Việt Nam chưa có huy chương vàng tại ASIAD 2018:

Không bất ngờ và chưa thôi hy vọng!

Thứ Năm, 23/08/2018, 07:38
Cho đến ngày thi đấu 22-8, Đoàn Thể thao Việt Nam vẫn chưa thể giành tấm Huy chương vàng (HCV) đầu tiên tại ASIAD 2018. 


Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, đô cử Thạch Kim Tuấn hay cua rơ Nguyễn Thị Thật – những niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam đã không thể hoặc chưa thể đáp ứng kỳ vọng. Tuy nhiên, cái thua của những VĐV hàng đầu Việt Nam này cũng không gây bất ngờ cho giới chuyên môn.

Chưa thể giải cơn khát vàng

Nếu đúng kỳ vọng, đến lúc này Đoàn Thể thao Việt Nam đã sở hữu ít nhất 1 HCV tại ASIAD 2018 khi những cái tên nổi tiếng như Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn hay Nguyễn Thị Thật xuất trận. Trong số này, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đều thuộc nhóm 5 môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam (cùng với bơi, điền kinh, thể dục dụng cụ).

Thế nhưng, ở môn bắn súng, xạ thủ số 1 Việt Nam Hoàng Xuân Vinh đã không thể thực hiện được điều kiện cần để có thể đua tranh ngôi vô địch nội dung 10m súng ngắn hơi – nội dung mà anh từng từng đăng quang tại Olympic 2016, là giành quyền vào vòng chung kết.

Ánh Viên (đường bơi số 6) bất ngờ thất bại ở nội dung 400m hỗn hợp tại ASIAD 2018.

Xếp hạng 9 vòng loại với 579 điểm và thua hai xạ thủ xếp trên (cùng 579 điểm) về chỉ số phụ nên nhà vô địch Olympic 2016 đành đứng ngoài cuộc đua, không thể hoàn tất mục tiêu giành tấm HCV ASIAD còn thiếu trong sự nghiệp lẫy lừng của mình. Đó là thất bại đầy tiếc nuối bởi nếu vào vòng chung kết thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Lúc đấy thứ hạng tại vòng loại không đóng vai trò quyết định.

Trong khi đó, Thạch Kim Tuấn một lần nữa lỗi hẹn với ngôi vô địch ASIAD. Thực tế, đô cử TP Hồ Chí Minh hầu như không có khả năng giành ngôi vô địch hạng 56kg nam, khi đô cử người Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Om Yun Chol vẫn xuất hiện.

Thế nên, kể cả khi vắng các đô cử Trung Quốc thì Thạch Kim Tuấn cũng chỉ thực sự có cơ hội giành Huy chương bạc (HCB). Nếu muốn giành HCV thì anh phải trông vào sự sơ sảy của Om Yun Chol hoặc tạo nên cách biệt cực lớn ở phần thi cử giật để gây sức ép mạnh mẽ lên đối thủ. Nhưng cuối cùng, cả hai khả năng này đều không xảy ra.

Om Yun Chol không thất bại ở tất cả các lần nâng tạ ở nội dung cử giật hoặc cử đẩy. Trong khi ấy, Thạch Kim Tuấn chỉ chỉ hơn đối thủ đúng 1kg sau phần thi cử giật để rồi nhìn đối thủ băng băng đến ngôi vô địch sau phần thi cử đẩy – vốn là sở trường của Om Yun Chol. Đây lại không phải là thế mạnh của đô cử họ Thạch nên anh không thể tạo nên bất ngờ và chỉ đạt mức tổng cử 280kg, thua đến 7kg so với Om Yun Chol. Đấy là mức tổng cử thấp so với thời kỳ đỉnh cao phong độ của Thạch Kim Tuấn và có lẽ đấy mới là điều gây thất vọng chứ không phải ở việc anh không thể lật đổ đối thủ.

Ở môn xe đạp, trường hợp của Nguyễn Thị Thật – được xem là có thể lên ngôi vô địch tại ASIAD lần này, lại có một thất bại được báo trước. Đường đua với nhiều dốc thay vì đường bằng đã khiến nhà á quân ASIAD 2014 không thể đổi màu huy chương, thậm chí văng khỏi nhóm giành huy chương khi chỉ xếp hạng 5 chung cuộc nội dung đường trường nữ.

Không được kỳ vọng giành HCV, dù le lói hy vọng, nhưng vẫn được chú ý nhiều là trường hợp của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Để hoàn toàn tập trung cho mục tiêu ít nhất giành HCB nội dung 400m hỗn hợp tại ASIAD 2018, cô đã bỏ tham dự một số nội dung khác.

Nhưng rồi khi không đạt trạng thái tâm lý, sự tập trung tốt nhất, cô đã hụt hơi từ động tác bơi đầu tiên và rồi đánh mất nhịp điệu thi đấu. Điều đó khiến Ánh Viên chỉ xếp hạng 5 chung cuộc trong khi thành tích 4 phút 42 giây 81 ở lần thi này cũng thua sút tới gần 7 giây so với thành tích tốt nhất mà cô từng đạt được.

