng Hữu Thắng đã cho học trò nghỉ buổi sáng, buổi chiều tập trở lại. Ngày tập luyện không đẩy cao cường độ mà ban huấn luyện chủ yếu cho cầu thủ thả lỏng, rút kinh nghiệm các vị trí sau trận giao hữu đầu tiên. Cũng ở ngày 17-3, ngoài trường hợp Lê Tấn Tài, Nguyễn Anh Đức xin rút khỏi đội tuyển thì những cầu thủ của CLB Becamex Bình Dương như Công Vinh, Tấn Trường, Đình Luật, Văn Hoàn… đã tập trung đầy đủ. Như vậy, ông Hữu Thắng đã có đủ 29 tuyển thủ tập trung như mình yêu cầu.

Phương Diệu

Diệu Phương
.
.
.