Khốn khổ chuyện tấm vé vào sân Mỹ Đình

Thứ Hai, 12/11/2018, 09:12
Cơn “sốt vé” trận Việt Nam – Malaysia tại bảng A – AFF Cup 2018 đã lên đến đỉnh đểm khi nhu cầu lớn nhưng số lượng có hạn. Trong khi đó, vé “chợ đen” lại tăng chóng mặt từng giờ.


Giống như những trận đấu trước đây của tuyển Việt Nam tại AFF Cup diễn ra trên sân nhà, nhiều CĐV đã phải xếp hàng dài trước cổng sân Mỹ Đình từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau để chờ mua vé. Nhiều người không ngại đường xa từ các tỉnh lên Hà Nội chỉ mong sở hữu một tấm vé để trực tiếp cổ vũ các cầu thủ. 

Thâm chí, đêm 10-11, nhiều CĐV có mặt tại cổng sân Mỹ Đình chờ mua vé trận Việt Nam – Malaysia còn bị các đối tượng lạ mặt xua đuổi để chiếm chỗ. Những người được cho là “phe” vé sẵn sàng làm mọi cách để có vé. Đó là những vấn đề mà một CĐV bình thường sẽ phải vượt qua để tiếp cận tấm vé vào sân Mỹ Đình. 

Cảnh người dân chen chúc vào quầy mua vé sáng 11-11. Ảnh: H.A.

Năm nay, VFF ngoài việc mở bán vé theo đường công văn và phân phối trực tiếp còn mở đăng ký online cho các CĐV. Sức chứa của sân Mỹ Đình là 40.000 chỗ, nhưng theo thông tin từ VFF, vé được bán qua 3 kênh chỉ với số lượng khoảng 24.000 vé. Số lượng còn lại, VFF sử dụng để trả quyền lợi cho đối tác, nhà tài trợ, AFF… Được biết, ngay số lượng đăng ký qua đường công văn đã vượt con số 40.000. Điều này khiến cho cơn “sốt vé” trở nên ngày một căng thẳng.

Khán giả chỉ còn một kênh duy nhất là mua vé trực tiếp tại quầy vào ngày 11-11  hoặc ra “chợ đen” với giá cao gấp 10 lần giá gốc. Đây là điều vẫn thường thấy trong những lần ĐT Việt Nam có trận đấu quan trọng trên sân Mỹ Đình. Và vấn đề nan giải diễn ra nhiều năm qua chính VFF cũng không thể kiểm soát được. Ngay cả hình thức mở bán vé onine tưởng như để giảm tải đám đông, nhưng thực thế, VFF cũng không thể ngăn dược dân “phe” vé vừa mua online vừa ra xếp hàng ở sân Mỹ Đình. 

Nhìn vào đám đông chen lấn, xô đẩy, chèn ép nhau có thể dễ dàng nhận ra, rất nhiều thành phần, từ những CĐV, người trẻ, người già, phụ nữ và trẻ em cũng tham gia vào dòng người vì nhu cầu vé. Trong đó có nhiều người là “phe vé”. Và với số lượng giới hạn, mỗi người chỉ được mua 2 cặp vé, khó có thể đáp ứng được nhu cầu. Và nhiều sinh viên được “thuê” xếp hàng mua vé cũng là điều không lạ. Và với một lượng lớn vé mua không phải để xem bóng đá mà để tuồn ra thị trường “chợ đen” khiến cho “cơn sốt” lại lên đỉnh. 

Và cũng có những câu chuyện về vé khiến người ta không khỏi ngao ngán. Đó là trường hợp một cô bé mới 8 tuổi đã cùng ông nội xếp hàng giữa biển người từ tối hôm trước để vào sân. Hay những người không ngại đội mưa từ Lào Cai xuống Hà Nội để xếp hàng mua vé rồi cuối cùng ra về tay không… Thực tế, chính chúng ta đang là những người đang tự đẩy “cơn sốt” vé lên cao. Bởi chính tâm lý đội chưa đá đã lo “cháy” vé và hiệu ứng đến từ đám đông được truyền thông chia sẻ phần nào đã kích những tấm vé vượt xa giá trị thật của nó. 

