Lại nói chuyện văn hóa ứng xử trong bóng đá

Thứ Ba, 16/04/2019, 09:41
V-League 2019 khởi tranh trong niềm vui hân hoan của bóng đá nước nhà sau một năm đại thắng. Nhưng ngay khi những dấu hiệu tích cực manh nha, căn bệnh trầm kha và những điều chẳng mấy hay ho lại xuất hiện, buộc người ta phải đặt ra câu hỏi: Đến bao giờ, bóng đá Việt mới thật sự chuyên nghiệp?


Xây khó, phá dễ

Một lần nữa, V-League lại khiến người ta phải chú ý, nhưng là theo cách chẳng mong muốn chút nào. Màn “đấu võ” giữa Hải Phòng và SHB.Đà Nẵng ở vòng 5 làm những khán giả dễ tính nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán. Rốt cuộc, cầu thủ trên sân đá bóng hay đá người vậy? 

Những pha thượng cẳng chân hạ cẳng tay mang tính triệt hạ biến trận đấu trên sân Lạch Tray thành một võ đài theo đúng nghĩa đen. Đành rằng, va chạm là khó tránh trong các môn thể thao đối kháng, và trò tiểu xảo trong giới hạn cho phép từ lâu đã trở thành đặc trưng trong bóng đá. Nhưng điều khiến người hâm mộ (NHM) ngán ngẩm là cách cầu thủ và ban huấn luyện hai đội phản ứng với lối chơi nhuốm màu bạo lực.

HLV Trương Việt Hoàng thẳng thừng nhận xét: “Bóng đá phải có tiểu xảo, hiền lành làm sao đá bóng được. Nếu trọng tài thấy cần thiết thì cứ đuổi thêm 1,2 cầu thủ nữa để cho họ hiểu, tôi nghĩ cũng không sao cả”. Ông Hoàng “bộp” nói không sai, nhưng giáo dục cầu thủ là một hành trình kiến tạo văn hóa từ nội bộ đội bóng, chứ không phải đợi xô xát trên sân diễn ra rồi lại phó mặc cho tiếng còi của trọng tài.

Trận đấu giữa Hải Phòng và SHB.Đà Nẵng nhuốm màu bạo lực.

Trong 5 năm qua, FIFA đã hai lần cải biên bộ luật bóng đá, nhấn mạnh sự thay đổi lớn nhất là khuyến khích trọng tài hạn chế tối đa rút thẻ đỏ đuổi cầu thủ khỏi sân nhằm nâng cao tinh thần Fair-Play của môn thể thao vua. Thông điệp của FIFA rất rõ ràng, thay vì “đẩy” trọng tài vào các tình huống rút thẻ như những con robot, bản thân các CLB cũng phải thay đổi cách tiếp cận trận đấu, chủ trương chơi thứ bóng đá “sạch mắt” và tránh các va chạm không đáng có.

Khi bóng đá Việt Nam chỉ mới tìm lại niềm tin nơi NHM sau những thành công vang dội và đầy… bất ngờ của HLV Park Hang-seo, các CLB ở V-League càng phải nhận thức việc giữ gìn hình ảnh của giải đấu và chính họ. Đây là thời điểm không thể tốt hơn để V-League thật sự bước lên tiến trình chuyên nghiệp sau 19 năm hô hào khẩu hiệu. Mà niềm tin giành được thì lâu, chứ phá bỏ thì cực dễ và nhanh. 

Tính quyết liệt tạo ra sự hấp dẫn riêng của bóng đá, nhưng nếu bị đẩy lên mức độ bạo lực thì chẳng mấy chốc, V-League sẽ trở về thời đồ đá với biệt danh “Võ League”. Lúc ấy, chính CLB, rồi cả miếng cơm manh áo của cầu thủ và HLV sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chẳng có nhà tài trợ nào muốn gắn bó cùng một giải đấu xấu xí.

