Long đong bóng đá nữ Sơn La

Thứ Ba, 14/04/2020, 09:47
Đội bóng đá nữ Sơn La có thể sẽ bị giải thể vì những khó khăn tài chính. Đây được xem là thực trạng chung của bóng đá nữ Việt Nam.


Đội bóng đá nữ Sơn La được thành lập từ năm 2012. Thời điểm đó HLV Lường Văn Chuyên phải  đi đến tận các trường trung học phổ thông để tìm kiếm nhân sự thông qua những giáo viên thể dục. Đội bóng được thành lập với 25 thành viên ban đầu, thế nhưng để các em được chuyên tâm theo bóng đá,  HLV Lường Văn Chuyên đã phải đến từng gia đình vận động cho các em theo nghiệp “quần đùi áo số”.

Thậm chí, anh vừa là thầy nhưng cũng vừa là người tư vấn tâm lý cho các cô gái đang tuổi lớn. Bởi lẽ, khó khăn của đội bóng vùng núi này không chỉ đến từ điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn mà còn vì ban huấn luyện không có ai là nữ giới nên buộc HLV phải tự xử lý cả những vấn đề tế nhị.

Đội nữ Sơn La (áo trắng) tại giải VĐQG nữ 2019. Ảnh: HT

Đến năm 2016, lần đầu tiên tham dự giải nữ vô địch quốc gia, đấy cũng là thời điểm mà bóng đá nữ Sơn La trở thành một hiện tượng và mang theo những câu chuyện thú vị từ vùng Tây Bắc. Sau 3 mùa giải thì đội bóng đá nữ Sơn La đã rơi rụng chỉ còn lại 10 thành viên. Bởi nhiều cầu thủ vì điều kiện tập luyện, thu nhập khó khăn đã chuyển sang nghề khác.

Có những cầu thủ vì đến tuổi lấy chồng nên đã rời đội về nhà lo việc riêng. Nhiều cầu thủ nữ ở đội ngoài 20 tuổi là bị gia đình giục lấy chồng. Đó cũng là vấn đề nan giải mà HLV Lường Văn Chuyên phải đối mặt khi vừa trong vai trò huấn luyện chuyên môn và định  hướng đời sống.

Thủ môn Lò Thị Thu từng là một trong những cầu thủ nữ đầy tiềm năng, cô cũng đã thể hiện được tài năng của mình ở đội nữ Sơn La. Tuy nhiên, khi sự nghiệp bắt đầu chín thì cô bị gia đình gọi về lấy chồng và phải bỏ dở đội. Hay như trường hợp của cầu thủ Đinh Thị Duyên, cô là một trong những gương mặt nổi bật của Sơn La, được HLV Mai Đức Chung triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Thế nhưng cho đến bây giờ, HLV Lường Văn Chuyên cũng không hiểu lý do vì sao cô lại từ bỏ.

Tại giải Cúp Quốc gia nữ 2019 tại Hà Nội, bóng đá nữ Sơn La đã phải mượn quân để thi đấu. Những cô gái Sơn La thi đấu vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, thậm chí có phần ngô nghê, thế nhưng nhiệt huyết của họ lại có thừa. Chính vì vậy mà đây được xem là nơi tiềm năng để phát hiện tài năng nếu được đầu tư phát triển bóng đá trẻ.

Không chỉ khó khăn về đặc thù văn hoá ảnh hưởng đến các cầu thủ, kinh tế khó khăn cũng có thể triệt tiêu đi cơ hội phát triển của bóng đá Sơn La. Hiện tại, bóng đá nữ Sơn La có 3 tuyến, đội 1 có 10 cầu thủ, đội U16 có 18 cầu thủ và U13 có 18 cầu thủ. Các đội bóng trực thuộc sự quản lý của Trung tâm Đào tạo huấn luyện vận động viên thể thao, Sở Văn hoá - Thể thao Sơn La.

Tuy nhiên, trước thềm mùa giải 2020, đội nữ Sơn La đứng trước khó khăn khi doanh nghiệp tài trợ rút lui không tài trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo hợp đồng ban đầu kéo dài đến tháng 6/2020, thế nhưng đơn vị này đã sớm chấm dứt từ trước tháng 3.

