Thể thao Việt Nam: Cơ chế phải tốt

Thứ Hai, 28/03/2016, 16:52
Câu chuyện nợ lương, thưởng đã quá đỗi quen thuộc với một số trường hợp môn thể thao cụ thể. Với những môn thể thao khác (ngoài bóng đá), điều ấy không hiếm. 


Phương Trâm, Cẩm Hiền may mắn

Mới nhất, mạnh thường quân Nutifood đã ký hợp đồng tài trợ kéo dài 8 năm dành cho kỳ thủ cờ vua nữ trẻ của Quảng Ninh là Nguyễn Lê Cẩm Hiền. Trong chương trình trên, Cẩm Hiền được hỗ trợ tập luyện và thi đấu ở các giải nước ngoài.

Chi phí không tiết lộ nhưng đây là điều mừng cho bản thân Cẩm Hiền vì ở tuổi lên 8 như kỳ thủ này, chưa một vận động viên nào của thể thao Quảng Ninh có được nhà tài trợ lâu bền như vậy.

Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã có nhà tài trợ dù mới 8 tuổi.

Trước đấy, mạnh thường quân trên đã ký hợp đồng đồng hành với kình ngư trẻ môn bơi lội đang nổi bật của TP Hồ Chí Minh là Nguyễn Diệp Phương Trâm. Không dừng ở hỗ trợ về thu nhập, Phương Trâm được tiền tài trợ đi Mỹ tập dài hạn.

Theo tìm hiểu, nếu không có gì thay đổi, tháng 5 này, Phương Trâm được lên đường và hợp đồng tài trợ cho tập huấn ở Mỹ kéo dài đến năm 2021. Hiện tại, bơi Việt Nam mới chỉ có Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) được tập dài hạn tại Mỹ.

Phương Trâm và Cẩm Hiền đang là các tuyển thủ trẻ triển vọng tương lai của thể thao nước nhà. Vì thế, họ được nhận đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa là điều tất cả mong mỏi. Nếu hỏi các đơn vị quản lý trực tiếp của Trâm hay Hiền muốn đưa vận động viên ra nước ngoài dài hạn hay không?

Lời giải đáp là có. Tuy nhiên, từ kế hoạch trên giấy thành hiện thực ra sao phải phụ thuộc vào tài chính. Bây giờ, trong hai trường hợp này, kế hoạch thành hiện thực. Thể thao Việt Nam đã có không ít trường hợp vận động viên được ra nước ngoài nhưng theo nguồn kinh phí kết hợp giữa Tổng cục TDTT với đơn vị chủ quản của người đó.

Hiện tại, bơi Việt Nam mới chỉ có Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) được tập dài hạn tại Mỹ. 

Có thể kể tới trường hợp cụ thể như Nguyễn Thị Ánh Viên (sự kết hợp giữa thể thao Quân đội và Tổng cục TDTT); Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (Thanh Hóa và Tổng cục TDTT); Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng và Tổng cục TDTT).

Thực tế, chi phí đầu tư vẫn là của Nhà nước. Số tiền của địa phương, đơn vị mà vận động viên đang đầu quân cũng là tiền ngân sách chứ không từ nhà tài trợ. Trường hợp của Phương trâm và Cẩm Hiền là may mắn vì họ quá nổi tiếng nên khi tài trợ, mạnh thường quân có thêm xúc tác quảng bá thương hiệu hiệu quả hơn nữa.

Nhiều vận động viên khác có năng lực nhưng chưa phải môn quan trọng và sự nổi tiếng gần như ở số 0 nên khó được nhiều nhà tài trợ chú ý.

Tìm cơ chế phù hợp

Trong Hội thảo khoa học về 70 năm ngành TDTT được Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT tổ chức tại Hà Nội, nhiều tham luận đã chia sẻ rằng bản thân ngành phải tạo được cơ chế tốt thì doanh nghiệp hay các doanh nhân mới dám đầu tư vào thể thao.

Nhà quản lý thể thao tại Tổng cục TDTT biết điều ấy. Nhưng thực hiện cụ thể rất khó vì không nhiều mạnh thường quân mặn mà với thể thao. Tại Việt Nam, các bộ môn (thuộc Tổng cục TDTT) đã được san sẻ bớt gánh nặng chuyên môn, công việc bằng việc ra đời những hiệp hội, liên đoàn thể thao. Các hiệp hội, liên đoàn các môn thể thao là cơ quan đủ vai trò (có cả ban, bệ quản lý) thực hiện công việc tìm tài trợ thúc đẩy phát triển.

Dù vậy, không phải nơi nào làm cũng tốt. Điển hình nhất là trường hợp 2 kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Lê Quang Liêm từng được ký hợp đồng tài trợ lên tới 200 nghìn USD.

Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Lê Quang Liêm từng được ký hợp đồng tài trợ lên tới 200 nghìn USD.

Năm 2011, liên đoàn cờ Việt Nam kêu gọi được tài trợ và ký dài hạn trong 4 năm với số tiền 150 nghìn USD cho Liêm và 50 nghìn USD cho Sơn. Mức giải ngân số tiền ấy thực hiện trong từng năm theo gói đã ký kết. Tiếc rằng, việc thực hiện chỉ được một, hai năm đầu sau đó đứt đoạn.

Đến bây giờ, dù không có công bố chính thức, mọi người đều hiểu khoản tài trợ không đi tới cùng và đã chấm dứt. Lãnh đạo liên đoàn cờ Việt Nam phải chia sẻ, vì nhà tài trợ gặp khó không rót tiền nữa nên lực bất tòng tâm không biết thế nào. Ngoài cơ chế phù hợp cho nhà tài trợ, người làm thể thao cũng mong những người chung sức phải đủ năng lực và sự dài hạn thật sự. Bằng không, ký mà không thực hiện chẳng biết kêu ai. 

Tự tin thi đấu

Hai cầu thủ Lương Xuân Trường và Nguyễn Tuấn Anh đang là những người được tập luyện, thi đấu dài hạn tại Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua chương trình ký kết đôi bên giữa phía đối tác với CLB Hoàng Anh Gia Lai. Điều này giúp cầu thủ “đổi gió” và tự tin, trưởng thành hơn khi trở về khoác áo đội tuyển quốc gia. Vào ngày 29-3, Tuấn Anh, Xuân Trường cùng các đồng đội và HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng sẽ thi đấu trận cuối vòng loại World Cup 2018 giữa tuyển Việt Nam và tuyển Iraq trên sân trung lập tại Tehran (Iran). Ở ngày tập cuối cùng 28-3 trước khi đội tuyển ra sân thi đấu, các thành viên đã được tập bình thường hai buổi sáng, chiều và làm quen với sân Ghavamin tại Tehran (Iran) (nơi diễn ra trận đấu). Thời tiết hiện tại ở Iran là lạnh, khoảng 10 tới 15 độ C. Mặc dù vậy, tất cả các thành viên vẫn thực hiện đúng giáo án mà ban huấn luyện đề ra. Tinh thần cầu thủ khá ổn định. Thi đấu trên sân trung lập nhưng chúng ta tự tin có thể đạt được một kết quả tốt trước đối thủ đánh giá mạnh hơn là Iraq. Theo tìm hiểu, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng đặt mục tiêu ít nhất giành được 1 điểm qua trận đấu này.

Diệu Phương
.
.
.