Thủ môn, cơn đau đầu... dễ chịu của ông Park Hang-seo

Thứ Năm, 25/04/2019, 10:27
Có một thời gian dài, bóng đá Việt Nam khổ sở trên đấu trường quốc tế vì khan hiếm thủ môn giỏi. Thậm chí từng có thời điểm, chúng ta hụt chân ngay trước đỉnh vinh quang chỉ vì sai lầm ngớ ngẩn của các thủ môn. 

Nhưng thế thời đã đổi thay, khi ông Park giờ đây lại “khổ sở” vì có quá nhiều lựa chọn tốt cho vị trí người gác đền.

Thủ môn, cơn ác mộng của các đời HLV

Trước triều đại của HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam là con số 0 tròn trĩnh trên cấp độ ĐTQG. Ngoại trừ danh hiệu AFF Cup 2008 vốn có được nhờ nhiều vào may mắn, các đội tuyển Việt Nam không hề có thành tích đáng kể gì.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả bết bát kéo dài hàng thập kỷ này, nằm ở sự yếu kém mang tính tiếp nối của các đời thủ môn. Không ít lần, chúng ta gục ngã ở những thời điểm quan trọng nhất vì những sai lầm hệ thống, lặp đi lặp lại qua các năm của những người gác đền. 

Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng bóng đá Việt Nam cũng sở hữu lứa thủ môn tài năng.

Điển hình nhất là trường hợp của Tấn Trường, thủ môn nhận án treo găng hết lượt đi V-League 2019 do nghi án tiêu cực tại AFC Cup trong màu áo Bình Dương. 

Tròn 10 năm trước, trong trận chung kết SEA Games môn bóng đá nam trên đất Lào, Tấn Trường bắt bóng như mơ ngủ, dâng tấm huy chương vàng cho người Malaysia trong tình huống cực kỳ cơ bản. Dù lịch sử không thể chỉ ra vấn đề thật sự của Trường hôm đó là gì, nhưng HLV Calisto hẳn có lý do nổi xung lao vào bóp cổ thủ môn người Đồng Tháp.

Chưa hết, sau đó 1 năm, lại là Tấn Trường bắt bóng lộp bộp sau cú đá phạt chẳng mấy nguy hiểm của Malaysia, khiến Việt Nam để thua 0-2 ở trận bán lượt đi.

Hay mới nhất, ở hai kỳ AFF Cup 2014 & 2016, Trần Nguyên Mạnh (lò SLNA) phạm phải những lỗi chết người mà một thủ môn không thể mắc phải. Trong trận đấu khai mạc AFF Cup 2014 gặp đối thủ Indonesia trên sân Mỹ Đình, thủ môn Nguyên Mạnh để bóng lọt qua giữa 2 chân giúp ĐT Indonesia cầm hòa ĐT Việt Nam với tỷ số 2-2.

Tới bán kết lượt về AFF Cup 2016, cũng trên sân Mỹ Đình và ở hoàn cảnh Việt Nam đang ở cửa tử (bị dẫn 0-1, lượt đi thua 1-2), Nguyên Mạnh lại đóng vai diễn “tội đồ” quen thuộc. Phút 75, trong một tình huống Indonesia đá phạt góc, Nguyên Mạnh nhảy lên tranh chấp với Bayu Pradana. 

Sau khi rơi xuống, thủ thành của Việt Nam bị đối thủ đè lên người nên bực tức và đấm trả. Hành động của thủ thành Việt Nam rất kín, nhưng vẫn không thoát khỏi mắt trọng tài biên. Sau khi hội ý, trọng tài chính Fu Ming rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của người gác đền xứ Nghệ.

Không nói đâu xa, trong chính giải đấu lịch sử AFF Cup 2008, Dương Hồng Sơn – cầu thủ hay nhất giải, chủ nhân QBV Việt Nam năm đó cũng mắc lỗi nghiêm trọng ở vòng bảng. 

Chính thủ thành này bắt trượt bóng khiến tiền đạo Thái Lan Suchao Nutnum ghi vào lưới Việt Nam ở vòng bảng (thua chung cuộc 0-2). Tuy nhiên, sai lầm này của Hồng Sơn sớm rơi vào quên lãng sau chức vô địch AFF 2008, vượt qua chính Thái Lan trong trận chung kết.

