Góc nhìn của tôi: Đừng để giấc mơ ấy cô đơn!

Thứ Ba, 21/11/2017, 08:51
Hôm qua, Quỹ Đầu tư và Phát triển bóng đá trẻ Việt Nam (PVF) đã khánh thành trụ sở mới ở Văn Giang - Hưng Yên, đánh dấu một bước phát triển mới, một mục tiêu mới, một giấc mơ mới của Học viện bóng đá giàu tham vọng này.

Suốt 10 năm "đóng đô" ở trung tâm Thành Long - TP Hồ Chí Minh, PVF cũng đã sản sinh ra nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng, và thực tế là các Đội tuyển U của PVF cũng đã vô địch quốc gia nhiều lần. Nhưng với những đầu tư đặc biệt tới đây, mục tiêu của họ không chỉ gói gọi trong phạm vi quốc gia nữa, mà được mở rộng tới phạm vi quốc tế, thậm chí mơ ước chạm vào phạm vi World Cup - một World Cup thật, một World Cup xịn, chứ không chỉ là World Cup trẻ.

Chứng kiến lễ khánh thành ấn tượng cùng một giấc mơ World Cup mà các lãnh đạo PVF đề cập, một câu hỏi lớn chắc chắn sẽ vang lên trong đầu những người gắn bó với bóng đá Việt Nam: rốt cuộc thì với chúng ta, khoảng cách World Cup bao xa nhỉ?

Thứ nhất, nhìn ở phương diện toàn cầu, nếu chỉ "đo" World Cup bằng chất lượng của những học viện bóng đá đơn thuần thì có lẽ người Qatar, người Trung Quốc đã vô địch World Cup từ rất lâu rồi. Bởi từ rất lâu rồi, ở những quốc gia này đã có những học viện bóng đá được đầu tư cực lớn, và chất lượng của nó khiến cho ngay cả những Học viện "xịn" ở châu Âu cũng phải thèm thuồng.

Thứ hai, nhìn vào đặc thù Việt Nam, còn một vấn đề nan giải nữa, đó là đầu ra của những con người vốn được ươm trồng tử tế. Với một quy trình đào tạo đặc biệt, được chắp bút bởi những chuyên gia bóng đá nước ngoài, với một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp, và với một quá trình giáo dục văn hoá bài bản, lớp lang, có quyền tin tưởng rằng những cầu thủ của PVF tới đây sẽ không chỉ giỏi nghề, mà  còn trở thành những nhân cách lành lặn và tử tế.

Ryan Giggs muốn biến giấc mơ World Cup của các học viên PVF thành hiện thực. 

Nhưng hãy thử nhắm mắt tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra sau cái ngày những đứa trẻ tốt nghiệp, rời khỏi PVF để hoà mình vào dòng chảy V.League nói chung?

Mười bảy năm mang danh chuyên nghiệp nhưng V.League vẫn đầy rẫy bệnh tật và cạm bẫy. Người ta đã nói và rồi còn phải nói về một V.League bị biến dạng thành "võ - League", nơi mà một cú vào bóng có thể huỷ hoại sự nghiệp của một cầu thủ; một V.League với những lời rủ rê theo kiểu: "Hiệp 1 bọn anh đánh tài, giúp nhé!", khiến hàng loạt cầu thủ phải đứng trước vành móng ngựa; một V.League với tình trạng "một ông chủ, nhiều đội bóng", khiến sự trong sáng của những cái đầu và những đôi chân cầu thủ luôn bị đặt rất nhiều dấu hỏi.

Phải trở thành một phần của một V.League như thế, những cá thể lành lặn được tạo ra bởi PVF hay bất cứ một học viện bóng đá nào khác trên đất nước này đều đứng trước nguy cơ bị "hoà tan". Và thực tế chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị "hoà tan" như thế, đến nỗi Phó Chủ tịch truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ từng có lần thừa nhận: "Đúng là có cầu thủ lúc trẻ thì ngoan, nhưng càng lớn, càng già, càng hỏng". Mà đừng nói đến "những cầu thủ trẻ", ngay cả những cầu thủ ngoại khi đến đây chơi bóng cũng bị "hoà tan" và một ngày chợt nhận ra mình không còn là mình nữa.

