Nhân tài như lá mùa thu

Thứ Bảy, 09/01/2016, 09:22
3 Quả bóng vàng Việt Nam gần nhất là những người không nhỉnh hơn nhiều so với đồng nghiệp. Tuy nhiên, họ được bầu chọn vào vị trí số 1 là “an toàn”.


Những danh hiệu của thể thao Việt Nam trong năm 2015 đã và đang dần được trao nốt cho từng cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Mới nhất, danh hiệu cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất Việt Nam năm 2015 (Quả bóng vàng Việt Nam 2015) đã trao cho Nguyễn Anh Đức. Bây giờ, mọi người đợi chờ nốt cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc 2015…

Vẫn phải “so bó đũa chọn cột cờ”

Phải khẳng định, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức vẫn là giải thưởng danh giá và uy tín nhất về ghi nhận thành tích tập luyện, thi đấu của cầu thủ bóng đá tại Việt Nam trong một năm. Giải thưởng đã xuyên suốt từ năm 1995 đến nay. Mặc dù vậy, một số năm gần đây, trong sự phát triển chung của bóng đá quốc nội, đồng thời kết quả của các đội tuyển quốc gia đạt được không đáp ứng kỳ vọng chuyên môn, ít cầu thủ thật sự nổi bật hẳn lên.

Vì lẽ đó, nhiều ý kiến tin rằng, 3 Quả bóng vàng Việt Nam gần nhất được trao cho các cầu thủ Huỳnh Quốc Anh (CLB SHB Đà Nẵng, năm 2012), Phạm Thành Lương (CLB Hà Nội T&T, 2014) và Nguyễn Anh Đức (CLB Becamex Bình Dương, 2015) là những người không nhỉnh hơn nhiều so với đồng nghiệp. Tuy nhiên, họ được bầu chọn vào vị trí số 1 là “an toàn”.

Trước khi Ban tổ chức Quả bóng vàng 2015 xướng danh những người nhận giải thưởng, giới chuyên môn tin rằng, số phiếu bầu chọn để đứng vào vị trí số 1 giữa Quyết, Đức và Vinh ngang ngửa nhau. Trong một năm tập luyện thi đấu, mỗi người trong số họ có điểm mạnh riêng của mình khi góp mặt tại V-League đến khoác áo đội tuyển quốc gia.

Tại các cuộc bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam trước đây, nhiều cầu thủ từng được vinh danh ở bầu chọn năm trước thì năm sau thường có mặt trong danh sách rút gọn. Một số cầu thủ trong số ấy tiếp tục đứng trong 3 vị trí dẫn đầu ngay năm sau. Năm 2015, quy luật ấy vẫn tiếp tục. Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T) đoạt Quả bóng bạc và Lê Công Vinh (Becamex Bình Dương) đoạt Quả bóng đồng năm 2014. Ở năm 2015, họ vẫn nhận giải thưởng tương tự.

Người mới hoàn toàn là tiền đạo Nguyễn Anh Đức. Lần đầu tiên trong cuộc đời, bước sang tuổi 31, Nguyễn Anh Đức mới được vinh dự đứng trên bục cao nhất nhận giải thưởng danh giá là cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất trong một năm. Tiền đạo người Bình Dương trước đây chưa một lần đứng trong danh sách 3 vị trí đứng đầu tại các lần bầu chọn của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam.

Quả bóng vàng Việt Nam năm 2015 Nguyễn Anh Đức (giữa).

Về thành tích cá nhân, năm 2015, Anh Đức không thật bén duyên trong màu áo đội tuyển quốc gia. Trên phương diện CLB, tiền đạo này đúng là rất nỗ lực. Ngay tại tối nhận thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2015, Anh Đức đã giãi bày rằng mình tự tin chẳng kém ai về thành tích ở CLB trong năm qua. “Thậm chí, tôi vượt trội hơn một số cầu thủ khi mình đoạt được chức vô địch quốc gia 2015, cúp quốc gia 2015 và ghi được 9 bàn thắng tại V-League 2015.

