Những VĐV Việt kiều tăng thêm hy vọng cho đoàn thể thao Việt Nam

Chủ Nhật, 30/07/2017, 10:04
SEA Games 29 sẽ là kỳ SEA Games có nhiều nhất số vận động viên Việt kiều cũng như vận động viên có bố hoặc mẹ là người người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam. Những vận động viên thuộc diện này được hy vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực về thành tích, qua đó có thể đóng góp vào thứ hạng toàn đoàn của Đoàn Việt Nam.

Người mới, hy vọng mới

Đa số vận động viên thuộc diện trên đều lần đầu tiên tham dự SEA Games.

Đội tuyển có đông vận động viên Việt kiều nhất ở kỳ SEA Games này chính là đội tuyển Bóng rổ nam. Chưa từng giành huy chương tại đấu trường SEA Games nhưng trước SEA Games 29, những nhà quản lý bộ môn đã bắt đầu mơ mộng về tấm huy chương đồng dù trong khu vực Đông Nam Á có quá nhiều đội bóng mạnh như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Nhìn vào thành tích chỉ giành 1 trận thắng ở kỳ SEA Games 28, ít người dám tin vào việc đội tuyển Bóng rổ nam có thể chạm tới tấm huy chương SEA Games 29. Nhưng khi đội tuyển đã có sự góp mặt của 3 cầu thủ Việt kiều là Nguyễn Tuấn Tú (còn gọi là Stefan Nguyễn), Horace Nguyễn (Horace Nguyễn Tâm Phúc) và Tâm Đinh (Đinh Thanh Tâm) thì hy vọng được nhen lên.

Cả 3 cầu thủ này thi đấu nổi bật ở Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam năm 2016 và đều trưởng thành từ môi trường bóng rổ ở Thụy Điển (với Nguyễn Tuấn Tú) và Mỹ (Horace Nguyễn, Tâm Đinh). Trở về Việt Nam thi đấu, cả 3 lập tức trở thành “đầu tàu” ở những đội bóng mà họ đầu quân. Chính từ lúc thi đấu tại Việt Nam, họ đã thấy cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý để thỏa ước nguyện.

Đến lúc này, họ vẫn được coi là vũ khí bí mật của đội tuyển bóng rổ nam Việt Nam. Thậm chí, những người có trách nhiệm đã không cử bộ 3 này tham dự Giải Bóng rổ Đông Nam Á 2017 nhằm giữ bí mật đến phút cuối về chất lượng nhân sự đội tuyển.

 Kình ngư Lê Nguyễn Paul ở đội tuyển Bơi Việt Nam cũng được hy vọng sẽ tăng sức cạnh tranh cho các kình ngư nam Việt Nam ở SEA Games 29. Một cuộc gặp vô tình với huấn luyện viên đội tuyển Bơi Việt Nam Đặng Anh Tuấn tại Mỹ vào năm 2014 đã đưa anh đến với làng bơi Việt Nam.

Từ năm 2015, anh đã đầu quân cho đội Bơi An Giang tại Giải vô địch quốc gia và lập tức gây chú ý. Lẽ ra, trong năm đó anh đã tham dự SEA Games 28 ở Singapore nhưng do không kịp hoàn thành thủ tục để đủ điều kiện khoác áo đội tuyển Việt Nam nên anh đành lỡ hẹn. 2 năm sau, khi thủ tục đã hoàn tất, Lê Nguyễn Paul có tên trong danh sách Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29. Hiện tại, Lê Nguyễn Paul đang thi đấu tại Giải Bơi vô địch thế giới 2017 ở Hungary.

Còn ở đội tuyển Golf, vận động viên mang hai dòng máu Việt Nam – Nhật Bản Hanako Kawasaki sẽ có lần đầu tiên thi đấu tại SEA Games cho đội tuyển Việt Nam. Trong 2 năm gần đây, cô gái sinh năm 1999 này là cái tên nổi bật trong làng Golf nữ Việt Nam.

Vận động viên đội tuyển Golf quốc gia Hanako Kawasaki.

Giành chức vô địch Giải Golf nữ nghiệp dư Việt Nam 2016, vô địch Giải Golf nữ trẻ Việt Nam mở rộng 2017… nữ vận động viên này xứng đáng là 1 trong 3 vận động viên Golf nữ hàng đầu Việt Nam. Vì vậy, cô đã được chọn tham dự SEA Games 29 với hy vọng có thể tạo nên bất ngờ.

