Khi lương không phải là mục đích chính

Thứ Ba, 17/12/2019, 07:54
Nếu không có các khoản thưởng của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp nhờ đoạt huy chương tại các giải thi đấu quốc tế, các Đại hội thể thao quốc tế, đặc biệt là SEA Games, thì nhiều vận động viên (VĐV) sẽ chật vật để theo nghiệp VĐV thể thao thành tích cao. Đấy là vấn đề với các VĐV đang tập luyện tại các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng nguồn ngân sách.  


Khi thu nhập từ thể thao chỉ tàm tạm

Khi những khoản thưởng được công bố tới tấp sau mỗi kỳ SEA Games, nhiều người cũng mừng cho các VĐV, nhất là những VĐV ngoài bóng đá nam. Bởi đơn giản, nếu không có những khoản thưởng từ thành tích thi đấu quốc tế thì thu nhập của họ cũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí là dưới trung bình một chút so với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam.

Và nếu có thể giải thích vì sao họ vẫn gắn mình với thể thao thành tích cao thì có lẽ cũng vì hai chữ “đam mê” và phần nào là hy vọng có một khoản thưởng từ thành tích thi đấu quốc tế để có thể giúp đỡ gia đình hoặc làm cái vốn nho nhỏ.

Câu chuyện của VĐV Nguyễn Thị Oanh – một trong hai VĐV điền kinh Việt Nam giàu thành tích nhất SEA Games 30 là ví dụ điển hình. Nữ VĐV 24 tuổi này đã gây chú ý mạnh mẽ từ 2 năm trước với việc giành 2 HCV tại nội dung 1.500m và 5.000m ở SEA Games 29 năm 2017.

Đến năm 2019, Nguyễn Thị Oanh còn chói sáng hơn với việc giành tới 3 HCV nội dung 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật ở SEA Games 30. Trong đó, chỉ trong một ngày, Oanh tranh tài ở 2 nội dung cực kỳ nặng nhọc là 5.000m vào buổi sáng và 3.000m vượt chướng ngại vật vào buổi chiều. Đến nỗi, cô gái này từng thừa nhận là đã rã rời cơ thể và chỉ có thể cảm ơn chính cơ thể vì đang mang lại sức chịu đựng tốt đến vậy. 

Để đi được cả một hành trình đầy vinh quang như vậy ở đấu trường SEA Games còn là sự chịu đựng, nỗ lực vượt khó của cô gái nhỏ bé này.

VĐV Nguyễn Thị Oanh (số đeo 0962) trên đường chạy ở SEA Games 30. Ảnh: Hoàng Tuấn

5 năm trước, cô gái người Bắc Giang này đã phải chiến đấu cật lực với căn bệnh viêm cầu thận. Có lúc, cô phải rời đội tuyển quốc gia để về nhà chữa trị. Nhưng rồi những cuộc tranh tài trên đường chạy cùng ngôi vô địch SEA Games là động lực lớn nhất để cô vượt qua bệnh tật, rồi trở lại đội tuyển quốc gia và giành 5 HCV qua hai kỳ SEA Games.

Trong suốt hành trình ấy, nếu không tập trung ở đội tuyển quốc gia thì cô gái này cũng chỉ có khoản thu nhập khoảng 5 – 6  triệu đồng/tháng. Đó là mức lương của nhiều VĐV ở các đơn vị thể thao hoạt động chủ yếu dựa vào kinh phí nhà nước.  Cô cũng như nhiều VĐV khác ở các tỉnh, thành, ngành đang hưởng lương từ ngân sách cũng đành tạm hài lòng vì hiểu rằng cơ chế không cho phép nhà quản lý “vượt rào”. 

Không kể, ở những địa phương còn khó khăn hơn Bắc Giang, mức lương hàng tháng cho VĐV thành tích cao còn thấp hơn. Vì vậy, tất cả VĐV phải nỗ lực để có tên trong đội tuyển quốc gia để nhận mức thu nhập cao hơn cũng như hy vọng có những khoản thưởng lớn sau mỗi kỳ giải quốc tế, nhất là ở những giải cấp độ khu vực Đông Nam Á.