Tôi từng chứng kiến nhiều “cơn sốt” vé mỗi lần ĐT Việt Nam thi đấu. Tuy nhiên, có nhiều trận, số lượng ghế trống vẫn còn khá nhiều. Thế nhưng nhiều CĐV vẫn phải mua vé với giá cắt cổ vào sân. Có nhiều cơn sốt ảo đã từng diễn ra như thế. Trận Việt Nam – Man City hồi năm 2015 là một ví dụ điển hình. 

Vé trận Việt Nam - Malaysia có 4 loại giá: 150.000 đồng/vé, 200.000 đồng/vé, 300.000 đồng/vé và 400.000 đồng/vé. Ngoài ra, người hâm mộ cũng được mua trước một cặp vé trận Việt Nam - Campuchia diễn ra ở sân Hàng Đẫy ngày 24-11 với 3 loại giá: 100.000 đồng/vé, 200.000 đồng/vé và 300.000 đồng/vé.

“Cơn sốt” vé được dự đoán từ trước đó và diễn ra nhiều ngày trước trận đấu. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng vé ế rất nhiều khi trận đấu diễn ra. Đơn giản nhất là ngay sau khi vé ra khỏi quầy, đến tay phe vé, giá đã tăng theo giờ bất chấp việc cả đám đông vẫn nối đuôi nhau. Và cũng vì thế mà có những cặp vé đã được sang tay vội với mức giá chênh lệch. 

Chuyện tấm vé vào sân Mỹ Đình luôn trở thành nỗi bức xúc lớn với người hâm mộ thay vì tự hào vì người Việt Nam yêu bóng đá. Bởi thực tế, nếu số lượng 40.000 vé được phân phối đến những CĐV chân chính, liệu rằng có đến mức diễn ra những cuộc chen lấn, xô đẩy như vậy? Khi nào nạn “cò” vé vẫn còn lộng hành và hoạt động một cách có hệ thống thì chừng ấy người dân vẫn phải mua vé với giá trên trời để xem một trận bóng đá. 

Tuyển thủ quốc gia cũng thiếu vé

Sáng 11.11, VFF tổ chức bán vé trực tiếp ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình với số lượng khoảng 9.000 vé. Mỗi người sẽ được mua tối đa 4 vé trận Việt Nam gặp Malaysia (với 4 mệnh giá: 150.000 đồng mỗi vé, 200.000 đồng, 300.000 đồng và 400.000 đồng) và 2 vé trận gặp Campuchia (với 3 mệnh giá: 100.000 đồng, 200.000 đồng và 300.000 đồng).

Tuy nhiên, giá vé “chợ đen” đã tăng chóng mặt theo từng giờ, gấp 10 lần giá gốc. Một cặp vé gốc giá trị 200 ngàn đồng/ vé được hét giá lên tới 1,8 triệu đồng. Một cặp vé gốc 400 ngàn đồng được hét 4 triệu đồng/ cặp. Nhiều CĐV bấm bụng mua vé chợ đen, vì sợ hãi trước cảnh tượng chen chúc.

Tiền đạo Anh Đức chia sẻ, nhiều tuyển thủ Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng thiếu vé để mời người thân, gia đình, bạn bè theo dõi trận đấu với ĐT Malaysia tại AFF Cup 2018 vào ngày 16-11. 

Được biết, mỗi cầu thủ sẽ được tiêu chuẩn mua tối đa 20 vé để tặng người thân, gia đình trong các trận đấu trên sân nhà. Ngoài ra, VFF cũng tặng mỗi cầu thủ từ 6-8 vé. 

Việc VFF hỗ trợ vé sớm cho các cầu thủ giúp họ không còn lo vấn đề vé cho người nhà, tập trung cho trận đấu. Tuy nhiên, với nhu cầu lớn, số vé như vậy khó có thể đáp ứng được cho các mối quan hệ thân quen. Nhiều cầu thủ cũng đã chọn giải pháp tắt máy.

VFF bắt đầu nhận công văn mua vé từ ngày 29-10 đến 6-11. Ngày 1-11,  VFF mở bán vé online và đến ngày 11-11 sẽ bán mở bán vé trực tiếp. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì đã "cháy vé".

H.H.

Hưng Hà
.
.
.