Những niềm vui... cười ra nước mắt

Thứ Bảy, 16/04/2016, 08:02
Thể thao Việt Nam thời điểm hiện tại đang thăng hoa với những tấm vé chính thức dự Olympic 2016. Chúng ta mừng vì từng vận động viên đạt được kết quả trên cả kỳ vọng. Nhiều người giành vé đi Olympic 2016 trong sự bất ngờ pha lẫn… bỡ ngỡ của chính nhà quản lý, giới chuyên môn.


Không phải “hạt giống” lại làm nên chuyện

Hai trường hợp cần nhắc nhiều nhất trong các lượt vòng tuyển chọn Olympic của thể thao Việt Nam thời gian này là Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh) và Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm). Trước khi thi đấu, họ không phải những tuyển thủ được giới chuyên môn dự tính sẽ giành được suất chính thức dự Olympic 2016.

Dù vậy, Thành Ngưng trở thành vận động viên đầu tiên của điền kinh Việt Nam giành suất chính thức dự Olympic 2016. Ngưng đã thi đấu tốt tại giải đi bộ 20km vô địch châu Á ở Nhật Bản (diễn ra trong tháng 3), vượt chuẩn Olympic. Kết quả trên của Ngưng được chấp nhận qua đó nhận vé chính thức đi Rio de Janeiro (Brazil) dự Olympic 2016 tháng 8 tới đây.

VĐV đấu kiếm Nguyễn Thị Lệ Dung.

Điền kinh chúng ta có Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào) là người vượt chuẩn đầu tiên. Thế nhưng, dựa trên tiêu chí xét thông số chuyên môn của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF), Huyền phải đợi đến tháng 7 mới biết chính xác mình chính thức được vé dự Olympic 2016 hay không.

Nguyễn Thị Như Hoa đi Trung Quốc thi đấu vòng tuyển chọn Olympic môn đấu kiếm (vừa diễn ra trong tháng 4) trong tâm trạng và dự liệu chỉ cọ xát tích lũy là chính. Bản thân nhà quản lý môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) không đoán định rằng Hoa sẽ vượt qua những vòng đầu chứ chưa vội nói đến khả năng giành suất chính thức Olympic 2016.

Đùng một cái, Như Hoa (kiếm ba cạnh nữ) lọt vào chung kết, chiến thắng đối thủ để giành chiếc vé quý giá. Nội dung kiếm ba cạnh nữ được đánh giá rất khó giành vé. Với vận động viên nữ Việt Nam lại càng không thể (trước khi tranh tài). Quy định của vòng loại Olympic là chỉ người xếp nhất vòng loại mới nhận suất chính thức Olympic 2016. Như Hoa đã làm được trong sự ngỡ ngàng.

Cả Ngưng và Hoa giống nhau ở một điểm, họ không thuộc diện được Tổng cục TDTT và bộ môn đầu tư vào danh sách những người trọng điểm có thể giành được vé Olympic. Hành trình của họ đến nơi thi đấu hoàn toàn do địa phương bỏ chi phí.

Thực tế, Ngưng và Hoa làm mọi dự đoán của nhà quản lý bị… việt vị. Với nội dung đi bộ của đội điền kinh Việt Nam, chị gái Nguyễn Thị Thanh Phúc của Thành Ngưng mới là tuyển thủ được ưu ái và quan tâm hơn cả. Trong môn đấu kiếm, nội dung kiếm ba cạnh, chúng ta nhắm cho Nguyễn Tiến Nhật của nam.

Tại giải vô địch đi bộ châu Á 2016, Thanh Phúc sớm bị loại vì phạm quy, còn ở vòng tuyển chọn Olympic của môn đấu kiếm tại châu Á, Tiến Nhật bị loại tại tứ kết. Thành Ngưng và Như Hoa đạt được vé là điều mừng. Tuy nhiên, chắc chắn không muốn điều ấy trở thành một thông lệ bởi ai cũng mong mỏi các VĐV trọng điểm được đầu tư phải đạt được kết quả tương xứng với những gì được hưởng, đồng thời nhà chuyên môn phải nhận định, đúng con người, đúng chuyên môn chứ không thể vui vì có bất ngờ.

Hơn 10 năm thi đấu vẫn nguyên sức hút

Giải bóng chuyền cúp Hùng Vương là một trong những hoạt động thể thao cụ thể nhất diễn ra trong những ngày hội dịp Giỗ Tổ trên đất Phú Thọ. Năm nay, giải đấu ấy vẫn không ngoại lệ. Thực tế hiển hiện, sức hút cho giải đấu hóa ra nằm ở những cầu thủ kỳ cựu mà không đến từ người trẻ. Nhiều cái tên quen thuộc của bóng chuyền nước nhà như Nguyễn Hữu Hà, Ngô Văn Kiều, Phạm Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Ngọc Hoa… đang thi đấu tại Phú Thọ. Nhà thi đấu chật kín khán giả một phần vì ai cũng muốn xem họ thi đấu.

Hơn 10 năm trước, những cầu thủ ấy đã bước vào độ chín sự nghiệp nhưng lúc này, sau ngần ấy năm, họ vẫn đứng trong đội hình chính. Cầu thủ trẻ không thể thay thế. Một ví dụ cụ thể nữa tại Phú Thọ lúc này là cầu thủ Bùi Trung Thảo (bóng chuyền nam Ninh Bình) đã ở tuổi 42, đã có lúc xin nghỉ, bây giờ lại ra thi đấu và vào sân bật, nhẩy đập bóng như trai trẻ.

Ngoài họ, một số cầu thủ khác ở tuổi ngoài 40 như thế hiện còn thi đấu nhưng ít người nhắc tới vì không nổi tiếng. Nói ra để thấy, bóng chuyền là môn có tính vận động cao và sức khỏe của vận động viên đi cùng theo tuổi tác. Thế nhưng, nhiều cầu thủ đàn anh, đàn chị ở tuổi ngoài 30, 40 ấy vẫn thi đấu không nghỉ ngơi. Vận động viên trẻ thay thế chưa được. Điều này đúng là buồn nhiều hơn vui.

Cần lắm những phần thưởng xứng đáng 

Kiếm thủ Nguyễn Thị Lệ Dung là một trong 3 người giành vé chính thức dự Olympic 2016 sau khi thi đấu tại vòng loại Olympic vừa qua. Hơn 13 năm đam mê với cây kiếm, tuyển thủ người Hà Nội này đã có kết quả mỹ mãn nhất sự nghiệp đấy là một lần được dự một kỳ Olympic.

Phía sau sàn đấu, ít ai biết rằng, trong 13 năm tập luyện thi đấu và đạt thành tích đáng kể cho đấu kiếm Hà Nội, cô chưa được xét vào biên chế Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội. Sau SEA Games 28-2015, Lệ Dung hướng nhiều hơn sang công tác huấn luyện vận động viên trẻ.

Để giữ được một người đam mê, có trình độ như Lệ Dung, với đặc thù của công việc, những nhà quản lý bộ môn đấu kiếm Hà Nội mong lắm một suất biên chế cho tuyển thủ này. Cũng có thể, Dung sẽ không được suất biên chế vì tất cả phụ thuộc theo chỉ tiêu công chức. Ít nhất, chiếc vé Olympic 2016 là kết quả đáng tự hào của Lệ Dung và đó là cái cớ xác thực để nữ kiếm thủ này cần một phần thưởng xứng đáng.

DP

Diệu Phương
.
.
.