Thấy gì từ chuyện VFF giảm lương nhân viên?

Thứ Bảy, 18/04/2020, 09:14
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông báo giảm lương nhân viên do dịch COVID-19, nhưng với huấn luyện viên Park Hang-seo thì không.


Trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều đội bóng trên thế giới đã giảm lương cầu thủ, nhân viên. Bóng đá Đông Nam Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.  Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) đã cắt giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên và cả huấn luyện viên Akira Nishino. 

Cụ thể huấn luyện viên đội tuyển Thái Lan Nishino đã đồng ý giảm 50% lương từ 2,750 triệu baht/tháng (hơn 2 tỉ đồng) xuống còn 1,375 triệu baht/tháng (hơn 1 tỉ đồng).

Tại Việt Nam, nhiều câu lạc bộ V.League đã bắt đầu cắt giảm lương cầu thủ và các thành viên đội bóng như Thanh Hoá, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Sài Gòn. Mới đây, VFF cũng đã tiến hành giảm lương tháng 4 đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, còn huấn luyện viên Park Hang-seo thì sao?

Bởi với mức lương tới 50.000 USD/tháng mà ông Park đang hưởng thì sự chia sẻ này "ra tấm, ra món" hơn rất nhiều. Câu chuyện tương tự với trường hợp Ronaldo và Messi, 2 cầu thủ này giảm lương có thể cứu cả một đội bóng nhưng Quang Hải hay Công Phượng... có giảm cả tháng lương cũng chỉ là một phần nhỏ.

VFF đã tiến hành giảm lương nhân viên tháng 4. Ảnh: VFF

Thế nên, trong mùa dịch COVID-19, những đối tượng mà VFF giảm lương chưa chắc có thể khiến đơn vị này giảm gánh nặng. Việc toàn bộ cán bộ, nhân viên cùng đóng góp cộng với số tiền VFF chi lên đến 500 triệu đồng ủng hộ cho quỹ phòng, chống COVID-19 mới đây đã là một nghĩa cử đẹp.

Trong năm 2019, VFF tăng trưởng tới gần 150% doanh thu nhờ vào thành tích ấn tượng của các đội tuyển quốc gia. Lợi nhuận thu về trong năm 2019 tăng 747% so với dự kiến ban đầu. doanh thu dự kiến là 165 tỉ đồng nhưng trong năm 2019 tăng lên 240 tỉ. 

Rất có thể năm 2020, con số này sẽ giảm sâu vì dịch COVID-19, đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên có thể lại chính là những nhân viên mới bị giảm lương vì dịch COVID-19.

Năm 2016, VFF cũng từng đối mặt với tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo tại đại hội thường niên VFF thì đơn vị này chỉ kiếm được 60 tỉ gồm cả hiện vật từ các nguồn thu tài trợ, quảng cáo trong 9 tháng đầu năm. Trong năm 2016, VFF đã tập trung 12 đội tuyển quốc gia, với trên 20 đợt tập huấn, điều này trở thành gánh nặng lớn cho VFF.

Đầu năm 2017, khi Tết Nguyên đán cận kề, VFF từng phải nộp phạt đến 800 triệu đồng vì một cổ động viên Việt Nam ném đá vỡ kính đội Indonesia sau trận bán kết lượt về AFF Cup 2016. Đấy cũng là thời điểm mà bóng đá Việt Nam rơi vào khủng hoảng khi liên tiếp thất bại ở các giải đấu lớn, kinh tế vì thế rất khó khăn.

Thậm chí, vì số tiền nộp phạt ảnh hưởng trực tiếp đến "nồi cơm" của các nhân viên, bởi tiền thưởng Tết cho nhân viên VFF cũng trở thành gánh nặng nên "có như không". Thời điểm đó, đội tuyển Futsal đã tặng lại VFF số tiền thưởng 40.000 USD sau chiến tích giành vé dự Futsal World Cup 2016 để chia sẻ và giúp "giải cứu Tết" cho cán bộ, nhân viên VFF.

Bóng đá có lúc thăng, lúc trầm, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của cả nền bóng đá, thế nhưng cũng cần xác định đúng đối tượng ảnh hưởng trực tiếp ở từng thời điểm. Còn ở đây, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của VFF suốt thời gian qua sau câu chuyện thắng thua của bóng đá chỉ có nhân viên. Cầu thủ, huấn luyện viên đang ở đâu giữa bối cảnh ấy?

Việc VFF giảm lương nhân viên cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đặt câu hỏi về mục đích thực sự của việc giảm lương là gì, đối tượng được hưởng lợi từ việc giảm lương này là ai? Đừng để những câu chuyện giảm lương vì dịch bệnh trở thành một chỉ tiêu nhưng lại không xác định đúng đối tượng.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino vừa đề cập đến giải pháp hỗ trợ tài chính cho các liên đoàn bóng đá thành viên. Đây thực tế không phải câu chuyện "bánh vẽ" khi trước đó, AFC cũng đã hỗ trợ Thái Lan đến  800.000 USD. Thế nhưng, những liên đoàn nào đang thực sự cần sự hỗ trợ này vì ảnh hưởng trực tiếp? Hy vọng, đó sẽ là nguồn hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh mà nhiều liên đoàn đã phải cắt giảm lương của nhân viên để giảm gánh nặng.

Bóng đá Việt Nam có thể trở lại vào 15/5

Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã tiến hành họp bàn đến kế hoạch tổ chức các giải bóng đá, sau khi có gia hạn quy định giãn cách xã hội đến ngày 22/4.

VPF dự kiến các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2020 có thể trở vào ngày 15/5, trong thông báo mới nhất có nêu: "Ban điều hành thông báo kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2020 dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 15/5 bằng các trận đấu của Cúp Quốc gia 2020. Các trận đấu chỉ được tổ chức sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Tuy nhiên, căn cứ tình hình diễn biến tiếp theo của dịch bệnh và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Ban điều hành sẽ cập nhật và điều chỉnh thời gian kế hoạch tổ chức thi đấu phù hợp với thực tế, thông báo đến các câu lạc bộ trong thời gian sớm nhất".

Thời gian để các đội bóng chuẩn bị cho sự trở lại của Cúp Quốc gia và V.League, hạng Nhất từ 3-4 tuần.

Trước đó, VPF đưa ra hình thức tổ chức các trận đấu V.League 2020 tập trung tại khu vực phía Bắc. Có 8/14 câu lạc bộ ủng hộ phương án này trong cuộc họp được VPF tổ chức hôm 31/3.                                                                        H.H
Hưng Hà
.
.
.