Những hợp đồng chỉ có ở thể thao Việt Nam

Thứ Bảy, 23/01/2016, 11:05
Với trường hợp của HLV Miura, ông sẽ bị sa thải hay chủ động xin rút hoặc được triển hạn hợp đồng không còn bí mật lâu. Theo tìm hiểu, cơ hội triển hạn hợp đồng gần như không thể.


Đền bù hay không đền bù là điều khoản luôn có sẵn trong các hợp đồng thể thao về thuê, mượn HLV và VĐV. Với thể thao Việt Nam, ở cấp đội tuyển quốc gia, bóng đá là môn thiếu tính ổn định nhất vì các đời HLV trưởng thường kéo dài không quá 2 năm. Hợp đồng khi ký với nhau thì rất vui vẻ nhưng khi không mặn nồng lại chẳng ai muốn nhìn tới…

Thay người như thay áo

Nghề huấn luyện viên (HLV) trưởng cho đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đang được xem là công việc… bất định nhất trong làng thể thao lúc này. Tâm điểm hiện tại là HLV Miura. Chuyên gia người Nhật Bản còn làm việc nữa hay không với bóng đá Việt Nam sẽ có những quyết định sớm từ lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá (VFF).

Thời gian hết hợp đồng của ông Miura sẽ vào tháng 4-2016. Trước ông Miura, người được nắm vai trò HLV trưởng là ông Hoàng Văn Phúc. Thời gian ông tại nhiệm cũng chỉ kéo dài gần một năm (bắt đầu từ tháng 5-2013). Trước ông Hoàng Văn Phúc, một đồng nghiệp của ông là HLV Phan Thanh Hùng đã chấp nhận đảm trách vai trò HLV trưởng tuyển quốc gia trong thời gian ngắn để dự AFF Cup 2012. Sau giải đấu trên, HLV người Đà Nẵng đã rút lui khỏi đội tuyển.

Giai đoạn từ tháng 6-2011 đến tháng 1-2012, bóng đá Việt Nam đã mời chuyên gia người Đức Falko Goetz nắm vị trí HLV trưởng. Ông thầy người Đức được lãnh đạo VFF khẳng định chuyên môn tốt thế nhưng HLV này không thể hiện được nhiều. Thậm chí, trước khi hai bên (VFF và ông Goetz) nói lời chia tay, tất cả chỉ cần một cuộc họp kéo dài 20 phút rồi quyết định cuối cùng. Người tiền nhiệm rút lui trước khi ông Goetz đến với đội tuyển quốc gia chính là HLV Calisto (giai đoạn từ 2008-2011). 

Nhìn vào những ví dụ trên để thấy, thời gian cầm quân của các HLV được trao quyền HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam thường không quá 2 năm. Ông Calisto là trường hợp làm việc dài hơi nhất với quãng thời gian hơn 3 năm. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha là HLV duy nhất được VFF triển hạn hợp đồng. Đáng tiếc, ông cũng không đi hết được quãng đường trong hợp đồng triển hạn mới với VFF (bắt đầu từ tháng 3-2010 và dự kiến kéo dài đến năm 2013). Tháng 3-2011, ông đã chủ động xin nghỉ.

HLV Miura trở về từ Qatar mới đây.

Một đặc thù của bóng đá Việt Nam là HLV trưởng không chỉ đảm trách huấn luyện đội tuyển quốc gia mà còn song hành nhiệm vụ với đội U23. Vì thế, thành tích của đội tuyển quốc gia và U23 phải được đảm bảo kết quả tốt nhất. Chỉ nội việc không thành công tại SEA Games và AFF Cup thì đương nhiên, vị trí của HLV trưởng bị lung lay dữ dội trước áp lực của nhà quản lý và truyền thông. Đây là hai giải đấu có thời gian tổ chức gối đầu nhau từng năm nên áp lực với HLV trưởng rất lớn. 