Trước đó, các cầu thủ đội 1 được doanh nghiệp hỗ trợ 3-4 triệu đồng/tháng, thêm lương của Trung tâm, mỗi cầu thủ nhận từ 6-7 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ tiền ăn. Tuy nhiên, nhà tài trợ rút, các cầu thủ chỉ nhận tiền công tập luyện 40.000 đồng/ngày. Nếu trừ tiền ăn, cầu thủ nhận khoảng hơn 1 triệu đồng.  Kết thúc mùa giải 2019, do xếp bét bảng ở vị trí thứ 7, đội nữ Sơn La bị hạ suất ăn từ 150.000 đồng xuống còn 120.000 đồng.

HLV Lường Văn Chuyên cho biết, vấn đề khó khăn mà bóng đá nữ Sơn La đang đối mặt là tỉnh này chưa có Liên đoàn bóng đá. Kế hoạch đại hội đã có nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa thể tổ chức nên việc kêu gọi tài trợ vướng nhiều khâu. Đã có doanh nghiệp liên hệ để tài trợ cho bóng đá nữ Sơn La nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kế hoạch này chưa thể thực hiện. Điều này khiến bóng đá Sơn La đang phải cầm cự với khó khăn kinh tế. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến các cầu thủ bỏ đội. Thời gian này, HLV Lường Văn Chuyên cũng phải làm công tác tư tưởng với cầu thủ.

Vào tháng 12/2019, khi bóng đá nữ Việt Nam nhận gói tài trợ 100 tỉ đồng từ doanh nghiệp, HLV Mai Đức Chung từng nói sẽ đề xuất VFF chuyển một phần tài trợ xuống các câu lạc bộ để hỗ trợ đào tạo trẻ. Đây sẽ là những nơi cung cấp nguồn lực kế cận cho đội tuyển quốc gia. Đây cũng là việc cần làm để xử lý bài toán về lực lượng kế cận bóng đá Việt Nam hướng đến mục tiêu World Cup.

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cũng cho biết sẽ hỗ trợ bóng đá nữ Sơn La vượt qua khó khăn. Tuy nhiên việc hỗ trợ này là ở các giải đấu cụ thể chứ không phải gói hỗ trợ toàn diện. Về lâu dài, đội vẫn cần một nhà tài trợ đứng ra.

Chủ tịch VFF chia sẻ khó khăn với bóng đá Việt Nam

Ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã gửi thư chia sẻ, động viên các tổ chức thành viên LĐBĐVN, các câu lạc bộ và các Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ trong bối cảnh đang phải đối diện với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong thư có nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên để chuẩn bị cho thời gian tới, FIFA, AFC và các tổ chức bóng đá quốc gia khác trên thế giới cũng đều thường xuyên liên hệ và thảo luận tìm ra các giải pháp. Bóng đá Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Thường trực Ban chấp hành VFF đã bám sát và chỉ đạo kịp thời việc xây dựng các phương án tổ chức các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia để tạo sự chủ động cho các CLB, các đội bóng khi hoạt động bóng đá trở lại bình thường. 

Chúng ta cần xác định đây là sân chơi chung, mỗi thành viên cần có một phần trách nhiệm, cần có kế hoạch chu đáo, dự phòng cho mọi khả năng có thể xảy ra. Với tinh thần này, VFF luôn làm tất cả trong phạm vi khả năng của mình để hỗ trợ, đồng hành cùng các tổ chức thành viên VFF, các câu lạc bộ xây dựng phương án, các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cùng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, niềm tin, khát vọng, chia sẻ, suy nghĩ, hành động thiết thực để cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách trước mắt, hướng đến kết quả, giá trị tốt đẹp trong thời gian sắp tới. Nội lực, sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và hành động, sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau sẽ là chìa khóa để giúp bóng đá Việt Nam đứng vững và phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào”. (H.H.)

Hưng Hà
.
.
.