Những rào cản vận động viên tập huấn dài hạn nước ngoài

Thứ Ba, 21/03/2017, 08:44
Câu chuyện của kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm phải ngưng chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ hay chuyện anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan đành tập ở Việt Nam vì vấn đề kinh phí đã cho thấy những khó khăn của không ít VĐV Việt Nam khi muốn tập huấn dài hạn tại nước ngoài.

Có tiền cũng khó

Cuối năm ngoái, người ta đã nghĩ đến viễn cảnh làng bơi Việt Nam sẽ có một Nguyễn Thị Ánh Viên thứ hai khi chứng kiến kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm được nhận tài trợ khoảng 18 tỷ đồng trong 9 năm từ Nutifood. Gói tài trợ này bảo đảm để kình ngư trẻ này đi tập huấn dài hạn tại Mỹ mà không phải cấn cá về kinh phí.

Trước đó, đấy là câu hỏi lớn cho Nguyễn Diệp Phương Trâm trong việc nâng tầm từ tài năng trẻ thành ngôi sao trên đường bơi. Đến khi có nguồn kinh phí, chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ cho Nguyễn Diệp Phương Trâm nhanh chóng được thu xếp.

Đáng chú ý, kinh phí cho chuyến tập huấn này hoàn toàn do ngành thể thao TP Hồ Chí Minh và nhà tài trợ Nutifood lo liệu cho Nguyễn Diệp Phương Trâm và HLV của cô là Võ Thị Mỹ Trang. Tại Việt Nam, hiếm đơn vị thực hiện được điều này khi kinh phí luôn là rào cản. Muốn làm được, phải trông vào kinh phí từ Tổng cục TDTT.

Nhưng chỉ 6 tháng sau chuyến tập huấn gây chú ý, cô trò Võ Thị Mỹ Trang – Nguyễn Diệp Phương Trâm về nước rồi… không trở lại Mỹ. Lý do thực sự không được người trong cuộc đưa ra cụ thể. Chỉ biết rằng vấn đề không nằm ở kinh phí mà ở khía cạnh khác. Sau đó, Nguyễn Diệp Phương Trâm tập huấn cùng đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia II (TP Hồ Chí Minh) để chuẩn bị cho SEA Games 29.

Còn HLV Võ Thị Mỹ Trang không tiếp tục sát cánh cô học trò bấy lâu của mình. Câu chuyện giữa hai cô trò đến lúc này vẫn chưa cụ thể nhưng rõ ràng là năm đầu tiên trong kế hoạch tập huấn dài hạn ở Mỹ đã không suôn sẻ. Kinh phí đầu tư cho cả nửa năm xem như không mang lại hiệu quả mong muốn.

Vài năm trước, làng bơi Việt Nam cũng chứng kiến trường hợp tương tự khi kình ngư Hoàng Quý Phước và HLV Nguyễn Tấn Quảng đã phải sớm chia tay nước Mỹ sau hơn 3 tháng tập luyện. Nguyên nhân không cụ thể nhưng thành tích của Hoàng Quý Phước không như kỳ vọng trong khi nội bộ các HLV tại Mỹ trong thời điểm đó có vấn đề. Trước chuyến tập huấn này, Tổng cục TDTT, ngành Thể thao Đà Nẵng đã chung tay lo liệu kinh phí để đưa “rái cá sông Hàn” lên tầm châu lục.

Đến bây giờ, trường hợp tập huấn dài hạn tại nước ngoài gây tiếng vang nhất vẫn là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên với sự chung tay của Tổng cục TDTT và thể thao Quân đội. Vấn đề là trong thành công của Ánh Viên, cả HLV lẫn VĐV đều tìm được tiếng nói chung cũng như đủ ý chí để vượt qua nhưng khó khăn ban đầu nơi đất khách. Nhờ đó, số tiền đầu tư cho thầy trò Nguyễn Thị Ánh Viên đã và đang phát huy tác dụng. 

Quách Công Lịch (330) phải gác lại giấc mơ tập huấn tại Mỹ vì lý do kinh phí. Ảnh: Minh An.

Ít tiền còn khó hơn

Trong cuộc gặp báo chí mới đây, đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã xác nhận rằng, cặp anh em và cũng là 2 tuyển thủ hàng đầu cự ly 400m, 400m rào tại Việt Nam là Quách Công Lịch, Quách Thị Lan sẽ tập huấn tại Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games 29 thay vì đi tập huấn dài hạn tại Mỹ.

Nguyên nhân được chỉ ra là do vấn đề kinh phí của cả ngành Thể thao Thanh Hóa lẫn Tổng cục TDTT. Lo cho anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan tập huấn tại Mỹ đã ngốn một khoản đáng kể, đương nhiên phải là tiền tỷ trong một năm. Nhưng nếu thêm một suất cho HLV đi cùng để lo chuyên môn, giao tiếp với chuyên gia bản địa, cũng như chăm lo dinh dưỡng thì kinh phí sẽ đội lên đáng kể. Mà đây là vấn đề quan trọng với anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan.

Cả hai từng thừa nhận rằng, vốn liếng ngoại ngữ cũng là rào cản đáng kể với họ khi tập huấn tại Mỹ. Điều đó khiến họ không thể tiếp thu hết ý tưởng của HLV nước ngoài, không thể giao tiếp trôi chảy với các HLV và VĐV khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Việc có một HLV đáp ứng cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn, dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ giúp họ tăng đáng kể hiệu quả của một chuyến tập huấn dài hạn, tốn tiền tốn của.

Nhưng đúng là “cái khó bó cái khôn” và ngành Thể thao đành chọn giải pháp an toàn là để hai anh em tập huấn trong nước, nhằm bảo đảm mục tiêu giành HCV ở SEA Games 29. Như thế còn hơn để hai anh em đi tập huấn tại Mỹ rồi tự giao tiếp, tự chăm lo bản thân. Nếu có vấn đề phát sinh thì ngành Thể thao cũng không kịp điều chỉnh.

Thực tế trong năm 2016, cả hai đã tập huấn nhiều tháng tại Mỹ và gặt hái thành công ban đầu, nhất là về các chỉ số thể lực, kỹ thuật. Đến khi về Việt Nam, được chuyên gia Bulgaria bổ sung về kỹ thuật, cả hai vô đối trên đường chạy 400m ở Việt Nam. Chính Quách Công Lịch và Quách Thị Lan cũng bộc lộ mong muốn quay lại Mỹ để tập huấn bởi đã thích nghi được văn hóa, cách huấn luyện tại đây. Nhưng cái khó về vốn ngoại ngữ, về kinh phí đã buộc cả hai phải tập huấn ở Việt Nam và đành chọn tham dự một số giải quốc tế để làm thước đo, nâng cao thành tích.

Xem ra, thể thao Việt Nam sẽ còn trong vòng luẩn quẩn khi những chuyến tập huấn dài hạn tại nước ngoài được coi là bước ngoặt để nâng tầm VĐV lại bị dừng lại vì những lý do khách quan và chủ quan trên. Biết là vậy nhưng lại không dễ giải quyết.

Minh Khuê
.
.
.