Giờ người Thái Lan còn biết nói gì?

Thứ Sáu, 07/06/2019, 08:55
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, các đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã có đến 3 thắng lợi trước Thái Lan. Bây giờ, người Thái còn ngạo nghễ được không?


Nếu lấy mốc năm 1991 là thời điểm bóng đá Việt Nam hòa nhập lại với sân chơi khu vực, chúng ta mất 7 năm để có chiến thắng đầu tiên trước Thái Lan tại Tiger Cup 1998 và mất thêm tròn 1 thập kỷ nữa để lần thứ 2 ăn mừng trước đối thủ này tại AFF Cup 2008. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, các đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã có đến 3 thắng lợi trước Thái Lan. Bây giờ, người Thái còn ngạo nghễ được không?

Chiến thắng của đẳng cấp

Tháng 12-2017, tại giải M150 Cup tổ chức ở Buriram, Thái Lan được tổ chức để chuẩn bị cho giải U23 châu Á tháng 1-2018, U23 Việt Nam đã có thắng lợi 2-1 trước đội chủ nhà trong trận đấu tranh hạng 3 với một cú đúp của Công Phượng. Trận đấu này có thể xem là bước khởi đầu cho hành trình đáng nhớ trên đất Thường Châu sau đó.

Ngày 26-3-2019, trên sân Mỹ Đình, U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan tới 4-0 trong trận đấu thuộc vòng loại U23 châu Á 2020. Đức Chinh, Hoàng Đức, Thành Chung và Thanh Sơn là những người lập công.

Và ngày 5/6 vừa rồi, cú đánh đầu phút cuối của lão tướng Anh Đức cùng sai lầm của thủ thành Kawin đã đem đến chiến thắng thứ 3 liên tiếp trong vòng chưa đến 2 năm của các đội tuyển Việt Nam trước kình địch Thái Lan.

Việt Nam đánh bại Thái Lan bằng sự điềm tĩnh của đẳng cấp.

Phát biểu của HLV Park Hang-seo sau trận đấu tại Kings Cup có lẽ là lời tổng kết ngắn gọn nhất cho cuộc “lật đổ” mà bóng đá Việt Nam đã tạo ra trước đối thủ luôn gây ám ảnh suốt hơn 2 thập kỷ: “Thắng Thái Lan không phải là điều gì quá đặc biệt. Với ĐT Việt Nam, đối thủ nào cũng phải nỗ lực hết sức, thắng bằng cách phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết và tìm cách tiến lên!”.

Phải, nỗi ám ảnh Thái Lan không còn nữa, đội bóng xứ sở Chùa Vàng giờ không còn là một đối thủ đặc biệt nữa! Dĩ nhiên, vì Việt Nam đã thua Thái Lan quá nhiều nên mỗi chiến thắng trước đối thủ này vẫn được các CĐV đón chào bằng một tâm thế hoàn toàn khác. Nhưng điều quan trọng nhất, các cầu thủ thế hệ mới giờ không còn tâm lý e sợ mỗi lần ra sân đối đầu với người Thái. Họ đĩnh đạc, tỉnh táo, tự tin và sẵn sàng ăn miếng trả miếng với đối thủ trong mọi tình huống.

Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa quá khứ và hiện tại. Danh thủ Hồng Sơn của thế hệ vàng đầu tiên từng thừa nhận anh và các đồng đội thực ra có lúc không thua kém người Thái về kỹ chiến thuật nhưng thường xuyên gặp vấn đề tâm lý trong những cuộc đối đầu. Thế hệ vàng thứ 2 của Dương Hồng Sơn, Như Thành, Minh Phương, Công Vinh… cũng vậy. Hai chiến thắng các năm 1998 và 2008 là những màn trình diễn thăng hoa, giàu cảm xúc nhưng nó chỉ đến 1 lần trong 1 thế hệ.

Còn bây giờ, thắng lợi tại Kings Cup có thể sẽ là hình ảnh mới của cuộc so tài Việt Nam – Thái Lan. Việt Nam không cần một chiến thắng đẹp mắt, thăng hoa mà có thể đánh bại Thái Lan bằng sự chủ động, lỳ lợm, tinh quái và đầy thực dụng. Đó là tư thế của một đội bóng cửa trên.

