Taekwondo Việt Nam: Nuôi hy vọng với nội dung quyền

Thứ Tư, 18/11/2020, 08:38
Với việc giành 2 HCV, 4 HCĐ tại Giải vô địch quyền Taekwondo trực tuyến châu Á - 2020 kết thúc vào cuối tuần qua, Taekwondo Việt Nam đã tạo nên điểm nhấn hiếm hoi cho Thể thao Việt Nam trong một năm mà hệ thống thi đấu quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Quan trọng nhất là Taekwondo Việt Nam phải chuẩn bị lực lượng đủ dày để nuôi hy vọng thực hiện trọn vẹn các mục tiêu ở châu Á cũng như Olympic, nếu nội dung quyền Taekwondo được đưa vào chương trình thi đấu.

Linh hoạt hình thức tổ chức thi đấu

Trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn gây xáo trộn đáng kể trong xã hội nói chung và lĩnh vực thể thao nói riêng, nội dung quyền Taekwondo vẫn chứng tỏ ít bị ảnh hưởng hơn cả, nhất là trong mặt tổ chức thi đấu. Giải vô địch quyền  Taekwondo châu Á – 2020 dự định sẽ thi đấu trực tiếp, quy tụ VĐV về một địa điểm để thi đấu. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên giải đấu không thể tổ chức theo hình thức này.

Võ sĩ Phạm Quốc Việt giành HCĐ tại Giải vô địch Taekwondo châu Á 2020 được tổ chức trực tuyến.

Thế nhưng, ở nội dung thi đấu không cần sự đối kháng, Hiệp hội Taekwondo châu Á đã quyết định tổ chức giải theo hình thức trực tuyến, tại từng quốc gia, vùng, lãnh thổ. Quan trọng nhất là đội tuyển có VĐV tham dự giải phải chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi đấu từ thảm, phông… đến các thiết bị quy phim, thiết bị internet bảo đảm kết nối thông suốt trong thời gian VĐV thi đấu.

Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Taekwondo Hà Nội, đơn vị đăng cai tổ chức thi đấu cho võ sĩ đội tuyển Việt Nam Phạm Quốc Việt (cũng thuộc đơn vị Hà Nội) thi đấu tại Giải vô địch quyền Taekwondo trực tuyến châu Á – 2020, kể rằng, chi phí để tổ chức cũng tương đương kinh phí di chuyển đến Hàn Quốc. Rõ ràng, đây là sự linh hoạt đáng kể trong cách tổ chức thi đấu của Hiệp hội Taekwondo châu Á, từ đó giúp VĐV có động lực và mục tiêu rõ ràng trong quá trình tập luyện. Trong khi đó, chính các nhà chuyên môn, quản lý Taekwondo cũng có điều kiện để kiểm định quá trình huấn luyện VĐV, đánh giá lại định hướng đầu tư của mình.

Rõ nhất là câu chuyện của Taekwondo Hà Nội, từng có những VĐV đã vươn tầm thế giới ở nội dung quyền như Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Minh Tú. Nhưng khi Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Minh Tú nghỉ thi đấu cách đây vài năm thì Taekwondo Hà Nội gặp vấn đề về lực lượng kế thừa. Việc đào tạo lứa trẻ cho đến lúc có thể tranh tài ở những sân chơi đỉnh cao của thế giới, châu lục hay khu vực Đông Nam Á cũng mất từ 8 đến 10 năm. Khoảng thời gian ấy, lứa trẻ nội dung quyền của Taekwondo Hà Nội, trong đó có Phạm Quốc Việt – mới giành HCĐ Giải vô địch quyền Taekwondo trực tuyến châu Á - 2020 mới tập luyện quyền được 1-2 năm, dưới sự huấn luyện của Trưởng bộ môn Taekwondo Hà Nội Đào Quốc Thắng (hiện là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội). Ngay khi ấy, Taekwondo Hà Nội đã đề ra định hướng là chuyên về quyền tiêu chuẩn thay vì quyền sáng tạo.