No dồn, đói góp

Nếu liệt kê hết, có thể lấy rổ “đựng” núi sai lầm của các đời thủ môn Việt Nam. Ở các giải trẻ sau này, bóng đá Việt còn chứng kiến thêm nhiều nỗi đau khác, như câu chuyện của Phí Minh Long ở SEA Games 29, hay Y Eli Nie ở giải U18 Đông Nam Á diễn ra tại Myanmar.

Đã có lúc, VFF tính đến phương án thuê HLV thủ môn ngoại, giải quyết dứt điểm căn bệnh tâm lý và kỹ thuật căn bản của các thủ môn Việt. Tháng 9-2017, PCT VFF Trần Quốc Tuấn từng tiết lộ thường trực liên đoàn đã tính đến phương án cậy nhờ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, giới thiệu các HLV thủ môn có chuyên môn cao và bản lĩnh trận mạc.

Cho tới khi HLV Park Hang-seo xuất hiện, sự nổi lên bất ngờ của Bùi Tiến Dũng tại VCK U23 châu Á Trung Quốc mở ra thời đại mới cho các thủ môn Việt Nam. Từ chỗ là mắt xích yếu nhất trong các vị trí trên sân, một lứa thủ môn tài năng bỗng từ đâu xuất hiện, trở thành điểm tựa vững chắc cho hệ thống phòng ngự-phản công của ông Park.

Hiệu ứng tích cực từ Bùi Tiến Dũng lan tỏa, như tạo thêm động lực cho những người đồng nghiệp ở V-League. Lần lượt là Tuấn Mạnh và đặc biệt là Văn Lâm bước ra ánh sáng, buộc ông Park phải đau đầu mỗi lần điền danh sách đội hình đá chính.

Ở Mạnh và Lâm hội tụ đầy đủ yếu tố của các thủ môn giỏi và trên hết, họ sở hữu bản lĩnh thi đấu kinh ngạc. Thú vị ở chỗ, Mạnh và Lâm đều có quãng thời gian vật lộn tại Gia Lai và chỉ thật sự vượt lên khi bị đội bóng phố Núi bỏ rơi, đẩy vào chân tường.

Tuấn Mạnh là sản phẩm của lứa năng khiếu tỉnh Gia Lai, sau được HAGL đưa về đá đội một nhưng không thể cạnh tranh suất bắt chính. Sau đó, Mạnh trôi dạt thử việc khắp nơi, đến cả Đồng Nai cũng từ chối và phải rất may mắn mới có được công việc tại Khánh Hòa.

5 năm trước, Văn Lâm tha thiết từ Nga về nước, xin ăn tập ở Gia Lai. Lâm bắt chính ở giải U19 quốc gia năm đó, nhưng đơn giản là “không được lòng bầu Đức” nên bị đày ải qua Lào, trước khi được Hải Phòng cưu mang.

Khi khung gỗ ĐTVN bị “bội thực” nhân tài, Nguyên Mạnh – một người cũ – chính thức tuyên chiến cho cuộc đua vào vị trí thủ môn số 1 quốc gia. Nguyên Mạnh bỏ lại ám ảnh quá khứ, bỏ lại chấn thương đốt sống cổ kinh hoàng phải chịu đựng 1 năm trước để tỏa sáng rực rỡ trong màu áo SLNA. 

Qua 6 vòng đấu V-League 2019, Nguyên Mạnh là lý do giúp SLNA bay cao trên BXH khi đã giữ sạch lưới 4 trận.

Chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam lại tự tin đến thế. Người ta thường nói thủ môn nắm giữ 50% sức mạnh đội bóng và lúc này, ông Park có thể kê cao gối ngủ bởi trong tay ông, luôn có thường trực 3-4 nhân tài sẵn sàng gánh vác trách nhiệm nặng nề trên.  

Honda Việt Nam đồng hành cùng các ĐTQG

Sáng 24-4, tại trụ sở LĐBĐ Việt Nam, buổi lễ công bố nhà tài trợ chính cho các ĐTQG Việt Nam diễn ra. Theo đó, Honda Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà tài trợ chính, đồng hành cùng các ĐTQG trong thời gian tới. Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày 1-4 với thời hạn 2 năm, thay vì một năm một như trước đó. 

Ngoài ra, tuỳ vào tính chất của trận đấu, giải đấu, Honda Việt Nam sẽ có những phần thưởng riêng nhằm khuyến khích, động viên các cầu thủ. Đây là thông tin vui với bóng đá Việt Nam bởi trong năm 2019, các ĐTQG Việt Nam sẽ tham dự không dưới 10 giải đấu cấp châu lục.

Hà My
.
.
.