Quần vợt Việt Nam sau Đại hội nhiệm kỳ VI:

Sẽ mạnh hơn nếu “sóng yên bể lặng”!

Thứ Bảy, 01/04/2017, 09:50
Quần vợt Việt Nam đã chính thức có một Ban chấp hành mới, một Chủ tịch mới từ ngày 31-3 sau khi Đại hội Liên đoàn quần vợt Việt Nam nhiệm kỳ VI (2017-2022) được tổ chức. Nhiều kỳ vọng được đặt ra với Ban chấp hành mới, trong đó có việc đoàn kết nội bộ cũng như thu hút các nguồn lực xã hội.

Chuyện “người trong nhà” át chuyện chuyên môn

Nếu chỉ xét về thành tích chuyên môn, quần vợt Việt Nam trong nhiệm kỳ 5 (2010-2016) của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam có nhiều điểm nhấn. Trong số này, những thành tích của tay vợt Lý Hoàng Nam đã tạo nên những bước ngoặt mới cho quần vợt Việt Nam. 

Đầu tiên là chiến tích vô địch đôi nam tại giải trẻ giải quần vợt danh giá Wimbledon 2015. Đối với nhiều nền quần vợt trên thế giới, chức vô địch này không có nhiều ý nghĩa nhưng với quần vợt Việt Nam lại khác. Chức vô địch ấy đánh dấu thành quả của quá trình xã hội hóa thể thao trong nhiều năm trước đó, giúp những người đầu tư vào quần vợt Việt Nam tin rằng có thể đạt được thành công. 

Sau chức vô địch đôi nam này, Lý Hoàng Nam thăng tiến mạnh mẽ và từng lên đến hạng 610 đơn nam thế giới, thứ hạng tốt nhất của một tay vợt Việt Nam trên bảng xếp hạng quần vợt nhà nghề thế giới. Và chính Lý Hoàng Nam cũng đặt dấu ấn với một số chức vô địch đơn, đôi ở các giải trẻ lẫn giải đấu cấp độ Mens Futures (cấp độ đầu tiên trong hệ thống thi đấu quần vợt nhà nghề nam thế giới).

Trong khi đó, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đội tuyển nam Việt Nam cũng đã lên nhóm II, giải quần vợt đồng đội nam thế giới khu vực châu Á. Đấy là thành tích tốt nhất của quần vợt Việt Nam ở một sân chơi đỉnh cao của làng quần vợt nam thế giới. 

Ban chấp hành Liên đoàn Quần vợt Việt Nam khóa VI ra mắt ngày 31-3.

Về khía cạnh nào đó, thành tích này cũng phản ánh được thực lực và sự phát triển của quần vợt nam Việt Nam. Ngoài ra, trong năm 2016, Việt Nam đã tổ chức trở lại giải quần vợt nhà nghề Challenge (có cấp độ cao hơn các giải đấu cấp độ Mens Futures)… Các giải quần vợt trong nước cũng đến với người hâm mộ nhiều hơn nhờ một chiến lược truyền thông bài bản và hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước.

Trong những thành quả ấy, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam đều có dấu ấn nhất định. Nhưng ở nhiều thời điểm, người ta chỉ còn nhớ đến Liên đoàn Quần vợt Việt Nam như một tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiều tranh cãi, bất ổn nội bộ nhất trong làng thể thao Việt Nam. Thậm chí có cả đơn tố cáo của người trong Liên đoàn nhắm vào một thành viên khác cũng của Ban chấp hành Liên đoàn về việc sử dụng nguồn tài trợ. Kể cả khi Tổng cục TDTT vào cuộc, xác minh và khẳng định không có khuất tất ở Liên đoàn thì sự bất đồng vẫn tồn tại.

 Rõ nhất là đến trước ngày diễn ra Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ VI, trên mặt báo vẫn còn bài viết về những vấn đề nội bộ Liên đoàn. Ở khía cạnh nào đó, điều này chỉ càng bộc lộ sự không thống nhất của một trong những Liên đoàn thể thao được quan tâm nhất ở Việt Nam.

Trong khi đó, ở mảng vận động tài trợ, việc thu hút được trên 23 tỷ đồng trong 6 năm hoạt động của Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ V vẫn bị coi là quá khiêm tốn so với tiềm năng của Quần vợt Việt Nam. 

Không kể, có gần phân nửa số tiền tài trợ đến từ doanh nghiệp của Tổng thư ký khóa V Nguyễn Quốc Kỳ (nay là Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam khóa VI). Rồi thành tích của quần vợt nữ Việt Nam cũng chưa có đột biến. Chuyện này diễn ra trong nhiều năm và đến lúc này vẫn chưa có hướng giải quyết.

Ban chấp hành mới sẽ mang đến luồng gió mới?

Đương nhiên, chẳng ai mong muốn Ban chấp hành khóa mới của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam sẽ đi vào vết xe cũ của khóa trước. Như Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam khóa VI Đoàn Quốc Cường chia sẻ thì: “Tất cả đều mong muốn sẽ không có mâu thuẫn nội bộ ở Liên đoàn cũng như kêu gọi được nhiều nguồn lực xã hội”.

Thực tế, không khó để thực hiện mục tiêu này nếu những thành viên trong Ban chấp hành Liên đoàn Quần vợt Việt Nam cùng nhìn về một hướng. Vấn đề là cần có sự minh bạch trong mọi hoạt động của Liên đoàn. Đến lúc đó sẽ không còn những nghi ngờ, tố cáo. Và chỉ khi có một Ban chấp hành cùng hướng về một phía thì các nhà tài trợ mới yên tâm rót tiền cho các hoạt động của Liên đoàn.

Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ quá hiểu những vấn đề của Liên đoàn và phương cách để thu hút những nguồn lực xã hội. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, vẫn không thiếu doanh nghiệp quan tâm đến quần vợt. Họ chỉ cần đủ cơ sở để tin rằng tiền đầu tư của mình đúng nơi, đúng chỗ, được sử dụng đúng việc. 

Đến khi ấy,  Liên đoàn Quần vợt Việt Nam sẽ có nguồn lực đủ mạnh để hiện thực hóa các mục tiêu chứ không đến nỗi không thể đưa một số ban vào hoạt động chỉ vì không có kinh phí như ở nhiệm kỳ V.

Quần vợt Việt Nam phấn đấu có huy chương ở ASIAD 2018

Một trong những mục tiêu của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam nhiệm kỳ VI là phấn đấu giành 1 HCB, 1 HCĐ tại ASIAD 2018. Đây là cột mốc thành tích mà quần vợt Việt Nam luôn mơ ước từ trước đến nay. Ngoài ra, Liên đoàn còn đặt mục tiêu cho đội tuyển quốc gia giành 1 HCB, 1 HCĐ tại SEA Games 2017, phấn đấu giành HCV tại SEA Games 2019.

Ban chấp hành Liên đoàn Quần vợt Việt Nam khóa VI có 19 ủy viên. Ngoài ông Nguyễn Quốc Kỳ là Chủ tịch, còn có 3 Phó Chủ tịch. Trưởng bộ môn quần vợt (Tổng cục TDTT) Đoàn Quốc Cường là Tổng thư ký Liên đoàn.

Minh Nhật
.
.
.