Cũng phải kể thêm, quyền tiêu chuẩn là một trong hai phần thi (cùng với phần thi quyền sáng tạo) của nội dung quyền môn Taekwondo. Những tiêu chí chấm điểm thi quyền tiêu chuẩn cũng ngặt nghèo, hạn chế tối đa việc chấm điểm theo cảm tính (có thể xảy đến nhiều hơn ở phần thi quyền sáng tạo). Điều đó càng làm tấm huy chương ở phần thi này trở nên danh giá. 

Đầu tư thế mạnh

Đến lúc này, có thể khẳng định nội dung quyền vẫn là khâu đột phá của Taekwondo Việt Nam trên đường tìm lại vị thế tại sân chơi châu lục, thế giới và Olympic. Taekwondo Việt Nam từng có những tấm huy chương đáng nhớ ở nội dung đối kháng như HCV tại ASIAD 1994 (võ sĩ Hồ Quang Hạ) và ASIAD 1998 (võ sĩ Hồ Nhất Thống) hay tấm HCB tại Olympic 2002 (võ sĩ Trần Hiếu Ngân). Nhưng kể từ 2002, Taekwondo Việt Nam không còn đặt được dấu ấn đáng kể ở những sân chơi quốc tế lớn, nhất là khi ngày càng nhiều quốc gia, vùng, lãnh thổ đầu tư mạnh mẽ vào nội dung đối kháng. Thậm chí, Taekwondo Việt Nam còn không giành được suất tham dự Olympic 2016.

Đến lúc này, khả năng có thêm võ sĩ giành HCV tại ASIAD hay huy chương tại Olympic ở nội dung đối kháng đang ngày càng trở nên khó khăn với Taekwondo Việt Nam. Trong khi đó, nội dung quyền được phát triển mạnh tại châu Á sau khi có tên trong chương trình thi đấu của ASIAD 2018. Việt Nam thuộc nhóm nước nhanh chóng đón bắt xu thế này nên đã đầu tư lực lượng từ vài năm trước đó để hiện tại luôn trong nhóm đầu thế giới, châu lục. Cũng vì thế trong những năm qua, các võ sĩ quyền Taekwondo Việt Nam luôn mang về hàng loạt HCV thế giới, Cúp thế giới hay châu lục.

Theo giới chuyên môn, nội dung quyền sẽ giúp Taekwondo Việt Nam phát huy được những thế mạnh của người Việt Nam và mang đến nhiều cơ hội tranh chấp huy chương ở các Đại hội thể thao quốc tế lớn. Vấn đề là cần đầu tư mạnh mẽ cho nội dung này. So với nhiều nước Đông Nam Á, sự đầu tư của Taekwondo Việt Nam cho nội dung này vẫn còn hạn chế.

Một hướng đầu tư khác cũng được đề cập là phải trông vào những HLV nội bên cạnh việc mời chuyên gia ngoại đến huấn luyện để khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Quan trọng là phải tìm được chuyên gia giỏi, nguồn kinh phí trả lương có thể lên tới mức gần chục nghìn USD một tháng. Lý thuyết là vậy nhưng cực khó để thực hiện việc này.

Nhưng rõ ràng, lúc này nội dung quyền đang mang đến nhiều cơ hội nhất để Taekwondo Việt Nam được xướng tên ở ASIAD. Cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc đầu tư mạnh mẽ cho nội dung này.

Nội dung quyền Taekwondo khẳng định tiềm năng

Tại Giải vô địch Taekwondo châu Á 2020 được tổ chức trực tuyến vào cuối tuần trước, tham dự 4 nội dung lứa tuổi U30, nội dung giàu tính cạnh tranh nhất giải đấu, các VĐV Taekwondo Việt Nam xuất sắc giành 2 HCV, 4 HCĐ. Trong đó, 2 HCV thuộc về Nguyễn Đình Khôi (quyền sáng tạo cá nhân nam), Nguyễn Thị Kim Hà (quyền sáng tạo cá nhân nữ). (Minh Khuê)


Minh Hà
.
.
.