Phận bèo dạt mây trôi của bóng đá Nam Định

Thứ Năm, 25/07/2019, 08:07
Mới đây HLV Nguyễn Văn Sỹ đã lùi về làm Giám đốc kỹ thuật ở Nam Định, nhường vị trí HLV trưởng cho anh trai Nguyễn Văn Dũng. Chuyện chèo lái bóng đá Nam Định của anh em Dũng - Sỹ không chỉ là chuyện lạ duy nhất tại đội bóng thành Nam. Đây vốn là địa phương hâm mộ bóng đá bậc nhất cả nước, nhưng số phận của đội bóng tỉnh nhà lại luôn long đong bất định.


Ba chìm bảy nổi

Nam Định là một trong những địa phương hiếm hoi có CLB bóng đá trước năm 1945. Ở thời điểm đó đội bóng Cotonkin đã 2 lần vô địch Đông Dương vào các năm 1943 và 1945. Trong giai đoạn bao cấp, tiền thân của CLB Nam Định ngày nay là đội Công nghiệp Hà Nam Ninh từng vô địch giải A1 quốc gia năm 1985. Nhưng chỉ 3 năm sau giai đoạn đổi mới, đội bóng cũng giải thể và đến năm 1991 mới trở lại.

Khi bóng đá Việt Nam chính thức bước lên sân chơi chuyên nghiệp với tên gọi V.League, Nam Định chính là 1 trong 10 đội bóng đầu tiên góp mặt. Sức hấp dẫn của một đội bóng có bề dày truyền thống giúp Nam Định dễ dàng có Mạnh Thường Quân là Tổng công ty Sông Đà tài trợ. Đó chính là giai đoạn hoàng kim của bóng đá thành Nam. Họ sở hữu những chân sút hàng đầu, tuyển mộ HLV ngoại, cạnh tranh ngôi đầu với SLNA, HAGL và thậm chí còn giành vé dự AFC Champions League.

Bóng đá Nam Định giờ chỉ là cái bóng của quá khứ.

Ngày HLV Herve Renard giúp Morocco giành vé dự World Cup, mọi người mới bất ngờ khi biết ông từng có thời gian làm thuyền trưởng ở Nam Định hồi đầu năm 2004. Dưới trướng vị HLV người Pháp ở Nam Định ngày ấy là Nguyễn Văn Sỹ tài hoa cùng bộ đôi tiền đạo Achilefu - Amaobi. Cả hai ngoại binh này đều tạo dựng tên tuổi trong màu áo Nam Định bằng việc giành danh hiệu Vua phá lưới V.League.

Sau khi kết thúc hợp đồng tài trợ với Tổng công ty Sông Đà, Nam Định tiếp tục có những nhà tài trợ lớn khác như Mikado, Đạm Phú Mỹ, Megastar. Đây cũng là lúc bóng đá Nam Định dần tụt xuống hố sâu tăm tối. Kể từ khi giành chức vô địch Cúp Quốc gia năm 2007, bóng đá Nam Định lao dốc không phanh. Những trụ cột như Quang Huy, Đức Dương, Xuân Phú đều tìm đường đầu quân cho những CLB khác giàu tiềm lực tài chính hơn. Hệ quả là đội bóng xuống 2 hạng liên tiếp trong 2 năm 2010 - 2011.

Từ một thế lực của bóng đá Việt Nam nhưng phải tụt xuống tận giải hạng Nhì, CLB Nam Định có những lúc tưởng chừng phải giải thể. Tuy nhiên, cuối cùng tỉnh Nam Định vẫn quyết giữ lại, rồi tái thiết đội bóng với mục tiêu trở lại sân chơi V.League. Hành trình trở lại bóng đá đỉnh cao của Nam Định không hề dễ dàng. Họ liên tiếp thất bại trong 2 lần liên tiếp đá play-off giành suất lên chơi giải hạng Nhất vào các năm 2012 và 2013.

Phải đến năm 2014, họ mới thăng hạng thành công. Sau đó Nam Định tiếp tục trải qua 3 năm ở giải hạng Nhất mới có thể lên chơi ở V.League. Ngày Nam Định vô địch giải hạng Nhất, HLV Nguyễn Văn Sỹ cùng các cầu thủ òa khóc vì giấc mơ đã thành hiện thực. Nam Định cuối cùng cũng trở lại trên bản đồ bóng đá Việt Nam sau nhiều năm ngụp lặn ở hạng dưới.

