Thưởng Tết cho VĐV: Sẽ còn là câu chuyện dài

Thứ Hai, 23/01/2017, 13:27
Như Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chia sẻ với báo giới thì hiện nay không có quy định về thưởng Tết cho VĐV thể thao. Nhưng có lý giải dưới hình thức nào thì thưởng Tết hay hỗ trợ Tết cũng vẫn cần với VĐV và sẽ là câu chuyện dài chưa có hồi kết của thể thao Việt Nam khi sự xã hội hóa còn chưa rộng khắp.

Chênh lệch như lẽ đương nhiên

Có thể tạm chia VĐV Việt Nam hiện tại đang ở hai khối tư nhân và nhà nước. Khối tư nhân gồm những VĐV đang thuộc các Công ty cổ phần thể thao, số còn lại thuộc các Sở VH- TT hoặc Sở VH- TT- DL tỉnh thành cũng như các ngành. Hai khối này có những đặc thù riêng, nhất là về cơ chế tài chính nên cứ đến gần Tết Nguyên đán, người ta lại thấy rõ sự chênh lệch về hỗ trợ Tết của đơn vị chủ quản với VĐV.

Có lẽ, Lý Hoàng Nam là gương mặt tiêu biểu nhất trong nhóm VĐV thuộc khối tư nhân bởi đang thuộc sự quản lý Công ty cổ phần kinh doanh và thể thao BÌnh Dương. Doanh nghiệp làm ăn tốt nên mức hỗ trợ Tết Nguyên đán của anh là 3 tháng lương. Trong khi đó, Lý Hoàng Nam đang nhận lương là 30 triệu đồng/ tháng nên anh sẽ có thêm khoản thu nhập 90 triệu đồng. Có lẽ, đấy là là mức hỗ trợ Tết cao nhất dành cho một VĐV Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán này. Điều đó cũng giải thích lý do khiến Bình Dương trở thành miền đất hứa với nhiều VĐV thể thao.

Lý Hoàng Nam nhận khoản thưởng Tết lớn từ đơn vị chủ quản.

Ngoài Lý Hoàng Nam, các tay vợt đang thuộc doanh nghiệp trên cũng sẽ không quá lo lắng về khoản sắm và tiêu Tết. Trong khi đó, các CLB bóng đá ở V.League cũng có những mức hỗ trợ Tết riêng dành cho cầu thủ. Ở mức khá có Hà Nội FC, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ thành viên.

Ở nhiều CLB khác, mức hỗ trợ có thể ít hoặc nhiều hơn, phụ thuộc vào nguồn tài chính của CLB. Ở đó, họ không bị ràng buộc vào quy định tài chính như nhiều đơn vị sự nghiệp TDTT nên có thể thoải mái chi tiền Tết, miễn là có tiền. Một số đội thể thao khác ngoài bóng đá, quần vợt như bóng bàn, xe đạp, bóng chuyền… đang thuộc các doanh nghiệp cũng có mức hỗ trợ Tết riêng cho HLV, VĐV.

Còn ở nhóm VĐV thuộc các đơn vị sự nghiệp TDTT hoặc sự nghiệp có thu, thật khó đòi hỏi mức hỗ trợ hay thưởng Tết như ở nhiều lĩnh vực khác. Đơn giản vì ngân sách chỉ cấp cho đơn vị để phục vụ thi đấu, tập luyện, ăn ở và tiền công tập luyện hàng ngày nên có chút quà Tết cũng là tốt. Còn những đơn vị có điều kiện liên doanh, liên kết khai thác cơ sở vật chất hoặc dưới hình thức khác mới có thể nghĩ đến chuyện hỗ trợ Tết cho VĐV cũng như HLV. Thế nên, một túi quà Tết trị giá vài trăm nghìn đồng cho VĐV cũng là câu chuyện không đơn giản với nhiều trưởng bộ môn hay chính lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT.

