Khi Ban tổ chức chưa muốn giải đấu “lên đời”

Thứ Tư, 22/03/2017, 08:10
Đấy là câu chuyện ở Giải cầu lông quốc tế Ciputtra Hà Nôi –Yonex Sunrise Challenge lần thứ 9 năm 2017, diễn ra từ ngày 21-3 tại Nhà thi đấu Cầu Giấy. Nguyên nhân cũng bởi Ban tổ chức giải muốn tạo điều kiện tối đa để các tay vợt Việt Nam có một sân chơi thay vì đứng ngoài nhìn người khác thi thố.

Không khó để “lên đời”

Đây đã là mùa giải thứ 9 liên tiếp, giải đấu cầu lông quốc tế này trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn cầu lông quốc tế được tổ chức. Ở mùa giải thứ 9 này, kinh phí tổ chức vẫn là bài toán khó với nhà tổ chức (Sở VH-TT Hà Nội và Liên đoàn cầu lông Hà Nội). Dù vậy, bài toán đã được giải nhờ sự tham gia của những đơn vị tài trợ quen thuộc và chính uy tín giải đấu. Thậm chí, ở giải năm nay, tổng giá trị giải thưởng còn tăng gần 20% so với năm ngoái, lên đến 20.000 USD cho 5 nội dung thi đấu.

Theo nhà tổ chức, chi phí để tổ chức giải chắc chắn trên 1 tỷ đồng. Đấy là chi phí khá lớn với một giải đấu thể thao, ngoài bóng đá, được tổ chức tại Hà Nội nhất là khi sự xã hội hóa thể thao nơi đây chưa cao.

Tuy nhiên, trong 8 mùa giải trước, giải đấu đã thực sự mang đến những ngày vui cho người hâm mộ cầu lông Hà Nội và cơ hội cọ xát cho không ít tay vợt trong nước. Đặc biệt những kỳ giải có sự góp mặt của tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh khiến Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức rồi sau này là Cầu Giấy – địa điểm thi đấu của giải, đông nghịt khán giả. Năm nay, cả những tay vợt từ Mỹ, Nam Phi, Anh, Canada… cũng dự giải, đủ thấy uy tín của giải đã tăng đáng kể.

Nguyễn Tiến Minh khó bảo vệ ngôi vô địch ở giải năm nay.

Tại Việt Nam, giải đấu này chỉ thua giải cầu lông Việt Nam mở rộng tại TP Hồ Chí Minh về đẳng cấp. Tuy vậy, những nhà tổ chức giải Hà Nội Challenge lại khẳng định hoàn toàn có thể nâng tầm cho giải đấu. Họ hoàn toàn có thể huy động từ các nhà tài trợ để tăng tiền thưởng cho giải, qua đó giúp giải đấu được nâng cấp và “kéo” được nhiều tay vợt hàng đầu thế giới tham dự. Nhưng đổi lại, những tay vợt Việt Nam có thứ hạng thấp, thậm chí không có thứ hạng sẽ không được góp mặt ở giải mà phải tìm cơ hội cọ xát quốc tế ở những giải quốc tế khác. Như thế, VĐV sẽ tốn kém hơn và thậm chí kể cả khi chấp nhận tốn kém nhưng cũng không được tham dự.

Rõ là không khó để “nâng tầm” giải đấu. Vấn đề là các nhà tổ chức muốn tạo cơ hội cọ xát cho các VĐV Việt Nam cũng như giúp khán giả thêm hứng thú khi đến sân. Ở giải năm nay, có tới 60 tay vợt Việt Nam tham dự, chiếm 1/5 tổng số VĐV dự giải. Trong số này, cũng chỉ có khoảng 10 tay vợt được tạo cơ hội thường xuyên thi đấu quốc tế.