Danh hiệu Quả bóng vàng là sự ghi nhận của hầu hết các chuyên gia và phóng viên bóng đá trong cả nước, tôi rất cảm kích mọi người vì điều này”, Đức cho biết. Dù các phiếu bầu vẫn phải “so bó đũa chọn cột cờ” tìm được người xuất sắc nhất nhưng một cầu thủ trưởng thành từ địa phương, vô địch quốc gia với đội bóng quê nhà Bình Dương như Anh Đức đã được Quả bóng vàng Việt Nam là rất đáng trân trọng.

Quả bóng vàng chưa chắc là VĐV tiêu biểu

15 năm trở lại đây, trong các lần bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc của thể thao Việt Nam không phải lúc nào Quả bóng vàng Việt Nam được góp mặt ở danh sách VĐV tiêu biểu. Năm 2001, lần đầu tiên có giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam dành cho nữ. Cựu tuyển thủ Lưu Ngọc Mai được nhận giải thưởng trên, đồng thời cô cũng có tên trong các VĐV tiêu biểu toàn quốc cùng năm.

Năm 2003, sự tương tự đến với Quả bóng vàng Việt Nam Phạm Văn Quyến. Năm 2008 là năm thành công nhất đến lúc này với môn bóng đá tại cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc. Thủ thành Dương Hồng Sơn đoạt danh hiệu Quả bóng vàng và được đứng thứ 2 trong danh sách các VĐV tiêu biểu toàn quốc. Cũng trong năm đó, HLV Mai Đức Chung đứng đầu trong danh sách các HLV tiêu biểu toàn quốc.

Lần cuối (tính tới trước cuộc bầu chọn 2015), bóng đá có cầu thủ ở danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc là năm 2009 trong trường hợp Đoàn Thị Kim Chi (cô giành Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2009). Nhiều năm trước, một bất lợi cho các cầu thủ được nhận giải Quả bóng vàng Việt Nam đấy là Ban tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam thường tổ chức trao giải khá muộn (thường vào các tháng 3 hoặc tháng 4 năm mới, dù mùa giải năm cũ kết thúc từ tháng 12 năm trước).

Cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc thường tổ chức tháng 12 để khép lại một năm hoạt động. Vì vậy, nhiều cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc đã tổ chức xong rất lâu thì giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam mới diễn ra. Nguyễn Anh Đức liệu có tên trong danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc 2015?

Tất cả đang chờ đợi. Đề cử VĐV bóng đá vào danh sách bầu hằng năm đều có. Việc đã sớm có Quả bóng vàng Việt Nam nam 2015 (Nguyễn Anh Đức), Quả bóng vàng Việt Nam nữ 2015 (Nguyễn Thị Minh Nguyệt) sẽ nhận được nhiều phiếu bầu tại cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc.

Tiếc cho Vũ Minh Hiếu

Trước đây, bóng đá Công an nhân dân ở miền Bắc có rất nhiều đội bóng từng tạo được danh tiếng như Công an Hải Phòng, Công an Hà Nội, Công an Thanh Hóa… Một trong những cầu thủ được nhiều người nhớ và mến mộ nhất là cựu tiền vệ Vũ Minh Hiếu thuộc đội bóng Công an Hà Nội trước kia.

Trong những năm thăng hoa nhất sự nghiệp cầu thủ, Vũ Minh Hiếu chưa một lần lọt vào danh sách 3 vị trí đứng đầu tại các cuộc bầu chọn giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc.

Lịch sử trong các đội bóng thuộc lực lượng Công an nhân dân thì đội bóng Công an TP Hồ Chí Minh từng có tiền đạo Lê Huỳnh Đức được nhận giải Quả bóng vàng Việt Nam năm 1995 (lần đầu tiên tổ chức giải thưởng) và năm 1997. Năm 2002, Huỳnh Đức tiếp tục nhận giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam nhưng khi đó anh đã khoác áo CLB Ngân hàng Đông Á.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.