Khi ông Goetz và Miura được ký hợp đồng, lãnh đạo VFF đều chung chia sẻ đó là những HLV có chuyên môn tốt nhưng sau một năm làm việc, chính giới chức VFF lại là những người lên tiếng khẳng định năng lực của họ chưa phù hợp. Với trường hợp của HLV Miura, ông sẽ bị sa thải hay chủ động xin rút hoặc được triển hạn hợp đồng không còn bí mật lâu. Theo tìm hiểu, cơ hội triển hạn hợp đồng gần như không thể.

Đến chuyện hết hợp đồng xong vẫn bị cấm

Thể thao Việt Nam từng biết đến Nguyễn Hữu Hà (bóng chuyền) là VĐV “cười ra nước mắt” trong trường hợp đã hết hạn hợp đồng với đội bóng nhưng vẫn bị “treo” không thể thi đấu. Năm 2014, Hữu Hà kết thúc hợp đồng với CLB bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai. 

Tuy vậy, hợp đồng của VĐV với đội bóng lại có điều khoản ghi cụ thể: “Sau khi đơn phương thanh lý hợp đồng, VĐV Nguyễn Hữu Hà tự nguyện cam kết giải nghệ, không tham gia thi đấu cho đội bóng chuyền nào trong nước cũng như nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào”. 

Chính vì điều khoản này, Hữu Hà dù là người tự do vẫn không được Liên đoàn Bóng chuyền cho phép thi đấu. Mặc dù thực tế, nếu VĐV và đơn vị chủ quản không còn vướng mắc hợp đồng, quyết định cho VĐV thi đấu là ở liên đoàn chứ không phải CLB. Khúc mắc có lẽ chỉ bản thân VĐV và đơn vị chủ quản mới rõ nội tình. 

Mới đây nhất, bóng chuyền thêm trường hợp tuyển thủ quốc gia Từ Thanh Thuận đã hết hợp đồng với CLB nam Vĩnh Long muốn xin giải quyết, thanh lý hợp đồng tìm nơi thi đấu mới. Hợp đồng hết hạn ngày 31-12-2015 nhưng Thanh Thuận mất nửa tháng đến giờ chủ động xin gặp lãnh đạo nhằm giải quyết công việc đều vô vọng. Nhà quản lý không gật đầu. Vì sự tréo ngoe ấy nên đến bây giờ, Thanh Thuận đang bơ vơ chưa thuộc quản lý của CLB nào.

Tránh mất tiền oan

Năm 2004, bóng đá Việt Nam từng nhận trái đắng là phải đền bù 197.800 USD gồm 13 tháng tiền lương (khoảng 140.000 USD) và 57.800 USD tiền phạt nảy sinh trong quá trình khiếu kiện cho HLV người Pháp Letard mà chúng ta từng thuê về rồi sa thải. Đây là mức phí tốn kém nhất mà bóng đá Việt Nam phải đền bù cho một HLV ngoại khi sa thải họ. 

Năm 2011, HLV Calisto (mức lương lúc đó là 24.000 USD) rút lui nhưng trong những thỏa thuận với VFF thì vị chuyên gia người Bồ Đào Nha chỉ nhận một khoản chi phí không thật lớn. Năm 2012, HLV Falko Goetz bị VFF sa thải và sau những thương thảo đền bù thì đôi bên thống nhất chi phí ông thầy người Đức nhận 100.000 USD. Với HLV Miura, nếu VFF sa thải lúc này, họ sẽ phải đền bù hợp đồng bởi vì tháng 4-2016 mới hết hạn ký kết. Tuy nhiên, để êm đẹp thì nhiều khả năng đôi bên cùng ngồi lại với nhau đến hết chặng đường vì thời gian chẳng còn bao nhiêu. 

Năm 2015, trong một tiết lộ được rò rỉ từ VFF thì nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng với HLV người Nhật Bản mức phí không ít hơn ông Goetz trước kia. Trong khó khăn kinh tế, VFF rất thận trọng không vội vàng quyết định mà vẫn bảo lưu ý kiến để ông Miura làm việc đúng hợp đồng đã ký kết.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.