Người viết bài này từng được nghe HLV lão làng Lê Thuỵ Hải khen ngợi cái thuở ban đầu tiền đạo Omar đến Việt Nam chơi bóng, nhưng nói như ông Hải thì: "Cậu ấy thấy đồng đội người Việt phản ứng trọng tài mà không sao, nên cũng phản ứng. Rồi cậu ấy đá xấu, đá ẩu y như cầu thủ Việt".

Với hai vấn đề mang tính "đặc trưng" như vậy, rõ ràng giấc mơ World Cup của PVF giống như một giấc mơ đơn độc. Mà trong cuộc đời, người ta không thể thành công với những giấc mơ đơn độc. Để giấc mơ ấy được sinh sôi nảy nở, mỗi ngày lớn thêm một chút, vững vàng thêm một chút cần sự chung sức đồng lòng của cả một guồng máy, một nền bóng đá, thậm chí một xã hội.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải thay đổi, V.League phải thay đổi, những con người tạo nên cái xã hội bóng đá này phải thay đổi theo chiều hướng minh bạch và tử tế thì may ra giấc mơ ấy, trong một ngày kỳ diệu nào đó mới có cơ hội thành hiện thực.

Đừng nghĩ rằng giấc mơ World Cup chỉ là một miền bay bổng riêng của PVF. Cũng đừng nghĩ rằng trách nhiệm tạo nên và nuôi dưỡng những cá thể bóng đá tử tế là trách nhiệm đơn lẻ của bất cứ một học viện bóng đá, một lò đào tạo cầu thủ cụ thể nào trên đất nước này.

Đừng để một giấc mơ lớn phải cô đơn!

Điểm nhấn Ryan Giggs

Xuất hiện trong ngày khánh thành trụ sở mới của PVF hôm qua có rất nhiều những quan chức và các nhân vật nổi tiếng trong làng bóng đá Việt Nam, nhưng tâm điểm là sự xuất hiện của các cựu cầu thủ CLB Manchester United, Ryan Giggs và Scholes. Từng bước chân của hai cầu thủ này đều được giới phóng viên và cả cổ động viên bám sát.

Phát biểu trong ngày chính thức đảm nhiệm chức danh giám đốc ở PVF, Ryan Giggs cho biết: "Thuở nhỏ tôi đã từng mơ được khoác áo M.U, và giấc mơ đó đã thành hiện thực. Tôi biết rằng các em nhỏ ở PVF cũng đang có những giấc mơ và nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng giúp cho những giấc mơ ấy sớm thành". Theo Giggs, để đạt được điều đó, các cầu thủ trẻ nhất định phải hình thành được những thói quen tốt, và Giggs tin rằng với 25 năm kinh nghiệm làm cầu thủ, 2 năm kinh nghiệm làm HLV, anh biết cách tạo ra những thói quen đó.

Giggs cũng đồng thời cho biết cơ sở vật chất của PVF có thể sánh ngang với Carrington - trung tâm đào tạo trẻ của M.U. So với Giggs, Scholes lầm lỳ hơn và kiệm lời hơn rất nhiều. Cựu cầu thủ này đóng vai trò cố vấn chuyên môn cho PVF.

Cũng trong ngày hôm qua, đội bóng U.15 PVF đã có trận đấu với U.15 Stoke City (Anh) trong giải tứ hùng quốc tế được tổ chức nhân dịp khánh thành học viện. Ngoài hai đội này còn các đội U.15 đến từ Hàn Quốc, Australia.

Được biết, PVF có liên kết đặc biệt với Học viện Bóng đá Busan (Hàn Quốc) nên các đội bóng của hai bên đã và sẽ tiếp tục tập huấn, thi đấu cùng nhau.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.