Vấn đề của bóng đá Việt Nam:

Phong cách là phong cách nào?

Thứ Năm, 14/09/2017, 08:14
Rốt cuộc là sau khi ngồi lại với nhau mổ xẻ nguyên nhân thất bại của Đội tuyển U.22 Việt Nam tại SEA Games 29, các quan chức và các bộ phận chuyên môn VFF làm cái việc mà ai cũng biết là đổ hết lỗi lầm lên đầu HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng đã từ chức.


Như Báo Công an nhân dân đã phản ánh trong số ra ngày 13-9, bản thân HLV Nguyễn Hữu Thắng đã chủ động nhận lỗi tới 2 lần rồi, một là ngay sau trận thua Thái Lan 0-3, trước mặt đông đảo giới truyền thông, và hai là trong buổi mổ xẻ chuyên môn, trước mặt các quan chức và các nhà chuyên môn cộm cán.

Phần lỗi của HLV Hữu Thắng như vậy là đã rõ, vấn đề là từ phần lỗi ấy, bài học thiết thực nào được rút ra để không lặp phải những sai lầm chiến lược thì chưa thấy ai đề cập. Bằng chứng là từ thất bại của HLV Hữu Thắng đến việc tìm một HLV trưởng mới thay thế HLV Hữu Thắng, người ta cũng chỉ đưa ra những tiêu chí về bằng cấp, kinh nghiệm, mức lương, tuổi tác, chứ không nhắc tới việc HLV mới phải đi theo một phong cách bóng đá như thế nào.

Nhìn lại thời HLV Hữu Thắng, ai cũng biết, với mệnh lệnh của ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển U.22 Việt Nam phải xây dựng một lối chơi ban bật đẹp mắt. Có nghĩa, Đội tuyển của ông Hữu Thắng là một Đội tuyển tôn thờ cái đẹp. Nhưng nhìn xuống các Đội tuyển phía dưới như U.15, U.18, U.20 thì người ta lại thấy một phong cách chơi bóng hoàn toàn khác. Vài tháng trước, U.15 Việt Nam của HLV trưởng Vũ Hồng Việt vô địch giải U.15 Đông Nam Á bằng một tư tưởng đánh trận thực dụng, chứ không bằng lối chơi cống hiến.

PCT chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn (trái) cần chỉ ra một phong cách thi đấu xuyên suốt của các Đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển U.20 của HLV Hoàng Anh Tuấn tham dự VCK World Cup U.20 thế giới cũng một Đội tuyển đặt tính chiến đấu lên hàng đầu. Còn với Đội tuyển U.18 đang đấu giải U.18 Đông Nam Á tại Myanmar thì chỉ cần nhìn vào chiến thắng 3-0 trước Indonesia, trong một trận đấu mà Đội tuyển này chỉ sở hữu khoảng hơn 30% thời lượng kiểm soát bóng là đủ hiểu tính thực dụng được đề cao tới mức nào. Như thế có nghĩa bóng đá Việt Nam đang chứng kiến một nghịch lý khi U.15, U.18, U.20 chơi một kiểu còn U.22, Đội tuyển Quốc gia lại chơi một kiểu hoàn toàn khác. Như thế cũng có nghĩa giữa các Đội tuyển này không có tính nhất thống chiến lược nào cả.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển khẳng định lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh... thực sự tài năng, và chắc chắn vẫn được đầu tư phát triển. Vậy thì người thay thế HLV Hữu Thắng cầm lái lứa cầu thủ tài năng này rốt cuộc sẽ xây dựng một phong cách chơi bóng như thế nào? Nó sẽ là sự tiếp nối của phong cách tận hiến mà HLV Hữu Thắng xây dựng hay sẽ chuyển sang chơi kiểu an toàn, thực tế giống các đội tuyển U dưới mình? Đấy rõ ràng là một vấn đề lớn, nghiêm túc, cần phải được trả lời trước khi chọn HLV. Tiếc thay điều này hoặc không xảy ra hoặc không được đề cập trong buổi gặp gỡ báo chí vừa rồi.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên của Thường trực VFF cho biết cái khó nhất trong việc chọn HLV lúc này là vấn đề mức lương, và có lẽ vấn đề ấy đã hút gần như tất cả sự quan tâm của các thành viên trong thường trực, để rồi vấn đề phong cách, trường phái của tân HLV trưởng đã bị bỏ qua? Nói như Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn, rằng "HLV mới phải phù hợp với bóng đá Việt Nam" là một cách nói chung chung, không rõ ràng. Lẽ ra phải nói: "HLV mới cần phù hợp với chiến lược phát triển của các Đội tuyển Việt Nam, từ U.15, U.18, U.20 đến U.22 và Đội tuyển Quốc gia".

Tất nhiên, người ta chỉ có thể nói như vậy khi đã biết chắc là mình sẽ đi theo một phong cách, một trường phái, một chiến lược như thế nào.

Tính chiến lược phải đặt lên đầu

Trong 3 kỳ SEA Games gần đây, bóng đá Thái Lan sử dụng 3 HLV khác nhau, từ Kiatisak, Surachai đến Worawut, và giữa 3 HLV này cũng có những khác biệt nhất định về phong cách. Ví dụ như thời Kiatisak, Surachai, người Thái đá tấn công áp đảo, còn dưới thời Wurawut, họ lại tấn công tuỳ từng thời điểm.

Nhưng nhìn một cách tổng quan, chiến lược thì cả 3 đội tuyển ở 3 kỳ SEA Games đều có những cầu thủ kỹ thuật và chơi bóng với một phong cách, một tư tưởng nhất quán. Sự nhất quán ấy còn được duy trì ở Đội tuyển Quốc gia Thái, dưới sự dẫn dắt của ông thầy ngoại Rajevac. Nhìn vào phong cách thi đấu của các đội bóng Nhật Bản hay Hàn Quốc người ta cũng thấy một sự nhất quán tương tự.

Điều đó có nghĩa ở những nền bóng đá này, tính chiến lược về phong cách đã được đặt ra và duy trì ở mức ổn định tương đối. Không vì một ông thầy mới mà một Đội tuyển lại "xé" bài và tính chiến lược ban đầu bị phá vỡ.        

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.