Tất nhiên, số VĐV góp mặt ở đội tuyển quốc gia cũng chỉ có hạn. Cho nên mức thu nhập 5-6 triệu đồng/ tháng cũng chỉ giúp VĐV đủ chi tiêu những nhu cầu cơ bản. Thậm chí, nhiều người còn phải gửi thu nhập về gia đình để hỗ trợ người thân. Nhưng đấy là trong trường hợp lương hàng tháng được trả đúng ngày. Thực tế, không ít nơi có tình trạng chậm lương khiến VĐV nháo nhác vì chỉ biết trông vào mỗi khoản thu nhập từ tập luyện thể thao. 

Kiếm thêm thu nhập

Với mức thu nhập như trên, nhiều VĐV đã phải xoay đủ cách để làm thêm. Tất nhiên, cũng có trường hợp đã tích lũy được một số vốn đáng kể rồi mới tính chuyện kinh doanh thêm để “nhiều tiền rồi lại nhiều hơn”. Nhưng cũng có nhiều trường hợp làm thêm để đỡ phải tằn tiện chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu cá nhân hoặc đơn giản là giúp đỡ thêm cho gia đình.

Không ngẫu nhiên khi hiện nay nhiều VĐV tỏ ra năng động bằng việc tham gia bán hàng trên mạng xã hội. Ngay như Nguyễn Thị Oanh cũng cùng một người bạn bán hàng trực tuyến mặt hàng giày và trang phục thể thao. Vài tháng trước SEA Games 30, cô phải tạm dừng tham gia bán hàng để chuyên tâm tập luyện.

Ngay như ở đội bóng đá nữ quốc gia tham dự SEA Games 30 cũng có cầu thủ tham gia bán hàng online. Hay như hậu vệ trái Nguyễn Thị Xuyến của đội tuyển lại đi dạy bóng đá cho trẻ em vào cuối tuần để có thêm thu nhập. Trong khi ấy, ở đội tuyển vật, nhiều đô vật cũng chỉ trông vào những hội vật đầu xuân để có thêm thu nhập bên cạnh lương và thưởng cho thành tích thi đấu quốc gia, quốc tế.

Gần đây nhất, trường hợp của VĐV Phạm Thị Thu Trang – giành HCV nội dung đi bộ tại SEA Games 30 cũng được nhắc đến nhiều khi cô từng có thời gian ngắn chạy xe máy Grab khi có thời gian rảnh sau tập luyện. Lúc ấy, Trang chưa có thành tích nổi bật ở Giải vô địch quốc gia, cũng chưa bận rộn với những chuyến tập huấn, thi đấu như trong hơn 1 năm gần đây. Hiện tại, Trang ít dành thời gian làm thêm nghề lái xe công nghệ.

Ngoài ra, thu nhập từ việc trở thành VĐV tuyến 1 của điền kinh Hà Nội rồi sau này là đội tuyển quốc gia cũng khiến cô có khoản thu nhập 6-8 triệu đồng/ tháng để dễ bề chi tiêu hơn, cũng như gửi một khoản về giúp đỡ gia đình. Gia đình cô thuộc diện nghèo ở Chương Mỹ, bố mẹ đều làm nghề nông và phải đi làm phụ hồ vào mỗi dịp nông nhàn.

Sau SEA Games 30 và thời gian tới, Phạm Thị Thu Trang đã và sẽ nhận được những khoản thưởng từ tổ chức, doanh nghiệp, ngành thể thao trung ương cũng như Hà Nội. Lúc ấy, nỗi lo cơm áo gạo tiền vơi đi, cô sẽ chuyên tâm tập luyện hơn để mong có những khoản thưởng khác.

Thực tế, hiện nay nếu không có những khoản thưởng từ thành tích thi đấu quốc tế cùng sự đam mê thì không ít VĐV đã rẽ sang hướng khác. Vì thế, cần sự linh hoạt, cái tầm của nhà quản lý để tăng tỷ lệ xã hội hóa các bộ môn, qua đó hỗ trợ đáng kể cho VĐV yên tâm cống hiến.

Tập vừa phải vì chế độ dinh dưỡng hạn chế

Cách đây vài năm, thể thao Hải Phòng từng có chuyện huấn luyện viên phải giảm tải tập luyện cho VĐV vì chế độ dinh dưỡng có hạn. Chính điều này đã hạn chế đáng kể thành tích của môn bơi, vật Hải Phòng, từng cống hiến cho thể thao Việt Nam không ít kình ngư, đô vật xuất sắc. (Minh Khuê)

Minh Khuê
.
.
.