Như ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, cũng phải xoay sở đủ cách thì lãnh đạo bộ môn Vật mới lo được túi quà Tết cho VĐV. Từ gần 10 năm nay, phải rất cố gắng, bộ môn Vật Hà Nội mới giữ được “thông lệ” này dù cũng muốn hỗ trợ nhiều hơn cho VĐV. Trong năm 2016, họ đã tìm liên hệ với một doanh nghiệp Hàn Quốc để hỗ trợ cho 10 VĐV với mức từ 7 – 8 triệu đồng/ người. Tất cả cũng nhằm để VĐV có nguồn thu nhập ổn định để yên tâm theo nghề và không phải lo lắng khi Tết đến xuân về. Còn nhiều môn khác cũng chỉ còn cách chờ ứng lương sớm trước Tết cho VĐV để tiêu Tết thay vì đến cuối tháng (khi đá qua Tết) mới nhận tiền.

Thậm chí, cách đây ít năm, đã có Chủ nhiệm bộ môn đi vay tiền để ứng tiền ăn, tiền công tập luyện cho VĐV trước dịp Tết Nguyên đán nhằm giúp các học trò có tiền lương về quê ăn Tết. Ít ra, các VĐV cũng có tiền lương (chứ không phải là tiền hỗ trợ) để tiêu Tết còn hơn là đợi đến sau Tết. Thực tế, không ít VĐV đã coi chuyện nhận tiền lương trước Tết như tiền hỗ trợ hoặc thưởng Tết.

Không xã hội hóa, khó nói chuyện Tết

Rõ ràng, câu chuyện hỗ trợ VĐV vào mỗi dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hồi kết nếu nguồn thu của đơn vị chủ quản VĐV không tốt. Nguồn thu ấy sẽ phải đến từ việc xã hội hóa thể thao mạnh mẽ trong đó, các doanh nghiệp cùng xắn tay làm thể thao thông qua cách trực tiếp (quản lý, sử dụng VĐV) hoặc gián tiếp (chung tay với đơn vị nhà nước). Nhờ đó, thu nhập của VĐV tốt hơn hẳn so với khi thuộc sự quản lý của đơn vị nhà nước.

Trường hợp của Lý Hoàng Nam là điển hình nhất cho việc xã hội hóa thể thao có hiệu quả khi cả đơn vị chủ quản lẫn Lý Hoàng Nam đều được lợi. Còn chỉ trông vào ngân sách thì khả năng được hỗ trợ Tết không đáng kể cũng là bình thường.

Như nhiều HLV và VĐV chia sẻ thì cũng chỉ mong đơn vị chủ quản liên doanh, liên kết với nhiều nơi, tất nhiên trong mức độ cho phép, để tăng nguồn thu, từ đó hỗ trợ thêm cho chính HLV, VĐV. Còn nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay thì HLV, VĐV của các đơn vị chỉ trông vào nguồn ngân sách khó có thể nghĩ đến những khoản hỗ trợ Tết đến mức rủng rỉnh. Nhiều người trong số họ sẽ phải tranh thủ làm thêm trong dịp Tết, như việc một số HLV Hải Phòng hùn vốn buôn quất cảnh trong dịp Tết Nguyên đán này, để có cái Tết bớt eo hẹp hơn.

Thế nên, nếu có mong ước trước Tết Đinh Dậu này có lẽ chỉ mong quá trình xã hội hóa thể thao trong thể thao đỉnh cao Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để các HLV, VĐV tăng thu nhập và không phải cười trừ mỗi khi ai đó nhắc đến chuyện hỗ trợ Tết.

Giao lưu cũng ra tiền tiêu Tết

Ở một số môn thể thao đang được ưu chuộng ở Việt Nam như bóng bàn quần vợt, bóng đá… đôi khi VĐV cũng có những khoản tiền tiêu Tết khá bất ngờ. Như trong dịp ết này, một đội bóng bàn trẻ đã được các doanh nghiệp mời giao lưu trước Tết vào mỗi dịp cuối tuần, khi các VĐV được nghỉ tập luyện. Tiền mừng tuổi của các lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị cho các VĐV trẻ tính ra cũng đến 3- 4 triệu đồng/ VĐV. Thế là trước Tết này, các VĐV trẻ kia cũng có một khoản kha khá so với các VĐV nhiều môn khác.

Minh Khuê

Minh Nhật
.
.
.