Nhưng chỉ sau vài vòng đầu tiên của V.League 2018, Nam Định bắt đầu nếm trải sự khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp. Họ đứng ở vị trí cầm đèn đỏ 22/26 vòng đấu, bao gồm 13 vòng liên tiếp đứng chót bảng; và chỉ có thể trụ lại nhờ suất đá play-off. Tình hình tài chính của CLB cũng khó khăn tới mức cầu thủ và ban huấn luyện bị nợ lương nhiều tháng liền, tới mức HLV Nguyễn Văn Sỹ phải lên truyền hình cầu cứu. Nhiều cầu thủ trong đội thậm chí phải đi vay người thân để gia đình có tiền sinh hoạt hàng ngày.

Trụ vững nhờ tình yêu

Nam Định là một trong những đội bóng có nhiều cái "nhất" theo chiều tiêu cực: Kinh phí eo hẹp nhất, chiều cao trung bình toàn đội thấp nhất... Bù lại, họ có một cái nhất mà không đội bóng nào có được: Sự ủng hộ vô điều kiện của khán giả. Bất chấp việc Nam Định luôn nằm trong nhóm xuống hạng ở V.League mùa trước, lượng khán giả Nam Định luôn vượt xa phần còn lại. Chính những con người trên sân Thiên Trường đã tái hiện hình ảnh V.League sôi động ngày nào.

Trung bình mỗi trận luôn có 15000 khán giả đến theo dõi, và 3/6 trận đấu đông khán giả nhất của V.League năm ngoái diễn ra trên sân Thiên Trường. Trận đấu nhiều khán giả đến xem nhất ở đây là trận Nam Định hòa Cần Thơ 0-0. Người Nam Định không câu nệ thành tích thi đấu, họ chỉ cần đến sân cổ vũ cho đội nhà thôi. Vì thế, ngay cả khi cầu thủ thi đấu trong tình trạng không có lương và khả năng xuống hạng rõ ràng hơn bao giờ hết, Nam Định vẫn quyết tâm trụ lại V.League.

Các cầu thủ và ban huấn luyện không muốn chứng kiến cảnh đội nhà rơi tự do một lần nữa như 10 năm trước, thế nên họ luôn ra sân với tinh thần cao nhất. Đáp lại, Nam Định không chỉ được người hâm mộ tỉnh nhà ủng hộ. Ngày họ đá suất play-off trụ hạng gặp Hà Nội B, hàng ngàn CĐV Hải Phòng đã đến sân Vinh cổ vũ cho đội bóng thành Nam. Từ đó đến nay, tình hình tài chính của CLB đã sáng sủa hơn rất nhiều.

Việc có thêm nhà tài trợ giúp Nam Định có thể giữ chân những trụ cột của đội bóng. Nam Định bây giờ không còn thường trực ở vị trí cầm đèn đỏ nữa, và họ có thể tự quyết cho số phận của mình. Đó cũng là cơ sở giúp Nam Định tin một ngày nào đó họ có thể trở lại hùng mạnh như trước, thời điểm họ từng có những tiền đạo hàng đầu giúp đội bóng tung hoành ở V.League.

HLV Nguyễn Văn Dũng: Người tài hoa, kém tiếng

Không nổi tiếng như người em trai Nguyễn Văn Sỹ, nhưng Nguyễn Văn Dũng được đánh giá là một trong những tiền đạo tài hoa bậc nhất bóng đá Việt Nam từng có. Ông là người duy nhất từng 4 lần giành danh hiệu Vua phá lưới, bao gồm 3 lần liên tiếp vào các năm 1984, 1985 và 1986. Năm 1998, Nguyễn Văn Dũng giành ngôi Vua phá lưới lần thứ 4 dù khi đó đã 35 tuổi.

Khi còn thi đấu, Nguyễn Văn Dũng nổi tiếng bởi khả năng chơi bóng bằng đầu. Điều này đúng cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông không chỉ biết di chuyển hợp lý, mà còn ghi rất nhiều bàn thắng từ những pha đánh đầu. Số bàn thắng ghi bằng đầu của Nguyễn Văn Dũng nhiều tương đương số bàn ông ghi bằng chân.

Năm 2001, Nguyễn Văn Dũng giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện. Thành tích đáng chú ý nhất của ông là chức vô địch U21 quốc gia với Nam Định vào năm 2004. Sau đó Nguyễn Văn Dũng từng làm HLV trưởng CLB Hải Phòng, rồi sát cánh cùng Nguyễn Văn Sỹ tại Ninh Bình và Nam Định.

Cẩm Chi
.
.
.