Một trang sử mới

Bóng đá thế giới không thiếu những cặp đấu mà một đội áp đảo hoàn toàn đối thủ trong một thời gian rất dài trước khi bước ngoặt xảy ra.

Tây Đức và Hà Lan là một ví dụ. Người Hà Lan vốn không ưa người Đức do đất nước của họ từng bị phát xít Đức chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ 2, và đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc cạnh tranh nổi tiếng bậc nhất bóng đá thế giới.

Người Hà Lan đã chiến thắng Tây Đức trong lần đầu tiên chạm trán sau chiến tranh thế giới thứ 2 (trận giao hữu năm 1956 kết thúc với tỷ số 2-1 nghiêng về Hà Lan), nhưng sau đó họ phải trải qua gần 30 năm đầy dồn nén ẩn ức khi không thể thắng đối thủ thêm một lần nào.

Từ năm 1957-1988, Hà Lan gặp Tây Đức tổng cộng 10 lần, thua 7 và hòa 3. Trong đó có những trận thua mà người Hà Lan không bao giờ quên. Đó là thảm bại 0-7 trong trận giao hữu ở Cologne, là trận thua đau đớn chung kết World Cup 1974 của thế hệ “thánh” Johan Cruyff, là thất bại 3-2 ở Euro 1980 khiến “Cơn lốc màu da cam” bị loại ngay từ vòng bảng.

Mãi đến thế hệ của Van Basten, Rijkaard, Gullit; người Hà Lan mới tìm được chiến thắng trước đối thủ khó chịu này. “Cơn lốc màu da cam” đánh bại Tây Đức 2-1 tại bán kết Euro 1988, sau đó hạ nốt Tiệp Khắc ở trận chung kết để có danh hiệu đầu tiên và cũng là duy nhất tính đến thời điểm này. Đáng nói hơn, Euro 1988 được tổ chức ở chính Tây Đức!

Khi đã vượt qua nỗi ám ảnh đè nặng tâm lý, sự tự tin sẽ trở lại. Kể từ trận bán kết Euro 1988, Hà Lan gặp Tây Đức (sau đó là nước Đức thống nhất) thêm 16 lần nữa và mỗi đội có 5 trận thắng. Có thể “Cơn lốc màu da cam” chưa thể có thêm danh hiệu lớn nào nhưng người Đức không còn là nỗi sợ của họ.

Sau nhiều năm tháng chờ đợi, Việt Nam cuối cùng cũng đã thoát khỏi “căn bệnh tâm lý” mỗi khi gặp  Thái Lan. Cột mốc ấy rất có thể sẽ mở ra một trang sử mới cho bóng đá Việt Nam, bởi rõ ràng khi người Thái không còn là mục tiêu để so sánh nữa thì chẳng còn điều gì “xứng đáng” để níu chân Việt Nam tại sân chơi khu vực. Thầy trò Park Hang-seo cần một mục tiêu mới, một… nỗi ám ảnh mới!

Tái ngộ người Thái ở vòng loại World Cup?

Với chiến thắng trước Thái Lan, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ giữ được vị trí trên BXH FIFA tháng 6-2019 và được xếp vào nhóm hạt giống số 2 tại lễ bốc thăm vòng loại World Cup 2022. Trong khi đó Thái Lan sẽ ở nhóm 3. Vì khác nhóm hạt giống, khả năng Việt Nam và Thái Lan “đụng” nhau là có thể xảy ra.

Tại vòng loại thứ 2 của World Cup 2018, Thái Lan cũng nằm cùng bảng và từng đánh bại Việt Nam trong cả hai trận đấu trên sân khách và sân nhà (tháng 5 và tháng 10-2015). Tại sân Rajamangala ở thủ đô Bangkok, Thái Lan thắng 1-0, còn trên sân Mỹ Đình, Việt Nam thua 0-3 trước đối thủ. Thái Lan lọt vào vòng loại cuối cùng nhưng không kiếm được một chiến thắng nào (hòa 2 và thua 8 sau 10 trận đấu). 

Cẩm Chi
.
.
.