Đội Bắn súng nữ quốc gia cũng có một cái tên gây chú ý trong làng bắn súng Việt Nam suốt 3 năm qua là Ali Iwaki. Cũng như người đồng nghiệp Hanako Kawasaki, cô cũng mang trong mình hai dòng máu Việt Nam – Nhật Bản. Nổi lên từ năm 2015 với tấm huy chương đồng nội dung súng trường 10m tiêu chuẩn ở Giải Bắn súng trẻ châu Á ở Kuwait, đến nay, Ali Iwaki (tên Việt Nam là Nguyễn Hằng) đã là thành viên không thể thiếu của đội tuyển Bắn súng quốc gia.

Tại SEA Games 29, xạ thủ nữ 17 tuổi này dù ít có khả năng giành huy chương vàng cá nhân nhưng vẫn được coi là nhân tố bí ẩn, có thể tạo nên bất ngờ.

Hướng đi của thể thao Việt Nam

Trương Mai Nhật Linh (còn có tên khác là Linda Trương) là cái tên quen thuộc trong làng Thể dục nghệ thuật Việt Nam từ nhiều năm qua. Năm 2006, khi mới 10 tuổi, cô bé Trương Mai Nhật Linh đang sinh sống ở Ukraina được gia đình đưa trở về Việt Nam tham dự Giải vô địch Thể dục nghệ thuật quốc gia và giành ngay tấm huy chương đồng.

Đến năm 2009, cô bé thi đấu nổi bật tại Giải vô địch Thể dục nghệ thuật quốc gia khi giành tới 4 huy chương vàng. Từ đó, Trương Mai Nhật Linh thường xuyên được gọi vào đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, cô mới có điều kiện tham dự SEA Games khi Tổng cục Thể dục thể thao quyết định đăng ký thi đấu trở lại tại SEA Games cho đội tuyển Thể dục nghệ thuật sau 10 năm vắng mặt. Năm ấy, Trương Mai Nhật Linh và một đồng đội khác không giành huy chương nhưng điều ấy càng nung nấu quyết tâm cho cô.

Đến SEA Games 29, đội tuyển Thể dục nghệ thuật đã có 5 vận động viên tham dự trong đó có Trương Mai Nhật Linh, thay vì 2 vận động viên như kỳ trước. Trong 2 năm qua, Trương Mai Nhật Linh đã có những bước tiến mới về chuyên môn. Đó chính là lý do khiến cô được hy vọng sẽ giành ít nhất 1 huy chương tại SEA Games 29.

Trong tình cảnh mới gây dựng lại lực lượng của Thể dục nghệ thuật hiện nay, một tấm huy chương đồng tại SEA Games 29 cũng rất quý giá. Ở đội tuyển, Trương Mai Nhật Linh đang là “đầu tàu” nên không lạ khi hy vọng được dồn vào cô.

Nguyễn Tuấn Tú, Horace Nguyễn, Tâm Đinh, Hanako Kawasaki, Ali Iwaki, Lê Nguyễn Paul, Trương Mai Nhật Linh… đang được hy vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực để thu hút những vận động viên Việt kiều, những vận động viên có bố hoặc mẹ là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam chủ động đóng góp cho thể thao Việt Nam.

Không ngẫu nhiên mà ngành thể thao coi họ là nguồn lực quan trọng. Như chia sẻ của ông Vương Bích Thắng – Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao thì: “Việc thu hút các nguồn lực từ trong và ngoài nước, từ những vận động viên Việt kiều đến những vận động viên có bố hoặc mẹ là người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam cũng trong chủ trương của ngành và đến nay đang cho thấy hiệu quả nhất định. Đây là một trong những hướng đi của thể thao Việt Nam bên cạnh việc chú trọng vào nội lực, tức là những vận động viên nội trưởng thành từ hệ thống đào tạo của thể thao Việt Nam”.

Đội tuyển Bóng rổ nữ suýt có vận động viên Việt kiều

Trước SEA Games 29 này, đội tuyển Bóng rổ nữ quốc gia cũng suýt có vận động viên Việt kiều góp mặt. Nhưng vì những lý do khách quan nên đến phút cuối, đội tuyển chỉ có vận động viên nội tham dự SEA Games 29. Tuy nhiên, đội tuyển Bóng rổ nữ quốc gia cũng vẫn hy vọng tranh chấp huy chương đồng tại SEA Games năm nay.

Minh Khuê

Minh Nhật
.
.
.