Thậm chí HLV của cô đã tính toán rằng học trò có thể đạt mức từ 4 phút 33 giây hoặc 4 phút 34 giây khi tham dự lượt bơi chung kết. Thế nhưng tính toán đã bất thành khi đến chính Ánh Viên cũng không hiểu nổi chuyện gì đã khiến thành tích của cô sa sút đến vậy. Dù còn tham dự một nội dung khác là 200m hỗn hợp nhưng Ánh Viên hầu như không còn khả năng giành HCV ở ASIAD lần này do đây không phải là nội dung được cô tập trung đầu tư nhất.

Những tài năng xuất sắc nhất ở một số môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam đã xuất trận và chưa thể giành HCV dù thất bại của mỗi người mang màu sắc khác nhau. Chỉ biết là đến lúc này, Đoàn Thể thao Việt Nam vẫn đang khát “vàng”.

Chỉ còn cách đứng dậy

Xét cho cùng, những thất bại trên cũng đều nằm ở vấn đề đẳng cấp khi những Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Ánh Viên hay Nguyễn Thị Thật đều chưa bao giờ tạo nên cách biệt quá lớn với các đối thủ cạnh tranh ngôi vô địch ở nội dung thi đấu của mình.

Ngay cả khi Hoàng Xuân Vinh lên ngôi vô địch Olympic 2016 thì HLV trưởng đội tuyển Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung vẫn khẳng định: “Lên ngôi vô địch Olympic không có nghĩa là Hoàng Xuân Vinh đã ở vị trí số 1 của bắn súng thế giới. Vị trí ấy chỉ là tương đối.

Vẫn có khoảng 20-30 xạ thủ khác trên thế giới cùng đẳng cấp với Hoàng Xuân Vinh và tay súng của chúng ta vẫn có thể thất bại bất cứ lúc nào”. Đến trước ASIAD 2018, bà Nguyễn Thị Nhung còn chia sẻ rằng đấu trường châu lục này cũng khắc nghiệt không kém Olympic. Đến xạ thủ 4 lần vô địch Olympic Jin Jong Oh của Hàn Quốc cũng thường thi đấu không tốt tại ASIAD đủ thấy đây là cuộc chơi đầy khó khăn.

Thực tế, cả Hoàng Xuân Vinh cũng như Jin Jong Oh đều lỡ hẹn với tấm HCV ASIAD lần này. Rõ ràng, vấn đề của Hoàng Xuân Vinh với những tay súng cùng đẳng cấp chính là sự thăng hoa về tâm lý để vượt lên trong những thời khắc quyết định. Sẽ chẳng có chuyện để nói nếu anh giã từ đội tuyển quốc gia ngay sau Olympic 2016. Nhưng Hoàng Xuân Vinh vẫn đầy khát vọng thi đấu, chinh phục những ngôi vô địch mà anh chưa từng vươn tới. Cho nên. anh mới quyết tâm thi đấu ở ASIAD 2018. Với đẳng cấp và trình độ của mình, tay súng này vẫn có thể thi đấu đỉnh cao 1-2 năm nữa thay vì giải nghệ. Quan trọng là anh phải có đủ động lực để đứng dậy sau thất bại.

Còn việc Ánh Viên không còn trong nhóm đoạt huy chương nội dung 400m hỗn hợp cũng như đạt thông số thấp so với khả năng của cô cũng chỉ nên xem là một tai nạn. Cô gái này vẫn là tài năng lớn của bơi Việt Nam và vấn đề là cần có những liệu pháp để giúp cô vượt qua thất bại này, để hướng tới các mục tiêu khác.

Riêng trường hợp của Thạch Kim Tuấn hay Nguyễn Thị Thật cũng nằm ở sự chênh lệch đẳng cấp. Bởi khoảng cách từ ngôi á quân của ASIAD trước để bước lên ngôi vô địch ở ASIAD này tay ngắn nhưng lại đầy chông gai. Họ đã không thể vượt qua được khoảng cách đó dù được ngành Thể thao đầu tư đến mức tốt nhất có thể, cũng như bản thân họ đã nỗ lực hết sức.

Vì thế nếu nhìn vào những nỗ lực của các VĐV hàng đầu trên thì có thể thông cảm cho thất bại của họ. Giờ chỉ còn trông vào vận may và sự thăng hoa của những VĐV hàng đầu khác của Việt Nam để có thể  hoàn tất chỉ tiêu giành 3 HCV tại ASIAD 2018 của thể thao Việt Nam.                  

Khoản thưởng trên 2,1 tỷ đồng nhiều nguy cơ không có người nhận

Trước ASIAD 2018, các nhà tài trợ đã treo thưởng cho xạ thủ Việt Nam giành ngôi vô địch tại Đại hội với mức thưởng có tổng giá trị là trên 2,1 tỷ đồng. Đây cũng là mức thưởng “nóng” lớn nhất tại một kỳ ASIAD dành cho một VĐV Việt Nam. Nhưng đến lúc này, hầu hết những niềm hy vọng giành HCV của bắn súng Việt Nam đều đã dừng bước.

Hiện tại, hy vọng chỉ còn trông vào xạ thủ Hà Minh Thành ở nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh (thi đấu ngày 24 và 25-8). (Minh Khuê)
Minh Hà
.
.
.