Liên đoàn Thể dục Việt Nam và bài toán kinh phí

Thứ Tư, 20/12/2017, 07:53
Tại Đại hội Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ V (2017-2021) vừa qua ở Hà Nội, một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất là tìm kiếm nguồn kinh phí bên cạnh việc mở rộng số đơn vị tranh tài, phát triển một số phân môn như Thể dục dụng cụ, aerobic.

Có tiềm năng để hút tài trợ 

Trong 5 môn thể thao trọng điểm hiện tại của thể thao Việt Nam là bắn súng, điền kinh, bơi, cử tạ, thể dục dụng cụ thì thể dục dụng cụ vẫn đang gặp nhiều khó khăn hơn cả trong khâu kiếm tiền. Nếu như điền kinh, bơi và gần nhất là bắn súng trong những năm gần đây thường gây tiếng vang với những hợp đồng tài trợ, thưởng lớn cho vận động viên thì thể dục dụng cụ lại khá im hơi lặng tiếng trong việc thu hút tài trợ.

Thực tế, hình ảnh của các vận động viên thể dục dụng cụ Việt Nam hoàn toàn có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp nếu được khai thác. Ngoài ra, thành tích của họ trên đấu trường quốc tế từ Cúp thế giới tới ASIAD, Giải vô địch châu Á, SEA Games... cũng đáng nể, đủ để làm gương mặt đại diện cho doanh nghiệp. Tại các kỳ SEA Games 28 và 29, đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam luôn là đội tuyển giành nhiều Huy chương vàng nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Năm 2015, đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam giành 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; năm 2016 giành 1 HCV, 2 HCB ở Cúp thế giới, 1 HCV, 1 HCĐ tại Giải vô địch châu Á… Tại ASIAD 2014, lần đầu tiên Thể dục dụng cụ Việt Nam giành 1 HCB, 3 HCĐ tại một kỳ ASIAD...

Năm 2016, Thể dục dụng cụ Việt Nam có 2 vận động viên giành vé tham dự Olympic. Trong khi đó, đội tuyển Thể dục nghệ thuật cũng đã giành được tấm HCB SEA Games vào năm 2017 sau nhiều năm chờ đợi. Còn đội aerobic cũng giành không ít HCV châu lục, thế giới.

Liên đoàn Thể dục Việt Nam khóa V nhận nhiều kỳ vọng.

Lý giải chuyện này, một chuyên gia cho rằng sự phát triển hạn chế của môn thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, aerobic vẫn là rào cản đáng kể để đưa môn này đến với nhiều người, nhiều doanh nghiệp hơn. Rồi truyền thông về các giải đấu cũng chưa tương xứng khiến sức lan tỏa bị ảnh hưởng. Điều này càng khiến các doanh nghiệp ít biết đến vận động viên các nhóm môn thể dục hơn.

Khó cũng phải tìm ra giải pháp

Nhưng đến lúc này, tìm kiếm nguồn tài chính để đa dạng hóa các hoạt động vẫn là vấn đề lớn với Liên đoàn Thể dục Việt Nam. Báo cáo của Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ IV (2012-2017) cho hay, hầu như kinh phí dành cho tổ chức thi đấu, tập huấn trong và ngoài nước của các môn Thể dục đều do nhà nước bao cấp. Nguồn thu trên 3,5 tỷ đồng mỗi năm vẫn còn quá hạn chế so với tiềm lực của những môn này. 

Việc vận động tài trợ của Liên đoàn còn nhiều hạn chế do khó khăn về kinh tế cũng như chưa huy động được các nguồn lực xã hội. Dấu ấn rõ nhất về vận động tài trợ trong nhiệm kỳ qua chỉ là được Tổng Công ty khí Việt Nam, Công ty cổ phần Summa, Công ty Thể thao Động Lực hỗ trợ trang thiết bị thi đấu, cơ sở vật chất phục vụ các đội tuyển quốc gia. Đến hết nhiệm kỳ 4, nguồn thu của Liên đoàn cũng chưa đủ bù chi. Vì vậy, cân đối tài chính để chấm dứt tình trạng “chi” nhiều hơn “thu” được coi như nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Liên đoàn Thể dục Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cũng cho rằng việc chưa có nguồn kinh phí dồi dào để có thể tự chủ hơn là điều băn khoăn với Liên đoàn Thể dục. Thế nên, bên cạnh việc phổ cập rộng rãi hơn các môn Thể dục như thể dục dụng cụ, aerobic, khiêu vũ thể thao..., thì việc tìm kiếm nguồn tài chính cho Liên đoàn cũng quan trọng không kém.

Trong khi đó, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cũng khẳng định rằng, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng các môn thể dục có thể kiếm được nguồn tài chính để phát triển ổn định. Ông Nguyễn Hồng Minh dẫn ra ví dụ về các đội nhảy cổ động tại Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam luôn làm các Nhà thi đấu trở nên sôi động và tăng đáng kể sức hút của các trận đấu bóng rổ. Rồi những Liên hoan Thể dục tại Hà Nội cũng thu hút đáng kể người xem. Điều đó chỉ càng chứng tỏ các môn Thể dục luôn có đất diễn nếu được chú trọng đúng mức.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam nhiệm kỳ V (2017-2021) đã cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, ngoài đẩy mạnh phát triển các môn Thể dục (thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, aerobic) và khiêu vũ thể thao, Liên đoàn Thể dục Việt Nam sẽ tăng nguồn thu để chủ động hơn trong công tác tài chính. Nhờ đó, các vận động viên sẽ có động lực hơn trong tập luyện, thi đấu trong khi Liên đoàn Thể dục có thể mở ra nhiều hoạt động khác để các môn Thể dục trở nên gần gũi với người dân và phổ cập hơn.

Rõ là nói thì dễ nhưng làm mới khó. Nhưng khó thì vẫn phải làm. Bởi chỉ có vậy mới đưa nhiều phân môn của Thể dục phát triển xứng với tiềm năng.

Đợi đội thứ 5 trình làng ở Giải Thể dục dụng cụ quốc gia

Từ nhiều năm nay, Giải Thể dục dụng cụ quốc gia vẫn chỉ có 4 đội tham dự gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội, Hải Phòng. Nhưng trong vài năm tới, có thể giải đấu sẽ đón nhận đội thứ 5 là Cần Thơ.

Việc Cần Thơ có đội Thể dục dụng cụ cũng bắt nguồn từ quyết định đầu tư một bộ thảm tập cho Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ từ Tổng cục TDTT. Từ đây, các HLV mới tuyển sinh từ các trẻ em vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, không dễ để gây dựng một đội Thể dục dụng cụ bởi phải đầu tư khoảng 8 năm thì mới có vận động viên được thi đấu tại Giải vô địch quốc gia. Quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn của lãnh đạo thể thao địa phương.  (Minh Nhật)

Minh Hà
.
.
.