Ứng xử thời 4.0

Cách vùng Đông Bắc Bộ 1.300km, ở cao nguyên Gia Lai chứng kiến cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội giữa Than Quảng Ninh và HAGL. Một vài cầu thủ số má thay vì ngồi lại nói chuyện phải trái như những người đàn ông trưởng thành lại tìm cách cà khịa, kích bác lẫn nhau trên môi trường không gian mạng do không hài lòng với các quyết định của trọng tài. 

Đành rằng, công tác cầm cân nảy mực trận đấu ở Việt Nam là vấn đề gây nhức nhối làng bóng nhiều năm qua. Song những người trong cuộc, mà cụ thể ở đây là những nhân vật của công chúng, không thể dùng những cái sai để giải thích cho những cái sai khác.

Tính chuyên nghiệp của một nền bóng đá, một tập thể và từng cá nhân không chỉ gói gọn trong phạm trù chuyên môn. Các khóa tập huấn của FIFA luôn nhấn mạnh cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp với truyền thông của cầu thủ. 

Trong thời đại 4.0, một dòng trạng thái trên facebook dễ dàng được chia sẻ chỉ nhờ một cái nhấp chuột máy tính, các thành phần tham gia bóng đá chuyên nghiệp càng phải hiểu điều này hơn ai hết. Tiếng nói, suy nghĩ của họ là thương hiệu của họ, là hình ảnh của đội bóng và là căn cứ xác thực cho sự “chuyên nghiệp” của nền bóng đá.

Chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện để phát triển đến thế. Chúng ta có ĐTQG nằm trong nhóm 8 đội mạnh châu Á. Chúng ta có đội U23 ngạo nghễ vùi dập người Thái 4 bàn không gỡ. Chúng ta có giải VĐQG với lượng khán giả tới sân tăng đột biến nhờ hiệu ứng Park Hang-seo. 

Một năm trước, VPF phải chật vật đi tìm nhà tài trợ cho V-League thì giờ đây, hàng loạt nhãn hàng lớn tìm tới bóng đá như một kênh quảng bá thương hiệu uy tín. V-League có hợp đồng tài trợ khủng kéo dài 5 năm, Cúp Quốc gia và giải hạng nhất đều có nhà tài trợ uy tín.

Và trên tất cả, sau nhiều năm chật vật định nghĩa nền bóng đá, chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng. Nhưng thấy ánh sáng không có nghĩa là chạm tới mặt trời, bởi xây dựng thương hiệu và duy trì tính bền vững là công việc đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của tất cả các tập thể và cá nhân tham gia bóng đá. 

Bài học về sự “tẩy chay ngầm” của Toyota với V-League giai đoạn đen tối nhất vẫn còn đó, khi nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản từ bỏ thị trường Việt Nam và mang tiền tài trợ qua…Thái Lan đúng 1 tháng sau ngày hết hạn hợp đồng.

Sự phát triển của Internet, của thương mại và giao thoa văn hóa là con dao hai lưỡi. Biết khai thác, đấy là nguồn tài nguyên vô tận đưa bóng đá Việt lên tầm cao mới. Còn nếu dễ dãi và thiếu bộ nguyên tắc ứng xử cơ bản, ánh sáng sẽ trở thành bóng tối.

Đau đầu chuyện trọng tài

Từ ngày 1 đến 5-4 vừa qua, VFF đã mời hai giảng viên cao cấp của FIFA (từ Singapore và Malaysia) qua tập huấn cho các trọng tài tham gia điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam nhằm củng cố, nâng cao chất lượng trọng tài. 

Nhưng sau 5 vòng đấu, thật khó để nói công tác điều hành trận đấu khiến các CLB và NHM hài lòng. Đơn cử như trận đấu giữa Hải Phòng và SHB.Đà Nẵng, trọng tài chính Trần Trung Hiếu mắc sai lầm tai hại khi rút thẻ đỏ… nhầm người, chỉ bẻ còi sau khi tổ trợ lý kịp thời tư vấn. 

Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền thừa nhận, ông rất mong chờ công nghệ VAR xuất hiện trong giai đoạn hai của mùa giải, đồng thời hy vọng NHM hãy “thông cảm” cho trọng tài vì đâu chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới hàng ngày vẫn xảy ra rất nhiều sai số.

Hà My
.
.
.