Mơ một ngày “nâng tầm”

Có lần, khi trao đổi về giải đấu, bà Bùi Kim Hà - Tổng Thư ký Liên đoàn cầu lông Hà Nội, đã nói rằng: “Chúng tôi cũng vẫn muốn một ngày nào đó nâng tầm giải đấu. Nhưng lúc đó, trình độ của nhiều VĐV Việt Nam cũng phải lên một tầm mức hơn hẳn hiện nay”. Đúng là ngay tại giải đấu này, số VĐV Việt Nam trong nhóm 100 tay vợt hoặc cặp tay vợt hàng đầu thế giới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trên bảng xếp hạng gần nhất của Liên đoàn cầu lông thế giới, nội dung đơn nam chỉ có Nguyễn Tiến Minh (hạng 44 thế giới), nội dung đơn nữ có Vũ Thị Trang (hạng 36) và Nguyễn Thùy Linh (hạng 77), nội dung đôi nữ có Vũ Thị Trang - Nguyễn Thị Sen (hạng 54), đôi nam nữ có Đỗ Tuấn Đức - Phạm Như Thảo (hạng 42). Ngần ấy VĐV trong nhóm 100 tay vợt hoặc cặp tay vợt hàng đầu thế giới như vậy là quá ít để mơ tới chuyện đăng quang ở một giải đấu co cấp độ cao hơn, nhiều cao thủ hơn.

Không kể, Nguyễn Tiến Minh – tay vợt Việt Nam duy nhất trong nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp. Ngay ở giải đấu năm nay, khả năng bảo vệ chức vô địch đơn nam của tay vợt kỳ cựu này cũng mong manh. Cả 7 tay vợt còn lại trong nhóm 8 tay vợt hạt giống nội dung đơn nam đều trong nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới. Trong khoảng 2-3 năm gần đây, việc Nguyễn Tiến Minh thất bại trước các tay vợt xếp sau trong nhóm 100 tay vợt hàng đầu thế giới đã quá quen thuộc.

Cầu lông Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều tay vợt được hậu thuẫn về tài chính từ các doanh nghiệp. Nhưng như thế chưa đủ để những nhà tổ chức vừa muốn nâng tầm giải đấu, vừa muốn tạo điều kiện để nhiều VĐV Việt Nam nhất có thể dự giải. Có lẽ, cũng phải khi 3/5 nội dung thi đấu có từ 5 đến 7 tay vợt Việt Nam trong nhóm 100 tay vợt hoặc cặp tay vợt hàng đầu thế giới thì lúc đó nhà tổ chức những giải đấu như Hà Nội Challenge mới nghĩ đến chuyện nâng tâm giải đấu. Để có được điều này lại là câu chuyện không đơn giản với cầu lông Việt Nam.

Còn giờ đây, thôi thì cứ bằng lòng với một giải đấu cầu lông quốc tế cấp độ Challenge (cấp độ thấp trong làng cầu lông chuyên nghiệp thế giới) ở Hà Nội để VĐV được cọ xát, còn khán giả không phải chạnh lòng khi thấy các tay vợt chủ nhà “rụng” hết chỉ sau 1-2 vòng đấu đầu tiên.

Khó tái lập thành tích năm 2016

Theo các nhà chuyên môn, tại giải Hà Nội Challenge năm nay, cầu lông Việt Nam khó lòng lặp lại thành tích đoạt 2 chức vô địch (đơn nam, đơn nữ) như mùa giải 2016 dù cả vợ chồng tay vợt Nguyễn Tiến Minh - Vũ Thị Trang đều tham dự. Tay vợt Việt Nam được chú ý nhất lại là Nguyễn Thùy Linh, tay vợt Việt Nam tiến bộ nhất trong gần 1 năm qua khi đã lọt vào nhóm 100 tay vợt nữ hàng đầu thế giới.

Hiện tại, tay vợt đang đầu quân cho đội Đà Nẵng được coi là người kế thừa xứng đáng nhất cho vị trí số 1 nữ cầu lông Việt Nam mà Vũ Thị Trang đang nắm giữ.\

Minh Nhật
.
.
.